Áo xanh tình nguyện chống dịch

- “Đứng trước dịch bệnh mọi người đều sợ bị nhiễm bệnh, nhưng nếu ai cũng sợ thì ai sẽ là người đi chống dịch? Chính vì thế, mình làm được việc gì có ích cho cộng đồng, cho xã hội lúc này thì cố gắng làm hết sức mình…”. Đó là suy nghĩ của nhiều bạn đoàn viên, thanh niên Huyện đoàn Sơn Dương đang tình nguyện tham gia tư vấn phòng, chống Covid-19 tại các chốt kiểm soát dịch bệnh của huyện.

24/24 giờ bám chốt

5 giờ 45 phút sáng tôi có mặt tại Chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 cầu Kim Xuyên, xã Hồng Lạc (Sơn Dương). Đây là chốt kiểm soát trọng yếu nối giữa xã Vụ Quang, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ với xã Hồng Lạc (Sơn Dương), là cửa ngõ dẫn vào các xã khu vực hạ huyện. Còn khoảng 15 phút nữa mới đến ca trực của anh Nguyễn Thành Sơn, Bí thư Đoàn xã Hồng Lạc. Tranh thủ khoảng thời gian nhận ca, anh Sơn chia sẻ, nhận được quyết định của Huyện đoàn về tăng cường đoàn viên, thanh niên tham gia chốt phòng, chống dịch tại các chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 của huyện, anh và 3 bí thư chi đoàn của xã đã tình nguyện tham gia tại chốt phòng dịch, mỗi người tham gia vào một ca trực. Một ngày sẽ chia ra 3 ca gồm: ca 1 từ 6 giờ sáng đến 14 giờ chiều; ca 2 từ 14 giờ chiều đến 22 giờ đêm; ca 3 từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Mỗi ca sẽ có 4 người gồm các bộ phận chuyên môn, công an, y tế, quân đội, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên. Hàng ngày nhiệm vụ chính của anh là giúp người dân khai báo y tế trên ứng dụng VNEID, điện thoại thông minh hoặc khai báo y tế trên giấy. Trung bình mỗi ngày có 700 - 800 lượt người, có ngày cao điểm trên 1.400 lượt người, phương tiện qua lại. Vất vả là thế nhưng hơn 2 tháng trực chốt, anh và mọi người luôn động viên nhau vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Anh Nguyễn Thành Sơn, Bí thư Đoàn xã Hồng Lạc (Sơn Dương) tham gia tình nguyện chốt kiểm soát liên ngành
phòng chống dịch cầu Kim Xuyên, xã Hồng Lạc.

Anh chia sẻ, trong quá trình trực chốt, anh gặp không ít cảnh đời éo le. Có lần khi đang trực chốt, thì có một người phụ nữ ở thôn Như Xuyên, xã Đồng Quý, đi làm thuê tận xã Quang Minh, huyện Mê Linh (Hà Nội) mang theo hai đứa con nhỏ đi xe máy đến chốt. Gặp anh và lực lượng làm việc tại chốt, chị òa lên khóc vì mệt, các con chị cũng có vẻ đói lả. Trước sự việc đó, anh  lấy sữa và thức ăn để ba mẹ con chị ăn tạm. Sau đó, anh đã báo với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của xã, tổ Covid-19 cộng đồng phối hợp với Trạm Y tế xã Đồng Quý,  làm các thủ tục khai báo y tế, đưa mẹ con chị về nhà cách ly 14 ngày theo quy định.

Dứt câu chuyện với tôi, anh Sơn nhanh chóng bắt đầu nhận nhiệm vụ của ca trực. Thao tác nhanh nhẹn, lời nói dứt khoát đảm bảo cho các xe đi đúng hướng, không bị ùn tắc, không có trường hợp “né” chốt. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng chức năng đã giúp công tác kiểm soát tại chốt đạt hiệu quả, nhanh chóng, chính xác. 

Ông Nguyễn Hồng Khanh, thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, đi thăm cháu nội ở xã Đại Phú (Sơn Dương) qua chốt kiểm soát liên ngành của cầu Kim Xuyên, xã Hồng Lạc cho biết, lực lượng làm việc tại chốt hướng dẫn ông khai báo tận tình, chặt chẽ. Bên cạnh đó còn tuyên truyền cho ông cách phòng, chống dịch, nhờ đó đã giúp ông nâng cao nhận thức để tự mình bảo vệ trước dịch bệnh.

Gác lại việc riêng, tình nguyện tham gia vào phòng, chống dịch bệnh, anh Ma Ngọc Huỳnh, Phó Bí thư Đoàn xã Hợp Thành, xin tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch tại chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch bệnh Covid-19 xã Hợp Thành. Đây là chốt giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên, mỗi ngày tiếp xúc với hàng nghìn người. Ca trực của anh bắt đầu từ 7 giờ 30 phút đến 23 giờ đêm. Do khối lượng công việc nhiều, anh phân công các đoàn viên làm theo 2 ca. Anh Huỳnh bày tỏ, hàng ngày, việc khai báo y tế được thực hiện kết hợp vừa trên máy tính vừa trên điện thoại thông minh có kết nối Internet. Anh và mọi người phải hướng dẫn người dân quét mã QR của chốt kiểm soát liên ngành và khai báo y tế vào hệ thống. Nếu người dân thường xuyên khai báo y tế và có cài đặt ứng dụng phòng chống dịch thì việc thực hiện đơn giản hơn. Những ngày cao điểm vào cuối tuần có khoảng 5.000 - 6.000 lượt người qua chốt phải thực hiện khai báo. Những lúc đông như vậy tất cả các lực lượng có mặt tại chốt căng mình làm việc, đảm bảo việc khai báo nhanh gọn, chính xác, tránh xảy ra tình trạng ùn tắc, tập trung đông người. Tuy nhiên có nhiều trường hợp không có điện thoại di động hoặc không biết cách khai báo y tế trực tuyến thì anh và mọi người phải hỗ trợ theo hướng “cầm tay chỉ việc”. 

Các tình nguyện viên là đoàn viên xã Hợp Thành đang hướng dẫn người dân khai báo y tế trên hệ thống mạng internet tại chốt kiểm soát liên ngành phòng chống dịch xã Hợp Thành.

Tuổi trẻ xung kích

Với khẩu hiệu “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, ngay từ những ngày đầu đợt dịch thứ 4 bùng phát, tuổi trẻ huyện Sơn Dương đã có nhiều hoạt động ý nghĩa rất thiết thực.

Đồng chí Trần Thị Hoàn, Bí thư Huyện đoàn cho biết, bình quân mỗi ngày các chốt có khoảng 2.000 lượt người qua, trong đó có trên 1.000 xe ô tô, gần 500 xe máy và phương tiện qua các chốt, trong khi lực lượng tham gia chốt trực mỏng dẫn đến hiện tượng ùn tắc, tập trung đông người dân tại chốt kiểm dịch, gây mất an toàn trong công tác phòng dịch và tắc nghẽn giao thông trên tuyến đường qua chốt.

Trước tình hình đó, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên, Huyện đoàn Sơn Dương đã thành lập đội tình nguyện gồm 70 đồng chí là cán bộ Đoàn xã tham gia trực cùng các chốt kiểm soát. Công việc chính là tiếp nhận khai báo y tế và ghi chép lịch trình di chuyển của người dân qua lại chốt kiểm soát dịch.

Anh Phạm Tuấn Anh, Bí thư Chi đoàn thôn Nho Quan, xã Tam Đa, hàng ngày vượt trên 4 km để tới tham gia hỗ trợ công tác kiểm soát phòng, chống dịch tại chốt kiểm soát dịch thôn Tân Phú. Đây là chốt giáp ranh với xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc). Anh chia sẻ, ngay khi Đoàn xã kêu gọi các đoàn viên, thanh niên tình nguyện tham gia phòng chống dịch tại chốt kiểm soát của xã, anh đã đăng ký tự nguyện tham gia. Thời tiết có hôm nắng như đổ lửa, hôm mưa gió bão bùng, anh và các lực lượng quyết không rời chốt, lơ là.

Xác định rõ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay, Huyện đoàn đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn vào cuộc quyết liệt, tích cực khai thác mạng xã hội để tuyên truyền, nắm chắc tình hình dư luận và định hướng thông tin trong thanh, thiếu niên và nhân dân; vận động kêu gọi kinh phí từ các tập thể, cá nhân, đoàn viên thanh niên, học sinh trên địa bàn huyện ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch.

Với tinh thần xung kích, không ngại khó khăn, hình ảnh của các tình nguyện viên là đoàn viên thanh niên đã để lại nhiều dấu ấn, cảm xúc trên tuyến đầu chống dịch, góp phần đi đầu trong công tác kiểm soát, ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn.

Ghi chép: Minh Thủy

Tin cùng chuyên mục