Lương Thiện ngày mới

- Về Lương Thiện, xã khó khăn nhất của huyện Sơn Dương hôm nay ai nấy đều cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt. Những con đường bê tông phẳng lì, những mái nhà lợp tôn xanh, đỏ lấp ló trong những cánh rừng keo xanh mướt. Sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên, người dân trong xây dựng cuộc sống mới theo lời dạy của Bác Hồ đang mang lại cuộc sống mới nơi đây.

Phong trào hiến đất làm đường huyện

Lâu nay chỉ thấy việc người dân hiến đất làm đường thôn, xóm, xã là nhiều chứ đường huyện, đường tỉnh mặc nhiên là của Nhà nước. Thế nhưng gần 2 km đường bê tông rộng 5,5 m thuộc tuyến đường huyện ĐH02 nối xã Lương Thiện (Sơn Dương) với xã Yên Lãng (Thái Nguyên) được hoàn thành nhờ người dân trong xã đã hiến gần 5.000 m2 đất để làm đường. Tuyến đường rộng rãi thông xe, nhân dân cả 2 xã đều phấn khởi bởi không chỉ tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng mà còn thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, giao thương buôn bán. Chị Nguyễn Thị Lê chia sẻ, từ ngày có tuyến đường này cuộc sống của người dân như thay đổi hẳn, mưa gió không còn phải để xe ở ngoài vì bẩn, có con lợn, con gà đến ngày bán không lo ế vì thương lái tỉnh Thái Nguyên sang thu mua thường xuyên.

Người dân xã Lương Thiện hiến hơn 5.000 m2 đất để làm đường.

Dẫn chúng tôi tham quan tuyến đường ĐH02, đồng chí Trương Văn Chuyên, công chức Địa chính - Xây dựng xã Lương Thiện giới thiệu: “Có được con đường này thật không dễ! Khi có chủ trương đầu tư từ ngân sách của huyện nhưng lại không có kinh phí đền bù mà chỉ có kinh phí làm đường nên để làm được đoạn đường thì người dân phải hiến đất mở đường mới làm được”.

Quyết tâm làm bằng được đoạn đường này, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác dân vận theo lời dạy của Bác Hồ: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Mọi thông tin, công việc liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của nhân dân đều được công khai, minh bạch. Theo đó, xã đã công khai nguồn vốn đầu tư, chiều rộng, chiều dài đoạn đường được đầu tư và những thông số kỹ thuật của tuyến đường để nhân dân nắm được. Phần hiến đất của người dân để mở rộng đoạn tuyến với lòng đường đủ 5,5 m. Theo khảo sát thiết kế thi công thì để làm được tuyến đường này người dân hai bên đường phải hiến trên 5.000 m2 đất.

Khi đã có phương án cụ thể, xã Lương Thiện đã họp với thôn Tân Tiến để phân tích, giải thích những khúc mắc của người dân cũng như phân tích những lợi ích mà con đường mang lại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã, nhân dân trong vùng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã xuống từng hộ dân vận động hiến đất, chung sức với Nhà nước trong thực hiện hạ tầng cơ sở phục vụ chính người dân. Chủ tịch UBND xã Lương Thiện Vương Ngọc Vản chia sẻ: “Người dân ở đây luôn ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Những năm qua, nhân dân đã đóng góp làm trên 20 km đường bê tông nông thôn, làm kênh mương nội đồng. Khi được đầu tư bê tông tuyến đường huyện ĐH02, đa số người dân ủng hộ. Nguyện vọng của nhân dân cũng muốn được chi trả một phần tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, ngân sách huyện không có. Muốn nhân dân được thông suốt, chúng tôi phải làm tốt công tác dân vận”.

Kiên trì làm công tác dân vận, ông Vản đã nhiều lần xuống với các hộ dân để vận động bất kể trưa, chiều, tối. Nhiều hôm ở lại ăn cơm cùng người dân. Chính sự khéo léo và tận tình, ông Vản và cán bộ xã đã vận động được 16 hộ dân thôn Tân Tiến tự nguyện hiến trên 5.000 m2 đất vườn đồi làm tuyến đường ĐH02. Trong đó, có một số hộ hiến trên 1.000 m2 đất như hộ ông Phạm Văn Tưởng, Triệu Thanh Nguyên. Đặc biệt, ông Vản còn vận động được hộ gia đình ông Nguyễn Văn Dụng, người dân xã Yên Lãng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) sống giáp gianh thôn Tân Tiến hiến trên 1.000 m2 đất.

Siêng năng, cần cù lao động sản xuất

Những năm gần đây, phát triển kinh tế lâm nghiệp đã trở thành nguồn thu làm giàu của nhiều gia đình ở Lương Thiện.

Người được nhắc đến nhiều, điển hình về sự vượt khó là ông Trần Ngọc Thái, ở thôn Đồng Tậu. Ông đã có cơ ngơi tiền tỷ từ trồng rừng, nuôi lợn và cá. Ông Thái bảo, lúc đầu gia đình ông nhận 30 ha rừng liên doanh với Lâm trường Sơn Dương, nay là Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương. Khi được khai thác thu lãi gần 500 triệu đồng. Đây là công sức lao động miệt mài của cả gia đình. Khi tỉnh thực hiện giao đất, giao rừng cho người dân, gia đình ông đã được nhận 10 ha rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Năm 2012, sau kỳ thu hoạch đợt hai, ông thu lãi gần 1,5 tỷ đồng. Kinh tế đi vào ổn định, ông Thái nhượng lại 10 ha đất liên doanh với Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương cho 4 hộ nghèo trong thôn thiếu đất sản xuất, mỗi hộ 2,5 ha để trồng rừng làm nguyên liệu giấy. Năm 2018, trên diện tích còn lại ông khai thác đạt trên 2 tỷ đồng. Từ nguồn vốn đó, ông đầu tư thêm hệ thống ao cá và nuôi lợn thương phẩm theo mô hình kinh tế trang trại tổng hợp.

Chị Triệu Thị Lưu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khuôn Tâm kiểm tra rừng keo của gia đình.

Đến thôn Khuôn Tâm, trước đây là thôn đặc biệt khó khăn của xã, nhà nào cũng cửa đóng then cài. Chúng tôi phải chờ đến giờ trưa mới thấy người dân đi làm về. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Triệu Thị Lưu phấn khởi cho biết: “Khuôn Tâm bây giờ khấm khá hơn nhiều, hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên chiếm quá nửa, hộ nghèo chỉ còn 8 hộ. Kinh tế của 50 hộ dân nhờ vào phát triển hơn 610 ha rừng và chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn. Có được cuộc sống mới này, ngoài đầu tư của Nhà nước là sự lao động cần cù, chịu khó của người dân trong phát triển kinh tế. 

Ông Đặng Thanh Hùng, người dân thôn Khuôn Tâm phấn khởi cho biết, nhờ có sự hỗ trợ dê giống ban đầu của Chương trình 135 mà chục năm nay gia đình đã phát triển và duy trì đàn dê từ 40 - 50 con, đem lại kinh tế cho gia đình mỗi năm trên 70 triệu đồng. Ông còn kết hợp trồng 6 ha rừng, nuôi cá, thu nhập một năm khoảng 200 triệu đồng, giúp gia đình ông thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ có mức sống khá.
Với sự nỗ lực vươn lên, Lương Thiện đang từng bước chuyển mình với cơ sở hạ tầng mỗi ngày một hoàn thiện, đời sống nhân dân trong xã ngày một khấm khá.

Phóng sự: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục