Chuyện nhãn cổ Thái Bình

- Ở xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, nhãn còn có tên gọi đầy đủ là long nhãn - nghĩa là mắt rồng. Vào mùa hè, rồng hay phun nước giúp người nên khi nào thấy có nhiều nhãn, các cụ thường hay bảo là năm ấy sẽ có nhiều mưa và con nước sẽ lên to. Những tích chuyện nhỏ thú vị về nhãn như thế từ người già, người trẻ ở xã Thái Bình (Yên Sơn) đều sẵn lòng sẻ chia cho ai nấy ghé thăm. Chắc hẳn ban đầu, nhiều người chỉ nhớ đến mảnh đất này với đặc sản nhãn lồng, mật ong hoa nhãn. Vậy mà khi trở về, ai nấy đều không khỏi thích thú khi nghĩ về những câu chuyện bên gốc nhãn cổ xấp xỉ trăm tuổi nơi vùng quê thanh bình này.

Cùng “chia ngọt, sẻ bùi”

“Thế cháu có biết tại sao lại gọi là nhãn lồng không? Đó là nhãn Hưng Yên ngày xưa rất quý hiếm, nên người trồng phải dùng lồng chụp vào các chùm nhãn để bảo vệ khi gặp mưa, gió, dơi, chuột. Nên người dân gọi là nhãn lồng đấy!”.  Ông Nguyễn Tiến Hưng - người sở hữu cặp cây nhãn cổ ở xã Thái Bình vui vẻ hỏi tôi rồi tự trả lời như thế. Ông xởi lởi, mở lòng, say sưa khi nhắc đến nhãn cổ.

Con đường dẫn vào các lối nhỏ của xã Thái Bình, hai bên xanh mướt mắt với ngút ngàn những vườn nhãn trải dài rộng. Dịp này, hoa nhãn nở rộ, hoa nhãn có ở khắp các ngả đường, trải thảm trong các khu vườn, rắc đầy trên những lối đi. Cùng với sự phát triển của nhiều giống nhãn mới, đem đến sự đa dạng về chủng loại, nâng cao hiệu quả kinh tế thì những cây nhãn cổ trở thành nét văn hóa, niềm tự hào của người dân nơi đây. Tất cả như một sự nhắc nhở bao khó khăn ngọt bùi của thế hệ cha ông thời khai hoang, mở đất.

Cặp nhãn cổ của gia đình ông Nguyễn Tiến Hưng, thôn 4, xã Thái Bình (Yên Sơn) thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Những năm 40 của thế kỷ trước, người quê gốc Thái Bình lên đây khai hoang mang theo giống nhãn lồng Hưng Yên. Cây nhãn không chỉ mang đến giá trị kinh tế mà các cụ còn mong muốn mang theo nét văn hóa bao đời của nguồn cội, gốc gác. Đó là niềm tự hào với thứ quả quý, từng được chọn là quả “tiến vua”. Chuyện đưa cây nhãn lên vùng núi xứ Tuyên với biết bao buồn vui, khó khăn mà thế hệ con cháu như ông Hưng luôn ghi nhớ để giữ gìn, bảo vệ những gốc nhãn cổ.

Ông Hưng kể rằng, ngày đó, núi rừng nơi đây rậm rạp với nhiều cây cối, muông thú. Thế nên để bảo vệ cây nhãn, cụ Nguyễn Văn Oánh đã có sáng kiến đục ống bương rồi gieo hạt nhãn, đợi đến bao giờ hạt nảy mầm, cây khỏe, cao lớn rồi mới tháo ống bương để tránh thú rừng phá hoại.

Cùng thời với cụ Oánh có cụ Hiếu, cụ Minh… thời đó sức trai tráng dẻo dai, khéo léo. Ông Nguyễn Văn Tĩnh năm nay hơn 70 tuổi chia sẻ, khó khăn về địa hình nhưng các cụ trồng cây đảm bảo đúng kỹ thuật, hàng lối, khoảng cách lắm. Rồi thì những bí quyết chăm sóc để nhãn sai quả như “tỉa cành, dọn tán”, “tưới nước, bón phân” đúng thời điểm. Tất cả đều được các cụ thực hiện chuẩn yêu cầu nên nhãn Thái Bình có cùi dày, vị ngọt thanh mát, thơm ngon nức tiếng khắp vùng.

Cứ như thế suốt bao năm qua, đến Thái Bình người ta cảm nhận được sự gắn kết máu thịt giữa cây nhãn với đời sống của người dân nơi đây. Ông Tĩnh nói thêm, trong các vườn nhãn, bà con chăm bón, che chắn và lo lắng cho một mùa nhãn sắp tới chẳng khác gì những bà mẹ luôn dõi theo từng bước đi của đứa trẻ. Và dù năm ấy có được mùa hay không thì bao giờ người dân cũng lựa ra những chùm nhãn to đẹp nhất từ những trái nhãn đầu tiên được trảy về để dâng lên gia tiên, tiền tổ. Đó như một món quà tâm linh, một nét văn hóa riêng có.

Điều đặc biệt, những gốc nhãn cổ đều được người dân nơi đây coi như một người thân tâm tình cùng nhau. Ví như là việc gia đình có đám cưới thì gốc cây được dán chữ Hỷ còn nhà có người mất thì gốc cây được quấn chiếc khăn tang màu trắng. Gốc nhãn cổ bao năm tháng tỏa bóng mát, chứng kiến sự thăng trầm cuộc sống và sớm hôm bầu bạn, sẻ chia ngọt sẻ bùi cùng gia chủ. Đó vừa là sự gắn kết tâm linh lẫn tinh thần giữa người và giống cây quý này.

“Mắt rồng” tỏa bóng

Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình cho biết, trước đây các cụ lên khai hoang trồng hàng trăm gốc nhãn nhưng xã hiện có khoảng 12 gốc xấp xỉ trăm tuổi. Mỗi cây có dáng vẻ khác nhau nhưng đều xù xì, gân guốc, uốn lượn trông khá lạ mắt. Trước đây, nhãn không thành hàng hóa như giờ mà khi đó, người dân quê thường mang nhãn làm quà quê, thứ ăn chơi mà thôi. Qua thời gian, giá trị kinh tế cây nhãn càng rõ rệt, nhiều nhà giàu lên từ nhãn. Thế nên giờ đây nhà nào sở hữu cây nhãn cổ thì đều được bà con yêu quý, trọng vọng.

Nhà ông Nguyễn Tiến Hưng sở hữu đôi cây nhãn cổ mà ông thường gọi vui là cặp nhãn vợ, nhãn chồng. Qua tháng năm, mưa bão cả hai vẫn đứng cạnh nhau, chở che cho nhau, tỏa bóng mát cho sân vườn nhà ông. “Hai cụ” đều xấp xỉ 100 tuổi thế nhưng năm nào cũng “sản sinh” rất nhiều “con”, nhiều quả ngọt. Có những năm mỗi cây cho thu hoạch được 1 tấn. Nhãn cổ có đặc tính là quả nhỏ, cùi giòn, vị ngọt sắc, nước rất thơm. Thực khách ăn vào mà hương vị đặc trưng ấy vẫn lưu mãi nơi đầu lưỡi, mùi thơm bốc vào hốc mũi, dư âm đọng lại để đến mùa sau người ta vẫn tìm đến để được thưởng thức. Thời bố của ông Hưng còn sống, nhãn mới gần kết trái người ta đã vào hỏi dạm dân làng: “Nhãn cụ Oánh ra chưa? Năm nay nhiều hay ít?”... Khi trẩy là lái buôn đã hẹn ngày đến mua chứ không phải mang ra chợ nữa.

Nhà ông Tống Văn Bình, thôn 5, sở hữu vườn nhãn hơn 200 gốc, trong đó có 3 cây nhãn cổ. Cây to, gốc phải hai người ôm không xuể, tán rợp cả xuống mặt đất, có năm mưa bão lớn, gia đình còn mang cây để chống giữ cành. Chất lượng quả tới giờ vẫn được đánh giá ngon nhất vùng. Ông tỏ ra lo lắng với việc chăm sóc cho cây, tuổi cây càng cao, việc chăm sóc khó khăn hơn, bởi nếu không chăm sóc tốt cây sẽ không ra đều quả hàng năm mà sẽ cách năm mới cho quả. Điều đó thật đáng tiếc. Ông Bình bảo, nhãn là tên gọi tắt, còn gọi đủ là long nhãn. Long nhãn nghĩa là mắt rồng. Mình phải giữ cây cổ thụ để “mắt rồng” soi sáng, tỏa bóng trù phú quê hương.

Được biết, vài năm trước ông Bình là một trong những hộ tiên phong ở xã mạnh dạn ghép cải tạo nhãn cổ với mong muốn trẻ hóa, cho ra loại quả ngon và đa dạng hương vị. Đến nay thực khách đã được thưởng thức thành quả và trầm trồ trước sự sáng tạo, năng động của người nông dân.

Trong đó tại Trụ sở UBND xã có 2 gốc nhãn cổ gần 100 tuổi. Được biết đây là những gốc nhãn của cụ Oánh. Trước đây có hàng trăm gốc, cụ hiến cho Hợp tác xã nông nghiệp sau đó khu đất này được UBND lấy làm trụ sở. Qua thăng trầm thời gian, giờ chỉ còn 2 gốc nhãn cổ, chính quyền xã cho xây bao quanh để bảo vệ, đồng thời tạo cảnh quan, quảng bá thương hiệu nhãn Thái Bình cho du khách chiêm ngưỡng.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình bày tỏ: “Giờ đây, cây nhãn tổ không còn ra quả nhiều như trước nhưng sự tồn tại của nó như một hình ảnh thân thương, quen thuộc từ quá khứ và không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây. Mỗi năm sau khi thu hoạch hết quả, các hộ dân lại dành vài ngày để cắt tỉa, chăm sóc để cây dễ “thở” hơn nhằm kéo dài tuổi thọ cho cây. Nhiều nơi khác, bà con dự định trẻ hóa cây nhãn tổ bằng cách cắt ngọn để mọc phần ngọn khác khỏe hơn. Riêng chúng tôi chưa dám làm ngay vì cây đã quá già, không làm liều được, phải xử lý dần dần. Bởi những cây cổ thụ cũng cần khoảng lặng để nghỉ ngơi, tiếp thêm nguồn sinh lực để tỏa bóng mát cho quê hương Thái Bình”.

Ghi chép: Hoàng Niềm

Tin cùng chuyên mục