Lựa chọn nghề - những ngã rẽ tuổi 18

Sau khi công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, hiện các trường đại học bắt đầu cho thí sinh lựa chọn nguyện vọng về ngành nghề theo học. Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng đã chọn được một ngôi trường hay một nghề nghiệp ưng ý cho tương lai. Ở phía trước còn rất nhiều những băn khoăn, lo lắng mà các em phải cân nhắc để tìm ra cho mình một ngành nghề phù hợp.

Những sai lầm chọn trường, chọn ngành

Vui mừng, hụt hẫng, tiếc nuối...là những cảm xúc khác nhau của mỗi thí sinh khi nhận kết quả thi. “Điểm cao vào trường nào chẳng được; học gì mà ra phải kiếm được việc làm nhé! Học báo thì đi bán báo/Học xây dựng thì làm thợ xây à?” Đây là những định kiến mà có lẽ chẳng thế hệ nào tránh nổi khi thi đại học xong. Tại sao không phải là những lời an ủi, động viên, định hướng, các bậc cha mẹ đôi khi nuôi ước mơ của mình đặt vào con cái một cách...rất khiên cưỡng.

Nếu một bộ phận thí sinh đã xác định rõ được năng lực, nguyện vọng của bản thân từ sớm thì cũng có không ít ngườichưa xác định được mong muốn của bản thân hoặc trao quyền ấy cho phụ huynh quyết định.

Công thức chọn trường, chọn nghề của một số gia đình được quy đổi bằng việc “nối gót” gia đình. Chẳng hạn gia đình làm giáo viên thì định hướng con học sư phạm; gia đình làm ngân hàng thì con phải học tài chính - ngân hàng. Vô tình sự sắp đặt có tính toán này khiến rất nhiều bạn trẻ sống thiếu đam mê, mục đích, không có nổi một ước mơ lựa chọn mà bản thân mong muốn hay cảm thấy phù hợp.

Không thể phủ nhận thế hệ trước sẽ có kinh nghiệm để đưa ra định hướng hữu ích, tuy nhiên không nên ép con học trường, chọn nghề cha mẹ mong muốn mà hãy lắng nghe nguyện vọng, đánh giá năng lực của con phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp nào trong tương lai để từ đó đưa ra những định hướng hữu ích nhất.

Cần có ước mơ gắn liền với thực tế

Các bạn trẻ cần làm gì để có thể chọn được ngôi trường, chuyên ngành phù hợp với bản thân. Câu hỏi này nên xuất phát từ sớm, bản thân mình giỏi nhất môn gì, khối nào, kỹ năng gì, trên cơ sở đó ướm vào các ngành nghề tương ứng. Giữa biển nghề rộng lớn ấy, chắc chắn sẽ có công việc phù hợp. Đương nhiên cũng phải cân nhắc đến cơ hội ngành nghề này trong tương lai, mức thu nhập và mức độ phổ biến để đảm bảo mình có một cánh cửa đầu ra rộng mở. Ước mơ phải nhìn nhận từ thực tế, không nên viển vông, thiếu định hướng.

Nhiều sĩ tử vẫn nghĩ rằng chỉ cần chọn đại một trường cha mẹ thích là được, nhưng 12 năm học đã qua, bước tiếp theo là một cánh cửa rất khác, là bước đệm để giúp có thêm hành trang bước ra trường đời, kiếm tiền bằng sức lao động, chịu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Em Lã Yến Nhi, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) những ngày này cũng đang lo lắng trong việc chọn nghề, bởi trước đó em vẫn muốn thi vào trường kiến trúc nhưng do không sắp xếp được việc học vẽ nên phải gác lại ước mơ. Gia đình cũng định hướng cho Yến Nhi có thể học Dược hoặc học nghề làm tóc, làm nails, để ra trường dễ kiếm việc nhưng Yến Nhi vẫn mong muốn học vẽ nghiêm túc để năm sau thi lại, “sai thì làm lại, còn hơn sau này hối hận vì đã không cố gắng”, Nhi tâm sự.

Yến Nhi tranh thủ cập nhật thông tin về công việc ứng với các chuyên ngành để đưa ra lựa chọn phù hợp.

Chia sẻ về dự định tương lai, em Đinh Bảo Ngọc, phường Ỷ La (Tuyên Quang) cho biết do kết quả thi không đủ để em vươn đến các trường top đầu ngành Y tại Hà Nội, nhưng với nỗ lực đã bỏ ra để ôn thi và ước mơ trở thành bác sĩ, em dự định sẽ nộp nguyện vọng vào các trường y có mức điểm thấp hơn tại các tỉnh.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian tuyển sinh, nhập học của một số trường cũng kéo dài hơn thường lệ, giúp em có thêm thời gian cân nhắc để lựa chọn trường phù hợp, đáp ứng được các tiêu chí về mức học phí, chương trình đào tạo, chi phí sinh hoạt, khoảng cách địa lý…

Nguyễn Thùy Anh, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang)hiện tại đang rất vui với kết quả thi năng khiếu vào Đại học Kiến trúc Hà Nội. Thùy Anh tự tin mình sẽ trở thành tân sinh viên của trường và sớm chinh phục ước mơ trở thành nhà thiết kế. Tuy nhiên, theo thông tin mà em nhận được thì thời gian nhập học chưa được xác định do dịch Covid-19 ở Hà Nội vẫn đang trong gian đoạn có ca mắc trong cộng đồng. Chính vì vậy thời gian này em ở nhà và tập trung đọc thêm các tài liệu về nghề thiết kế, em mong dịch sẽ sớm qua đi để được xuống thủ đô nhập học và trải nghiệm không khí học tập nơi giảng đường.

Chị Đỗ Thị Thu Hà, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) hiện có con trai vừa hoàn thành xong kỳ thi cũng chia sẻ thật lòng: “Thú thực, con tôi tự tìm ra niềm yêu thích và quyết tâm theo đuổi chuyên ngành yêu thích của con là về lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây cũng là lựa chọn trong quá trình học nên tôi tin tưởng và chiều theo ý con. Mẹ con tôi hay nói đùa, việc học là của con, còn việc của mẹ là kiếm tiền nuôi con học”. Đối với gia đình chị Hà, con cái có quyền đưa ra quyết định của bản thân, bảo vệ ý kiến của mình, gia đình sẽ chỉ đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ các điều kiện cần thiết và là nguồn động viên tinh thần để con lựa chọn bước đi trong tương lai.

Bước đi con đường của bản thân

Đứng trước cánh cửa của tuổi 18, sự lựa chọn của các em không chỉ gói gọn trong việc học đại học mà còn có rất nhiều con đường phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện gia đình. Các em hiện nay được tiếp cận với rất nhiều thông tin tuyển sinh học nghề từ các trang web, diễn đàn, mạng xã hội và tổ chức đoàn thanh niên. Đây là những cầu nối tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho học sinh, đoàn viên thanh niên và giúp các em tìm ra con đường phù hợp.

Anh Lê Văn Tuyên, Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Nghề - Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang chia sẻ, nhu cầu học nghề của thanh niên hiện nay rất lớn. Hàng năm Đoàn trường đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến đào nghề thu hút hàng nghìn lượt đoàn viên, thanh niên tham gia. Qua các hoạt động giao lưu, trao đổi, tọa đàm... tổ chức Đoàn đã kịp thời cung cấp thông tin về thị trường lao động, tuyển dụng việc làm trong và ngoài tỉnh, cùng các chính sách về nghề nghiệp, việc làm và các hoạt động đồng hành cùng thanh niên trong lập nghiệp, khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các bạn học sinh, sinh viên còn được giao lưu, trao đổi, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp để giải đáp các thắc mắc về nghề nghiệp việc làm. Điều này có ý nghĩa quan trọng, giúp các em hiểu và đánh giá về toàn diện bản thân và hiểu về thị trường lao động nghề nghiệp, ngành, nghề, trường để có sự lựa chọn xu hướng nghề nghiệp phù hợp với sở thích, sở trường, năng lực của mình.

Trường Cao đẳng Nghề - Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang tư vấn lựa chọn nghề cho đoàn viên, thanh niên.

Em Hoàng Đại Việt, xã Thắng Quân (Yên Sơn) chia sẻ, em xác định sẽ học nghề ngay từ khi học lớp 10, do vậy trong suốt 3 năm học THPT em luôn chú ý tìm hiểu các ngành nghề phù hợp với năng lực cũng như nhu cầu của xã hội. Hiện nay em đã quyết định học nghề điện dân dụng, với sự phát triển của các thiết bị điện trong gia đình đây sẽ nghề mang lại cho em thu nhập ổn định trong tương lai. Em cũng sẽ cố gắng để vừa học, vừa làm, tích lũy kinh nghiệm để sớm mở được một cửa hàng sửa chữa đồ điện.

Trên thực tế, cũng đã có khá nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên đạt được thành công bước đầu và tạo dựng được thương hiệu, điều đó cho thấy các đoàn viên, thanh niên đã tiên phong lựa chọn con đường khởi nghiệp của riêng mình. Anh Chẩu Thanh Ngà, Phó Bí thư Đoàn xã Thượng Lâm (Lâm Bình) chia sẻ: “Homestay Tài Ngào chính là một dự án khởi nghiệp của các đoàn viên, thanh niên trong xã đã thành công và tạo được tiếng vang, chúng tôi vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm kinh nghiệm để không ngừng tiến bộ. Tôi tin rằng, mỗi thanh niên dù lựa chọn thế nào chỉ cần cố gắng hết mình và dám đối diện với khó khăn, thách thức thì sẽ thành công”.

Lựa chọn nghề chưa bao giờ là đơn giản, đòi hỏi mỗi học sinh, gia đình, nhà trường cần dành sự quan tâm đặc biệt. Việc các em chọn được một nghề phù hợp sẽ góp phần tạo dựng nền móng để phát huy tốt nhất năng lực của bản thân, hướng tới mục tiêu có thu nhập cao và ổn định.

Hoàng Minh - Hoàng Lâm

Tin cùng chuyên mục