Ký ức những ngày Tổng khởi nghĩa

- Lịch sử đã lùi xa 76 năm, nhưng không khí của cách mạng tháng Tám vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào trong ký ức của những cán bộ tiền khởi nghĩa...


 

Ánh sáng của cách mạng

Men theo con đường bê tông dọc theo cầu Bình Ca mới được xây dựng bắc qua sông Lô, chúng tôi tìm đến nhà ông Dương Phú Quý, sinh năm 1925, cán bộ tiền khởi nghĩa ở thôn Thúc Thủy, xã An Khang (TP Tuyên Quang). Căn nhà xây nhỏ ấm cúng nằm nép mình trên sườn đồi, xung quanh có một cái sân rộng với đầy cây và hoa. Bước trong nhà ra là một ông cụ 96 tuổi tóc trắng như cước vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn, tươi cười đon đả mời khách vào nhà. Biết phóng viên Báo Tuyên Quang xuống tìm hiểu về cách mạng tháng Tám, mắt ông sáng quắc. Ông bảo trước năm 1945, người dân Tuyên Quang sống cuộc đời lầm than nô lệ của giặc ngoại bang Pháp, Nhật. Bản thân ông phải đi làm phu cực khổ cho mỏ than của Pháp ở phường Minh Xuân ngày nay. Sau đó chuyển sang nấu ăn cho quan ba, quan tư của Pháp làm trong hai bệnh viện Nhà thương Pháp ở khu Thành Tuyên Quang bây giờ và Nhà thương ta tại phường Minh Xuân.


­­Ông Dương Phú Quý,
thôn Thúc Thủy, xã An Khang thường xuyên nghe thông tin thời sự qua Radio.

Năm 1944, ông Dương Phú Quý bắt đầu theo Việt Minh. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ở mỗi khu phố của Tuyên Quang chúng lập ra các bảo an binh và bảo an điếm do những người Việt thân Nhật cai quản. Nhờ thông thuộc địa hình và móc nối được với những người Việt làm cho Nhật nhưng có tấm lòng yêu nước, ông Quý đã chỉ đạo anh em lấy trộm được 20 tấn muối, 10 khẩu súng trường của Nhật ở kho Xã Tắc, phường Tân Quang giao cho ông Khắc Hùng, xã Tràng Đà lấy thuyền sắt chở vào chiến khu. Chiến khu lúc này là những cơ sở cách mạng của ta hoạt động ở khu vực Bình Ca, Vĩnh Lợi (Sơn Dương).

Nghe tiếng ông Quý hoạt động sôi nổi ở Trung đội Nhượng, lập nhiều chiến công, đồng chí Song Hào, phụ trách Phân khu ủy Nguyễn Huệ đã cho gọi ông Quý lên giao làm việc trong Ban trừ gian. Ngày 16-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Tuyên Quang được thành lập do đồng chí Song Hào làm Chủ tịch, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Đúng 2 giờ sáng ngày 17-8-1945, lệnh khởi nghĩa giành chính quyền tại thị xã Tuyên Quang được phát đi. Các mũi tiến công của quân ta đồng loạt tiến công vào các vị trí trọng yếu của địch. Ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ trừ gian, cắt đứt đường, phá cầu, chặn sự liên lạc của quân địch. Đến ngày 21-8-1945 quân ta giành chính quyền. Lúc này, tổ chức giao ông đi thông báo cho người dân trong tỉnh về mít tinh mừng thị xã được giải phóng. Sau ngày giải phóng với vai trò trong Ban trừ gian, ông cùng các đồng chí đẩy lùi sự xâm nhập của Quốc Dân Đảng tại Tuyên Quang.

Năm 1950, một vinh dự lớn đến với ông Dương Phú Quý là được tổ chức kết nạp Đảng. Ông tiếp tục tham gia chống Pháp ở chiến trường Đông Khê, Thất Khê, tỉnh Cao Bằng. Rồi cùng làm đường chuyển pháo từ Cao Bằng về Tuyên Quang để bộ đội kịp thời chuyển lên chiến trường Điện Biên Phủ. Ông học thêm nghề y, năm 1958 được giao làm Trưởng phòng Y tế huyện Chiêm Hóa, bình phong bí mật nhằm bóc dỡ hoạt động của Đảng Nhất tâm dân tộc. Năm 1969, khi hai nhà báo Pháp tìm đến nhà ông phỏng vấn về hoạt động của chiến sỹ giải phóng quân và chiếc máy bay Pháp rơi ở Bình Ca, ông bắt tay rồi bảo: “Khi đánh nhau là kẻ thù, giờ hòa bình chúng ta là bạn”. Năm 1985 ông về hưu với vai trò Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Y tế Tuyên Quang. Rồi ông xung phong tham gia làm Trạm trưởng Y tế xã An Khang một thời gian. Từ một đảng viên, hiện nay gia đình ông có thêm 3 đảng viên là con trai, con gái và cháu nội.

Quê hương đổi mới

Ông Ma Văn Dần, sinh năm 1926, tổ 2, phường An Tường (TP Tuyên Quang), cán bộ tiền khởi nghĩa, người tham gia giành chính quyền năm 1945 ở thị xã Tuyên Quang từ tay Nhật kể, ngày 21-8-1945, đồng chí Tạ Xuân Thu thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật. Cùng ngày, quân Nhật cũng rút khỏi thị xã Tuyên Quang. Khởi nghĩa giành chính quyền tại Tuyên Quang đã thắng lợi hoàn toàn. Sáng ngày 22-8-1945, tại sân vận động thị xã Tuyên Quang, một cuộc mít tinh đã được tổ chức trọng thể với sự tham gia của hàng vạn quần chúng nhân dân các dân tộc trong tỉnh Tuyên Quang. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Tuyên Quang do đồng chí Nguyễn Công Bình làm Chủ tịch được thành lập, ra mắt nhân dân. Đồng chí Nguyễn Công Thành - Bí thư tỉnh Bộ Việt Minh đã công bố chính sách 10 điểm của Mặt trận Việt Minh. Toàn thể nhân dân đồng thanh hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập vạn tuế’’, “Ủng hộ chính quyền Việt Minh”.

Đưa chúng tôi xem một số kỷ vật xưa, ông Ma Văn Dần khẳng định, 76 năm mùa thu chính quyền về tay nhân nhân, Tuyên Quang đã có sự phát triển vượt bậc. Từ một chi bộ ra đời năm 1940, nay vươn lên thành một Đảng bộ vững mạnh, trải qua 17 kỳ đại hội với nhiều quyết sách quan trọng. Chỉ tay về phía đầu ngõ, ông Dần khoe: “Anh nhìn xem, tôi không nói đâu xa. Tổ dân phố của tôi rất nhiều gia đình mua được ô tô con. Trước kia ô tô con hiếm lắm, chỉ dành cho cơ quan nhà nước, những lĩnh vực trọng yếu. Giờ ô tô con trở thành phương tiện đi lại phổ biến, bình thường của người dân. Tôi đi lên trung tâm thành phố thấy ô tô con đi đầy đường, lòng phấn khởi lắm”.

Ông Ma Văn Dần, tổ 2, phường An Tường nói chuyện với các cháu đoàn viên về ngày giải phóng thị xã Tuyên Quang.

Tuy đã 95 tuổi đời, 75 tuổi Đảng, ông Ma Văn Dần vẫn còn theo dõi sát sự phát triển của quê hương, đất nước. Từ tiền lương hưu của mình, ông tiết kiệm ủng hộ 6 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Tuyên Quang. Ông luôn căn dặn con, cháu, chắt, chít làm gì thì làm, nhưng phải thực hiện đúng, nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sống có tình làng nghĩa xóm, thủy chung, son sắt với Đảng. Cứ như vậy, nền nếp, truyền thống gia đình được giữ vững, bồi đắp, tiếp nối giữa các thế hệ.

An Tường trước kia là một xã trung tâm của huyện Yên Sơn, nay sáp nhập vào thành phố, trở thành phường. Thị xã Tuyên Quang xưa là 4 xã, 3 phường nay mở rộng lên thành phố đô thị loại II trực thuộc tỉnh có 10 phường, 5 xã. Chị Đặng Thị Bích Ngọc, Bí thư Đoàn phường An Tường dẫn chúng tôi đi thăm cán bộ tiền khởi nghĩa trên địa bàn phường xúc động nói: “Chúng em được sống trong hòa bình, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc là nhờ ơn Bác Hồ, Đảng lãnh đạo, công lao to lớn của các cán bộ tiền khởi nghĩa. Thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, hàng năm, Đoàn phường tổ chức thăm hỏi, chăm sóc vật chất, tinh thần đối với những gia đình có công, gia đình chính sách trên địa bàn. Để từ đó, các bạn đoàn viên, thanh niên thấy được những mất mát hy sinh lớn của bao lớp cha ông đi đước mới có nền độc lập, tự do như hôm nay. Qua đó giáo dục truyền thống cách mạng quý báu của dân tộc ta cho các thế hệ mai sau”.

Tuyên Quang một tỉnh miền núi phía Bắc đang vươn mình và phát triển. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu: “Đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc”. Toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân đã và đang tận dụng thời cơ để khai tác tốt tiềm năng, thế mạnh sẵn có thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, sớm đưa Tuyên Quang xứng đáng với vị thế Thủ đô Kháng chiến -Thủ đô Khu giải phóng của cách mạng Việt Nam.

Ghi chép: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục