An Lâm tươi màu hy vọng

-Thôn An Lâm “thủ phủ” lò gạch thủ công ở xã Thái Sơn (Hàm Yên) giờ không còn khói bụi nghi ngút nữa. Trên nền những lò gạch cũ được san ủi bằng phẳng để trồng cây trái, giờ đang đua nhau vươn mình...

Một góc thôn An Lâm, xã Thái Sơn (Hàm Yên).

Không còn khói bụi

Yên tĩnh và sạch sẽ là cảm nhận đầu tiên khi đến thôn An Lâm những ngày này, không còn cảnh xe tấp nập, bụi cuộn lên do xe chở gạch thủ công như ngày nào. Ông Hà Văn Xuân, người dân trong thôn phấn khởi bảo, cái được nhất khi xóa bỏ lò gạch là môi trường. Từ ngày không sản xuất gạch, không có khói bụi, cuộc sống của người dân thư thái hơn, dễ thở hơn, bệnh về đường hô hấp của trẻ nhỏ, người già cũng giảm hẳn. Nhưng cái gì cũng thế, đều có hai mặt cả, được cái này thì vất cái kia, nhưng mình phải lựa chọn cái được nhiều hơn là môi trường sống. Nghề gạch không làm nữa, kinh tế của nhiều hộ cũng gặp khó, nhất là các hộ làm công ở lò gạch trước lại phải ngược xuôi tìm kế sinh nhai. Nhưng về lâu dài xóa bỏ lò gạch thủ công là rất đúng bởi lợi nhiều hơn hại - ông Xuân chia sẻ.

Ông Xuân vốn là chủ của 2 lò gạch thủ công ở An Lâm từ những ngày đầu hình thành nghề gạch ở đây. Người đàn ông ở tuổi ngoài 60 này, trải nghề lắm! Ông bảo, vất vả nào bằng nghề gạch. Cả ngày vật lộn với đất, với than, người như ám khói… có ai muốn đâu. Khi tỉnh, huyện có chủ trương “khai tử” lò gạch thủ công, ông và người dân ở đây thấy điều đó là đúng, vậy nên đầu năm 2020 đã tự nguyện dỡ bỏ lò đốt gạch, dẫu rằng trong lòng vẫn có điều gì vương vấn, cũng bởi nó là kế sinh nhai bao năm nay rồi, điều đó khó tránh khỏi, nhưng vì tương lai dài lâu thì buộc phải làm thôi. 

Ông Trần Văn Thuận, Bí thư Chi bộ An Lâm nhớ lại những ngày đi vận động người dân dỡ bỏ lò gạch thủ công mà vẫn sởn gai ốc.
Ấy là ông thấy sợ khi bà con  nhìn mình với ánh mắt “không bình thường”, thậm chí có người còn miệt thị ông nữa, bảo rằng “ông phá cơ nghiệp” nhà người ta. Cũng đúng thôi, bởi của đau con xót, kế sinh nhai của cả 1.000 người chứ có ít đâu. Người dân vẫn biết chủ trương xóa lò gạch thủ công là đúng, nhưng bỏ gạch rồi làm gì để sống khi đã gắn bó với nó cả mấy thập kỷ. Đó là điều bà con băn khoăn nhất. Gia đình ông cả mấy anh em đều làm gạch, gom nhau lại cùng làm, có lúc đến 7 - 8 lò. Khi có quyết định dừng sản xuất gạch thủ công, ông đã vận động anh em trong gia đình giảm dần, rồi dừng hẳn. Sau đó, lại cùng cán bộ thôn tiếp tục vận động người dân nhận bồi thường 7 triệu đồng/lò để dỡ bỏ hoàn toàn lò gạch đã xây. Đến đầu năm 2020 thì An Lâm đã xóa sổ lò gạch thủ công.

Diện tích ngô của gia đình ông Hà Văn Xuân, thôn An Lâm, xã Thái Sơn (Hàm Yên)
trồng trên nền đất làm gạch thủ công cũ.

Khoát tay về phía bãi ngô đang lên xanh mơn mởn, ông Thuận nói: Đó là thành quả cố gắng của chính quyền xã và các chủ lò gạch đấy, có nhà mất đến cả trăm triệu đồng san ủi lại mặt bằng hoàn thổ. Giờ thấy vui lắm! Qua rồi những ngày “giông bão” với nghề gạch. Rồi ông Thuận kể, nhớ nhất năm 1986 bắt đầu mở cửa cũng là lúc làng An Lâm “nở rộ” nghề gạch, bao nhiêu vốn liếng, thậm chí vay ngân hàng để làm gạch. Nhưng cũng năm ấy, trận lũ lịch sử đã cướp đi hết. Nhiều gia đình vì thế mà bỏ nghề, phá sản, bán lại cho người khác. Nhà nào cố theo cũng phải xiêu viêu 5 đến 7 năm sau mới hết nợ. Chưa kể lúc thì gạch bị cháy, lúc gạch bị sống, lúc thì mua phải than pha quá nhiều bùn đất, không cháy nổi… Đấy là do cung cách làm ăn tự phát, không được học hành bài bản cả thôi - ông Thuận khẳng định. Nhưng không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế từ gạch mang lại, nhưng giờ nó đã hoàn thành “sứ mệnh” rồi, phải bắt đầu cho sản xuất sạch hơn, vì sức khỏe của con người là trên hết.

Hướng mới

Ông Trần Giang Mạnh từng là “trùm gạch” với 3 lò gạch thủ công, nhưng giờ chuyển hẳn sang chồng cam sành, cam Cao Phong.  Ấy là cái duyên từ ngày ông chở gạch lên mạn ngược cho các hộ trồng cam, thấy những vườn cao lúc lỉu quả mà thích quá nhưng nhà thì chả có đất đai nhiều, có ít đất thì ném vào các lò gạch cả rồi. Màu xanh cây trái ở Yên Lâm, ở Phù Lưu đối lập với những cuộn khói nghi ngút ở làng mình, khiến ông lo lắng. Vậy nên, khi có chủ trương dỡ bỏ lò gạch, ông đã nghĩ ngay đến việc trồng cam.
Ông tìm hiểu từ các hộ trồng cam, được biết “một vụ cam bằng làm gạch 3 năm”, khiến ông giật mình. Thế là năm 2005, ông Mạnh mua 7,6 ha đất đồi ở Bằng Cốc trồng cam sành, có năm cam được giá, ông thu cả tỷ đồng. Chức Chủ tịch Hội cam sành Thái Sơn đã gắn với ông cho đến giờ. Rồi ông trồng hơn 6 ha cam Cao Phong (Hòa Bình) tại thôn 3 Thái Bình, xã Thái Sơn, đồng thời liên kết với 1 hộ dân ở đây trồng thêm 2 ha cam Cao Phong. Điều ông tính trước quả là đúng, cứ theo mãi nghề gạch thì hại mình, hại cộng đồng.

Ông Giang Văn Mạnh, thôn An Lâm, xã Thái Sơn (Hàm Yên) trồng cam Cao Phong sau khi bỏ nghề sản xuất gạch thủ công.

Dẫn tôi thăm vườn cam Cao Phong sai trĩu, quả nào quả ấy căng bóng, ông Mạnh giới thiệu, toàn bộ diện tích cam của gia đình trồng và chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ, phân bón được ủ từ cá, phân gà; thuốc phòng trừ sâu là chế phẩm sinh học. Vụ này, gia đình ông bắt đầu thu hoạch cam Cao Phong, hứa hẹn cho khoản thu nhập khá. Ông phấn khởi bảo, cam Cao Phong thời gian thu hoạch dài lắm, từ tháng 9 đến tháng 12 Âm lịch nên đầu ra cũng dễ hơn, giá bán ổn định, năm nào thấp nhất cũng phải 18.000 đồng/kg. Năm nay, ông có thu nhập tiền tỷ từ cam Cao Phong rồi.

An Lâm bây giờ có đường bê tông 5 m phẳng lỳ, có màu xanh mướt của ngô, màu đỏ của thanh long chín. Bí thư Chi bộ thôn Trần Văn Thuận cho biết, người dân An Lâm đã cải tạo, hoàn thổ được trên 95% đất làm gạch trồng ngô, cỏ voi để chăn nuôi cả 100 con trâu, bò; có nhà sau khi bỏ gạch đã chăn nuôi lợn theo hướng gia trại như gia đình ông Nhâm Văn Đức, Nhâm Văn Nhân, mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng. Hiện nay, người dân đang đưa cây thanh long ruột đỏ vào trồng trên đất vườn, bước đầu thấy khá phù hợp.

Lớp trẻ, độ tuổi 18 đến 35 hầu hết đi làm công nhân ở doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Anh Hoàng Văn Mạnh, năm nay 30 tuổi mong muốn, xã Thái Sơn cũng như huyện Hàm Yên có thêm nhiều giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn để những lao động như anh “ly nông” mà không phải “ly hương”.

Người An Lâm đang tìm hướng đi mới nhưng trong hành trình đó rất cần có sự quan tâm, giúp đỡ cụ thể của các cấp chính quyền tạo dựng nghề mới hơn hẳn nghề cũ không chỉ về giá trị môi trường sống mà cả về thu nhập. Khi “túi tiền” của người dân được đảm bảo thì việc chuyển đổi nghề nghiệp mới thực sự mang lại hiệu quả, bền vững và tạo niềm tin cho người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong công cuộc đổi mới.

Phóng sự: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục