Bản sắc người Mông đen Chẩu Quân

- Trong vòng đời người Mông đen ở Chẩu Quân, xã Bình An (Lâm Bình) từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt trở về với tổ tiên, mỗi người trải qua rất nhiều nghi lễ. Trong đó, từ lúc yêu đến lúc kết hôn, các chàng trai phải trải qua nhiều thử thách, đòi hỏi sự quyết tâm bền bỉ, sẵn sàng hy sinh để cưới được người mình yêu. Và còn nhiều phong tục khác biệt làm nên bản sắc của người Mông nơi đây.

Những phong tục khác biệt…

Ông Tráng A Linh, người uy tín của thôn Chẩu Quân chia sẻ, mỗi người Mông đen sinh ra trải qua nhiều nghi lễ. Nghi lễ quan trọng đầu tiên trong cuộc đời là lễ đặt tên. Nếu như người Mông khác, nghi lễ này được tổ chức khi tròn tháng thì những đứa trẻ Mông đen sau 3 ngày tuổi là được làm lễ luôn. Nghi thức này tổ chức nhanh chóng với ý niệm cho sự khởi đầu may mắn, thuận lợi, suôn sẻ. Buổi lễ được thực hiện gọn nhẹ, đơn giản gồm hai phần là gọi hồn và nhận tên. Phần gọi hồn thì đứa bé là con trai thì thầy cúng sẽ bắt con gà mái để gọi hồn đứa trẻ về. Còn nếu là bé gái thì thầy cúng ôm con gà trống để gọi hồn. Gọi hồn của đứa trẻ về xong, thầy cúng thắp nén hương cắm ngay vào chân giường, nơi đứa trẻ nằm, với mong muốn sau này đứa trẻ sẽ lớn khôn với đức tính cần cù, chịu khó.

Trong hôn nhân, đám cưới, đàn ông người Mông đen ở Chẩu Quân đặc biệt thể hiện sự tôn trọng người yêu, người vợ và gia đình người con gái. Theo ông Linh thì để con trai Mông cưới được cô gái về làm vợ là một chặng đường với nhiều thử thách đòi hỏi sự kiên trì, tình yêu mãnh liệt của chàng trai.

 Phụ nữ Mông đen Chẩu Quân, xã Bình An (Lâm Bình) mặc trang phục trong đời sống hàng ngày.

Em Tráng Thị Lộ và Giàng A Mà yêu nhau được gần 1 năm. Mà bảo, trong quá trình quen biết tìm hiểu Mà luôn quan tâm, chiều chuộng người yêu. Và khi muốn cưới Lộ làm vợ thì Mà phải tìm được một người phù rể hợp tuổi, hợp tính cách để cùng đồng hành với mình trong thời gian tới.

Mà tìm được phù rể là người anh họ Leo Văn Bào. Vậy là, Mà và Bào phải dò la, tìm hiểu xem bố mẹ người yêu ở nhà ngày nào để vào vái lạy mà không báo trước. Theo tục lệ, là cả 2 chàng trai phải đến lạy bố mẹ cô gái cùng 1 lúc, nếu thiếu bố hoặc thiếu mẹ đều không được. Vì vậy, có những ông bố bà mẹ mà chưa ưng thuận, muốn thử thách con rể thì cứ thay nhau trốn. Có những chàng trai phải cả năm trời mới thực hiện được nghi lễ này.

Sau khi được ưng thuận thì nhà trai và nhà gái chọn ngày đẹp để tổ chức đám cưới. Đám cưới người Mông đen không cầu kỳ, thách cưới cao nhưng sính lễ mang sang phải là một con lợn đen khoảng 70-80 kg. Chú lợn này có vai trò đặc biệt, dẫn đường cho nhà trai đến nhà gái. Trong quan niệm người Mông thì lợn đen to béo sẽ mang đến giàu sang, khỏe mạnh, con đàn cháu đống. Và khi đến nhà gái thì họ hàng nhà gái sẽ mổ chú lợn kia và tiếp đãi khách khứa rồi chú rể cùng phù rể sẽ thực hiện nghi lễ báo cáo với tổ tiên, vái lạy liên tiếp từng thành viên họ hàng trong gia đình vợ. Điều này thể hiện sự kính trọng, biết ơn nhà gái đã có công nuôi dưỡng cô dâu khôn lớn. Sau đó, cô dâu theo đoàn về nhà chồng.

Cô dâu bước vào cửa nhà chồng thì phải chui qua con gà trống. Người cầm gà phải cho con gà phát ra tiếng kêu to, liên tục với ngụ ý muốn cô dâu luôn có “lời hay ý đẹp” khi sống ở nhà chồng.


Phụ nữ người Mông đen dành nhiều thời gian để tự tay làm trang phục truyền thống.

Trong thời gian này, cô dâu kiêng hoàn toàn mọi việc: lấy nước, rửa mặt... đều do phù dâu làm cho; việc dọn dẹp nhà cửa, rửa bát... do chị dâu hoặc các em nhà chồng làm. Thời gian 3 ngày cô dâu không làm việc gì nhưng phải chú ý quan sát xem gia đình nhà chồng sinh hoạt thế nào, kiêng kỵ điều gì... Đến sáng thứ 3, nhà chồng gọi anh em họ hàng và bắt con gà trống lấy vía cô dâu về làm lễ nhập môn. Lúc này cô dâu mới bắt đầu được làm mọi việc ở nhà chồng. Sau bữa cơm, vợ chồng trẻ cùng bố mẹ chồng và phù dâu về nhà gái làm lễ lại mặt..

Người Mông đen quan niệm, khi đã lấy chồng thì phải theo chồng nên vợ chồng người Mông thường gắn bó với nhau “như hình với bóng” trong mọi việc: làm việc trên đồi núi, đi chợ, thăm họ nội ngoại, chơi lễ, Tết...         

Gìn giữ nét đẹp truyền thống

Người Mông được phân biệt thành nhiều nhóm: Mông đơ (Mông Trắng), Mông đu (Mông đen), Mông lềnh (Mông hoa), Mông dua (Mông xanh)… Sở dĩ người Mông được phân biệt thành các nhóm như vậy là dựa trên sự khác nhau về trang phục và ngôn ngữ giữa các nhóm Mông.  

Người Mông đen ở Tuyên Quang không nhiều, tập trung chủ yếu ở thôn Tiên Tốc và thôn Chẩu Quân xã Bình An với khoảng trên 80 hộ. Trong đó, ở thôn Chẩu Quân có 30 hộ, bà con nơi đây sống quần cư, gắn bó và tạo thành phong tục, nét văn hóa độc đáo riêng.

Phụ nữ Mông đen ở đây ai cũng biết làm trang phục truyền thống. Họ đều tự tay lựa chọn nguyên liệu ở chợ rồi tự tay may, thêu thùa váy áo cho mình. Đối với họ khi làm được một bộ trang phục đẹp đó là sự hãnh diện, niềm tự hào đối với bạn bè cùng trang lứa.

Người Mông đen thôn Chẩu Quân, xã Bình An (Lâm Bình) phát triển chăn nuôi trâu vỗ béo.

Bà Giàng Thị Đưa chia sẻ, trang phục người Mông đen có màu chủ đạo là màu đen. Màu đen của trang phục kết hợp với những hoa văn đẹp mắt trên nẹp áo, cổ áo, thân áo, váy áo, mũ… tạo điểm nhấn đặc biệt khiến cho trang phục dù chủ yếu là màu đen nhưng lại rất sinh động và ấn tượng. Họa tiết trên trang phục nhỏ xinh, may theo hàng lối với hình bông hoa, lá cây, hình xoáy ốc, hình tam giác…Tất cả được phối hợp theo ý thích và sự tinh tế của người phụ nữ.

Trang phục người Mông không chỉ để mặc hàng ngày mà thể hiện sự thẩm mỹ, thước đo tài năng của người phụ nữ. Vì thế người mẹ Mông thường dạy con gái: “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/ Gái xinh không biết cầm kim là hư”.

Với việc sử dụng màu sắc trên trang phục khiến người Mông đen không lẫn vào không gian mà nổi bật trên nền màu xanh của núi rừng. Mỗi khi cô gái Mông đen bước đi những dải hoa văn ở ngực, mông, đùi, gấu váy chuyển động nhịp nhàng, uyển chuyển đung đưa thu hút mọi ánh nhìn.

Ông Ma Văn Tư, Trưởng thôn Chẩu Quân chia sẻ, người Mông đen Chẩu Quân từ Thúy Loa (Na Hang) chuyển về định cư ở đây được 16 năm. Cùng với đồng bào Tày, người Mông nơi đây sống đoàn kết, gắn bó. Người Mông khá chăm chỉ, ngoài làm ruộng, họ phát triển nghề “nuôi trâu vỗ béo”, trống nấm.

Đến nay, 30 hộ dân người Mông đen đều nuôi trâu, bò, trong đó hộ dân có từ 2 con trở lên chiếm đa số. Anh Giàng A Thanh là hộ nuôi nhiều trâu nhất ở Chẩu Quân. Anh Thanh bảo: “nghề nuôi trâu, bò vốn được duy trì từ đời ông cha mình nên mình chỉ việc phát huy. Tôi làm chuồng trại cẩn thận, trồng thêm cỏ voi, giữ ấm cho trâu bò về mùa đông, làm chuồng thoáng mát vào mùa hè... Nhờ thế trâu, bò lớn nhanh, khỏe mạnh”.

Những năm qua, cuộc sống dần ổn định, người Mông ở Chẩu Quân nỗ lực trong các hoạt động xây dựng đời sống, giữ gìn văn hóa tại địa phương. Đối với việc học, con em các dân tộc trong thôn đều được đến trường đúng độ tuổi. Theo thống kê của trường Mầm non và Tiểu học Bình An, tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến trường ở Chẩu Quân đạt 100%, tỷ lệ học sinh học hết Tiểu học đạt 100%. Một số học sinh người Mông ở Chẩu Quân đã học đại học, cao đẳng và có việc làm ổn định, tiêu biểu như trường hợp anh Giàng Phương Mai, sinh năm 1995 đang công tác một trường tiểu học ở tỉnh Phú Thọ hay chị Cháng Thị Minh hiện là sinh viên trường Đại học Tân Trào...

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục