Chuyện những người “Vác tù và hàng tổng”

- Nhiều người vẫn nói, làm tổ trưởng tổ dân phố là “làm dâu trăm họ”, chuyện lớn nhỏ đều đến tay... Thế nhưng, những người “vác tù và” ấy vẫn cần mẫn với công việc này. Họ như cầu nối gắn kết, xây dựng và tạo sự đoàn kết giữa chính quyền và bà con trong thôn, trong tổ.

Hết mình vì việc chung

13 năm qua, người dân tổ 8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) biết đến ông Phạm Văn Huệ như một người “vác tù và” gương mẫu, lo toan việc lớn, việc nhỏ của tổ dù đã ở tuổi cần được nghỉ ngơi. Từng là cán bộ kiểm lâm nghỉ hưu, được bà con tín nhiệm, năm 2010 ông được bầu làm tổ trưởng dân phố. Người dân nơi đây thường nói với nhau, chuyện lớn bé, mọi con đường, ngõ ngách trong tổ đều in dấu chân ông Huệ, ở đâu có ông, ở đó người dân yên tâm. Quả đúng như vậy, những nhọc nhằn, buồn vui của người tổ trưởng dân phố suốt 13 năm qua ông Huệ đều đã trải qua nhưng chưa bao giờ ngại khổ dù bản thân ông bị bệnh huyết áp, tim mạch. Có những lúc nửa đêm người dân gõ cửa nhờ giải quyết công việc ông cũng chẳng nề hà.

Trong thời gian dịch Covid-19, công việc của ông Huệ càng thêm vất vả. Ngày nào ông cũng ghé từng nhà trong tổ để nắm tình hình, kiểm soát những gia đình thuộc diện F0, nhắc nhở mọi người thực hiện các biện pháp phòng dịch. Thấy có nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế, ông đã bàn với các thành viên trong tổ xin hỗ trợ. Từ năm 2020 đến nay, ông đã kêu gọi, vận động bà con trong tổ quyên góp được gần 40 triệu đồng để hỗ trợ các gia đình khó khăn trong tổ và ủng hộ các chương trình của địa phương. Nhiều người nể phục cái tâm của ông đối với các phong trào, việc gì ông cũng tham gia và đóng góp không nhỏ cả vật chất lẫn tinh thần. Khi hỏi dịch bệnh diễn biến phức tạp ông có sợ khi hàng ngày phải tiếp xúc và nguy cơ bị lây nhiễm cao, ông bảo, “Dịch bệnh ai cũng sợ, nhưng ai cũng sợ không làm thì ai giúp bà con. Ông luôn nghĩ, là người cán bộ, đã được giao nhiệm vụ là phải nỗ lực hết sức để hoàn thành. Được bà con trong tổ quý mến, họ tin tưởng nên ông không thể phụ lòng. Khi nào còn đủ sức khỏe, nhân dân còn tín nhiệm, ông sẽ cố gắng làm tốt”.

Ông Phạm Văn Huệ, Tổ trưởng tổ 8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) tuyên truyền tới các hộ kinh doanh trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của địa phương.

Với nam giới đã vất vả, phụ nữ làm công tác tổ trưởng tổ dân phố càng nhiều khó khăn. Đã bước sang tuổi 67, phải chăm sóc chồng, giúp các con trông cháu nhưng chưa giây phút nào bà Đặng Thị Tửu tổ dân phố Quyết Thắng, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) lơ là với việc làng, việc xóm. Tiếp xúc với người phụ nữ hiền lành, có giọng nói nhỏ nhẹ, ít ai nghĩ bà Tửu đã giữ chức Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 12 năm nay. Tổ dân phố Quyết Thắng có 213 hộ, 837 nhân khẩu, nhiều người từ nơi khác đến ở trọ, làm ăn. Trước đây, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, trộm cắp, mất an ninh trật tự diễn ra thường xuyên. Từ ngày bà Tửu nhận nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ dân phố, bà con trong khu ai nấy đều phấn khởi.

Ngày nắng hay mưa, người dân nơi đây đều quen với hình ảnh người tổ trưởng dân phố tận tụy, cần mẫn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động mọi người thực hiện nếp sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh khu phố sạch đẹp với phương châm “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe”. Khi bà có mặt ở những “điểm nóng” hòa giải tranh chấp đất đai, bất hòa trong gia đình, hàng xóm, khi bà cùng lực lượng chức năng giải tỏa hành lang. Bà cũng chẳng nề hà khi nhận được tin báo của người dân lúc 1 - 2 giờ sáng để giải tán nhóm thanh niên ăn nhậu, quậy phá. Trước kia, ý thức của người dân chưa cao, việc bỏ rác còn tùy tiện, bà đã giành nhiều thời gian đi tuyên truyền, vận động và chính bà còn tự mang những túi rác mà nhiều người bỏ không đúng nơi quy định đến nơi gom rác. Năm 2021, bà vận động các hộ gia đình mua thùng đựng rác có nắp đậy thay vì vứt rác bừa bãi trước cửa nhà. Ban đầu nhiều người bảo bà “vẽ chuyện”, rác cứ cho vào túi để trước cửa sẽ có nhân viên thu gom. Bà đã kiên trì giải thích sự quan trọng của phân loại rác cũng như đó là việc làm mang lại lợi ích cho chính mỗi người. Nhờ vậy đến nay, 100% hộ trong tổ đã thực hiện góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường. Bà đã góp phần đưa tổ dân phố trở thành điểm sáng của thị trấn Sơn Dương trong đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng khu dân cư văn hóa, tổ dân phố văn hóa.

Cầu nối hiệu quả

Được biết đến là người khéo léo trong việc giải quyết mâu thuẫn, xung đột tại cơ sở, bà Đoàn Thị Yên, tổ trưởng tổ dân phố 16, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) luôn chọn hướng giải quyết sự việc một cách uyển chuyển ở góc độ “tình làng nghĩa xóm”. Nhớ lại vụ hòa giải cho gia đình anh Nguyễn Văn Hà, chị Phan Thu Hiền từ năm 2010 bà nói, khi tưởng chừng hạnh phúc của gia đình anh Hà đứng trước bờ vực thẳm bởi mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu, anh chị em trong dòng họ, những trận cãi vã giữa hai vợ chồng. Sau khi nắm được tình hình, bà đã gặp gỡ, chia sẻ, gỡ rối cho anh chị đồng thời nhẹ nhàng khuyên anh Hà về việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Bà bảo, “hai vợ chồng bỏ nhau, con cái có bố thì không có mẹ, có mẹ thì không có bố. Nếu ly hôn, khó khăn sẽ tăng lên gấp đôi khi phải gồng gánh mà không có sự chia sẻ. Thôi thì vợ chồng hòa giải với nhau, bình tĩnh rồi một hai ngày sau nói chuyện, ai sai thì nhận lỗi”. Hàng ngày, bà vẫn thường xuyên thăm hỏi, gặp gỡ hai vợ chồng. Mỗi lần có việc, bà lại hỏi chị Hiền tình hình thay đổi của chồng. Chị Hiền bảo, thấy chồng thay đổi, chị cũng nhẹ nhàng hơn, hai người thêm hiểu nhau. Nếu ngày đó không có bà Yên khuyên giải thì giờ gia đình chị đã mỗi người một nơi. Đến nay, sau gần 13 năm, lá đơn ly hôn của vợ chồng chị không bao giờ được nhắc đến. 

Bà Đoàn Thị Yên (thứ 2 từ trái sang) Tổ trưởng tổ 16, phường Minh Xuân tích cực vận động người dân tham gia công tác của tổ dân phố.

Không chỉ hòa giải mâu thuẫn khéo léo, chỉ tính từ năm 2020 đến nay, bà Yên đã cùng Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố vận động giải phóng đất thuộc 46 hộ dân dọc đường Ngô Quyền để nâng cấp tuyến đường dài hơn 1 km từ 2 m thành 4 m. Bà cũng vận động nhân dân đóng góp gần 200 triệu đồng và trên 100 triệu đồng tiền mặt cùng vật liệu xây dựng từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tổ để nâng cấp 3 tuyến đường tại ngõ 02, 96, 21 đường Ngô Quyền. Bà thường xuyên nhắc nhở bà con từ chuyện dọn vệ sinh đến khóa cửa kỹ càng trước khi ra ngoài, cảnh giác khi có người lạ xuất hiện trong khu rồi đến việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, những phong trào của địa phương.

Cũng như bà Yên, ông Âu Văn Sỹ, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ 6, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) luôn hết mình vì việc chung. Ông nhận được nhiều Giấy khen của các cấp ghi nhận thành tích đã đóng góp cho địa phương nhưng với ông không có niềm vui nào lớn hơn là nhận được sự tin yêu, quý trọng của người dân. Tròn 10 năm giữ chức vụ Tổ trưởng dân phố, ông luôn tâm niệm phải làm việc bằng cái tâm. Từ năm 2013 đến nay, ông đã tuyên truyền, vận động bà con trong tổ đóng góp hàng trăm triệu đồng và nhiều ngày công lao động làm mới gần 5 km đường bê tông; vận động người dân ủng hộ gần 200 triệu đồng xây mới nhà văn hóa và 125 triệu đồng cùng nhiều ngày công tu sửa lại đình làng, mở rộng đường làng ngõ xóm. Ông còn khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây sắn cho thu nhập thấp sang trồng keo. Nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động được ông tư vấn, vận động đi làm việc tại các công ty trong và ngoài tỉnh với thu nhập ổn định từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, kinh tế các hộ gia đình trong tổ dần ổn định, tỷ lệ hộ nghèo của tổ từ 28 hộ năm 2013 nay chỉ còn 2/158 hộ nghèo.

Với những nỗ lực, cống hiến hết mình cho việc chung của địa phương, nhiều khi vất vả, phải đánh đổi thời gian của bản thân, song những người tổ trưởng dân phố vẫn nguyện “vác tù và hàng tổng”, bởi hơn ai hết, họ hiểu những việc mình làm giúp mang lại lợi ích cho nhân dân.

Thúy Nga

Tin cùng chuyên mục