Động Sơn - Làng văn hóa tương lai

- Cơn mưa ập đến, núi rừng Động Sơn như bừng sáng, căng đầy sức sống. Xa xa, khói lam chiều từ những nếp nhà sàn người Cao Lan quyện vào màu xanh của rừng, cảnh tượng tươi tắn lạ kỳ. Ở trong căn nhà sàn ấy, tiếng hát Sình ca được cất lên…

Đậm bản sắc

Ngày mới về đất Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn) làm dâu, bà Ngà Thị Quý mới 20 tuổi. Khi ấy, thôn chỉ có 4 nếp nhà, nằm nép mình giữa khoảng xanh thẫm được bao bọc bởi Núi Là và nguồn nước xanh mát Ngòi Là.

Người làng vẫn nhớ về sự tích “ông Núi Là, bà Núi Nghiêm”, người làng thờ ông Núi Là còn người dân mạn Giếng Tanh thờ bà Núi Nghiêm như một biểu tượng tôn vinh văn hóa người Cao Lan cả một vùng này. Người ta đi đâu, về đâu thì mãi nhớ vùng đất cổ xưa cha ông người Cao Lan gây dựng. Ngày đó tên thôn là Động Móc, bởi  giữa làng có cây móc to sừng sững. Qua bao đận mưa bão, gió lốc lớn mà cây vẫn bám trụ với làng. Người làng bảo rằng, cây đó là biểu trưng ngọn nguồn sức mạnh của người làng Cao Lan này, để họ bám trụ, sinh sôi sự sống, gieo tương lai tốt đẹp. Sau này, khi chia tách thôn được đổi tên là Động Sơn, chữ Sơn bắt đầu từ núi Là, cốt cách của người dân bản xứ. Suốt dọc lối đi, từ mãi trong khe Núi Là trở ra lúp xúp những nếp nhà sàn gỗ, nép vào chân núi, mang nhiều vẻ cổ kính.

Nhà sàn cổ ở Động Sơn giúp du khách có thêm trải nghiệm hữu ích.

Bà Hoàng Thị Hoa miết những ngón tay vào từng thớ gỗ của ngôi nhà sàn đậm nét đặc trưng văn hóa người Cao Lan, ánh mắt đầy tự hào. Bà bảo, ngôi nhà cũng gần 40 tuổi rồi đấy, nhớ năm đó, tốp thợ về dựng cũng đến cả 7 tháng trời mới hoàn thiện theo lối cung đình thời xưa mà người Cao Lan vẫn giữ cho đến tận giờ. Kể cả khi những ngôi nhà sàn được lớp trẻ sau này dựng bằng bê tông cốt thép vẫn mang nét xưa ấy.

Ngôi nhà có những hàng cột lớn. Những xà nhà lớn chồng lên nhau, có những trụ non ken vào kẻ tận cùng bằng con cung ở gần góc mái và thay thế vì kèo tam giác là một lối vì kèo đặc biệt. Kỹ thuật tinh xảo đã tạo nên những mộng vững chắc ở đầu cột, nhất là ở chỗ nối với câu đầu, kẻ ngồi và xà thượng. Vì kèo nọ giằng với vì kèo kia bằng một hệ thống xà thượng, xà tứ. Tất cả tạo nên một bộ khung bằng gỗ tháo lắp dễ dàng và không cần dùng đến một cái đinh. Những bức tường ngăn cũng làm bằng những ván liền bản nối liền nhau bằng những đố búp măng hay những đố gỗ lớn chạm trổ họa tiết cổ công phu. Những nét chạm trổ mỗi nhà mỗi khác tùy sự tinh tế, khéo léo của tốp thợ và ý tưởng của mỗi gia đình. Bà Hoa cười hiền, bảo: “Giờ ở Động Sơn này còn ít nhà sàn gỗ cổ, nên trong lòng vinh dự lắm mỗi khi ai đó đến tham quan ngôi nhà”.

Trong nắng mới, những vạt áo Pù dằn dinh - áo “bươm bướm” nổi bật bên ngôi nhà sàn xưa cũ, gợi nét đẹp truyền thống. Bà Hoa khoe, ngày chuẩn bị về làm dâu, con gái Cao Lan tự dệt vải và nhuộm chàm rồi khâu áo bằng tay, tấm áo theo bà về nhà chồng. Áo dài bên ngoài gọi là Pù dằn dinh, áo yếm gọi là sồng dím, váy cũng được dệt bằng vải chàm, ở chân cuốn xà cạp với quai xà cạp dệt thổ cẩm, trên đầu có đội khăn. Sự tỷ mỉ này nói lên đức tính kiên nhẫn, hay lam hay làm và luôn mong được xinh đẹp của phụ nữ Cao Lan.


Trang phục truyền thống của phụ nữ Cao Lan thôn Động Sơn.

Làng văn hóa du lịch tương lai

Thôn Động Sơn có 135 hộ, chủ yếu là người Cao Lan, sống bằng nghề nông. Anh Ma Văn Thông, Trưởng thôn cho biết, ngoài đất 2 vụ lúa, người dân trong thôn phát triển rừng trồng với trên 30 ha. Những người như ông Lâm Văn Quán, Lâm Văn Tuyên, bà Lâm Thị Thực có từ 2 đến 3 ha rừng. 6 năm trở lại đây người dân trong thôn đã bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi đất vườn tạp trồng bưởi, tăng thêm thu nhập. “Từ xưa nay, giữ màu xanh nơi đại ngàn, cái bụng người Cao Lan mới yên mà giữ làng mình được đấy!” - Trưởng thôn tuổi ngoài 30 khẳng định.

Bám rừng và trồng cây ăn quả mở ra cơ hội để Động Sơn phát triển du lịch cộng đồng. Điều này là hoàn toàn có cơ sở, bởi Động Sơn còn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo của người Cao Lan. Hơn nữa, ở đây còn có hồ Ngòi Là 1, Ngòi Là 2, du khách nhiều nơi về đây câu cá, rồi về làng thăm thú nhà sàn, nghe hát Sình ca. Động Sơn, cách thành phố chừng 10 km, cách thị trấn Yên Sơn cũng khoảng chừng đó, là điều kiện tốt để phát triển du lịch cộng đồng.

Với những thuận lợi đó, UBND huyện Yên Sơn đã xây dựng Đề án Làng văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn, xã Chân Sơn. Đồng chí Khổng Thị Tân, Chủ tịch UBND xã Chân Sơn cho biết, mục tiêu được đặt ra là xây dựng thôn Động Sơn mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Cao Lan gắn với khai thác, phát huy hệ thống thắng cảnh của khu vực này phục vụ phát triển du lịch. Xã vận động nhân dân Động Sơn làm du lịch homestay, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc để khi dịch bệnh Covid-19 kết thúc, Làng văn hóa sẽ đón khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Huyện đã có chủ trương cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thôn; hoàn thiện đường điện; xây dựng khu vui chơi, tập luyện thể thao. Đồng thời, huyện cũng tiến hành cải tạo hồ Ngòi Là; tôn tạo, xây dựng đình làng Động Sơn…


Hồ Ngòi Là, điểm đến hấp dẫn.

Huyện chú trọng xây dựng các sản phẩm của làng văn hóa với trải nghiệm homestay, dịch vụ ăn uống, giải trí đi thuyền, đi mảng, câu cá trên hồ Ngòi Là 1, Ngòi Là 2; tham gia lễ hội đình Làng Là. Xã quy hoạch vùng trồng cây ăn quả đặc sản, vườn hoa lan, chăn nuôi thương phẩm với lợn đen, gà thả đồi để du khách thưởng thức ẩm thực độc đáo của người Cao Lan.

Lãnh đạo huyện Yên Sơn đã tiến hành khảo sát cụ thể thực trạng thôn Động Sơn và triển khai Đề án xây dựng Làng văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn với những bước đi cụ thể, bài bản nhất để phát huy tiềm năng, lợi thế. Công tác quảng bá về Làng văn hóa dân tộc Cao Lan sẽ được huyện, xã thực hiện trên nhiều kênh, đặc biệt là trên Fanpage của Báo Tuyên Quang, tạo sự cộng hưởng đa chiều, không giới hạn về lượng người tiếp cận, để có thật nhiều du khách lựa chọn Động Sơn là điểm đến của mình…

Dẫu dịch bệnh vẫn hoành hành nhưng việc triển khai các đề án du lịch vẫn phải được thực hiện để khi dịch bệnh được kiểm soát, loại trừ khả năng lây nhiễm, du lịch sẽ bứt phá. Khi đó, Động Sơn đã được đầu tư bài bản, hấp dẫn trở thành địa chỉ không thể thiếu trong hành trình kết nối du khách trải nghiệm Lễ hội Thành Tuyên, du lịch nghỉ dưỡng Suối khoáng Mỹ Lâm, hồ sinh thái Na Hang và tìm hiểu truyền thống lịch sử Tân Trào…

Phóng sự: Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục