Phát huy vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng

- Thời gian qua, đội ngũ luật sư cũng như tổ chức hành nghề luật sư của tỉnh ngày càng được mở rộng và phát triển. Chất lượng cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư ngày càng được cải thiện, đáp ứng được yêu cầu tranh tụng trong công tác cải cách tư pháp và nhu cầu trợ giúp pháp lý (TGPL) của người dân.

Đảm bảo tính khách quan trong hoạt động điều tra, xét xử

Đồng chí Vũ Thị Như Trang, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, những năm qua Sở Tư pháp đã thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác luật sư trên địa bàn tỉnh, triển khai thực hiện kịp thời Luật Luật sư năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012; tiếp nhận giải quyết nhanh chóng, chặt chẽ, đúng quy trình, đúng thời hạn các hồ sơ thủ tục hành chính trong lĩnh vực luật sư như: Cấp Giấy đăng ký hoạt động, trình Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư... Hàng năm, Sở xây dựng kế hoạch kiểm tra các tổ chức hành nghề luật sư, phát hiện những tồn tại, hạn chế, kịp thời yêu cầu các tổ chức chấn chỉnh, khắc phục.

Bên cạnh đó, Sở thường xuyên phối hợp với Đoàn Luật sư trong quản lý luật sư, hoạt động luật sư tại địa phương và thực hiện ký kết hợp đồng với các tổ chức hành nghề luật sư tham gia thực hiện TGPL...

Các luật sư, tư vấn viên tham gia Hội thảo nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức hành nghề luật sư do Sở Tư pháp tổ chức.

Thời gian qua, đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, Đoàn Luật sư Tuyên Quang có 21 luật sư thành viên hành nghề tại 8 tổ chức, gồm 2 Công ty luật trách nhiệu hữu hạn và 6 Văn phòng luật sư. Từ năm 2007-2022, các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 4.741 vụ việc. Trong đó, tham gia tố tụng 1.539 vụ việc; tư vấn pháp luật 2.439 vụ việc và thực hiện TGPL và các dịch vụ pháp lý khác là 763 vụ việc.

Trong quá trình tham gia tố tụng, các luật sư đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật như: Tham gia hỏi cung bị can, xây dựng bản bào chữa, thu thập và đưa ra các chứng cứ tại phiên tòa, tham gia xét hỏi, tranh tụng để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Qua đó, đã góp phần bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa của bị can, bị cáo; quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự; một phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng làm rõ sự thật khách quan của vụ án, xây dựng môi trường pháp lý dân chủ, bình đẳng, minh bạch trong hoạt động tố tụng.

Giải pháp cần thiết

Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư còn gặp một số hạn chế, vướng mắc về thể chế, cơ chế và trong một số hoạt động phối hợp với các cơ quan tố tụng.

Luật sư Ngô Việt Thắng, Công ty Luật TNHH MTV Quốc Cường chia sẻ, cơ chế tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư trong hoạt động TGPL bộc lộ một số hạn chế, bất cập, đó là: Luật TGPL vẫn chưa có quy định cụ thể về những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, các biện pháp nhằm thu hút các tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có kinh nghiệm, uy tín tham gia thực hiện TGPL nên việc huy động các nguồn lực tham gia thực hiện TGPL còn hạn chế. Chất lượng của đội ngũ luật sư chưa đồng đều nên việc thực hiện TGPL chưa đem lại hiệu quả cao, số lượng vụ việc còn khiêm tốn...

Luật sư Ngô Phương Mai, Chi nhánh của Trung tâm Tư vấn pháp luật cộng đồng và Tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên tại tỉnh cho biết, ngoài việc thực hiện tư vấn miễn phí cho khách hàng, Chi nhánh còn thực hiện một số hoạt động tư vấn có thu phí theo quy định của tổ chức chủ quản. Tuy nhiên do các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh hiện đang quy định mức thu phí khác nhau, tạo nên sự so sánh của người dân, dẫn đến việc có thể ký hoặc không ký hợp đồng tư vấn pháp luật, tạo áp lực cho tư vấn viên, luật sư hiện đang làm việc tại Chi nhánh...

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Vũ Thị Như Trang cho biết, để hoạt động luật sư trên địa bàn tỉnh ngày một tốt hơn, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục làm tốt công tác quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật, triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư theo tinh thần Kết luận 69-KL/TW ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Cùng với đó, Sở Tư pháp sẽ tăng cường hoạt động truyền thông về luật sư bằng nhiều hình thức phù hợp để mọi người dân được biết và nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của luật sư đối với đời sống xã hội, qua đó cung cấp dịch vụ pháp lý kịp thời cho người dân khi có nhu cầu. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác luật sư; kết hợp quản lý nhà nước của Sở Tư pháp với chế độ tự quản của Đoàn Luật sư trong quản lý hoạt động luật sư; tổ chức sơ kết, tổng kết, đề xuất khen thưởng kịp thời cho các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có thành tích và có công đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. 

Bài, ảnh: Thu Hương

Tin cùng chuyên mục