Mùa gom mật ngọt

- Vào độ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm, khi những vườn hoa nhãn, hoa bưởi... nở rộ, ấy cũng là lúc mùa ong sinh sôi, cho nhiều mật nhất và chất lượng mật thơm ngon nhất. Những người nuôi ong ở xã Thái Bình (Yên Sơn), ngoài nuôi ong lấy mật hoa nhãn, hoa bưởi còn nuôi ong hút mật hoa rừng. Chất lượng mật ong cũng nhờ thế mà thơm ngon tuyệt hảo.

Hiểu từng cánh ong

Anh Trịnh Duy Hùng, thôn 4, xã Thái Bình có hơn chục năm kinh nghiệm nuôi ong kể rằng, ở mỗi vùng đất, mỗi mùa lại có một vụ hoa và khí hậu khác nhau. Đó là điều mà những người nuôi ong phải hiểu rõ để tổ chức cho ong làm mật.

Mùa này, ở Tuyên Quang có rất nhiều hoa bưởi, hoa nhãn… nên những người nuôi ong trong xã chưa phải mang ong đi xa. Sau khi mùa hoa này kết thúc thì bắt đầu đưa ong đi lấy mật. Những người nuôi ong di chuyển từ cánh rừng này tới cánh rừng khác, đi từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, vượt chặng đường hàng trăm cây số mang ong đến những nơi đang có hoa nở rộ để “đánh mật”.

Anh Phạm Văn Hùng, thôn 3, xã Thái Bình (Yên Sơn) kiểm tra đàn ong của gia đình.

Dẫn chúng tôi ra khu vườn có hàng trăm thùng ong đặt rải rác dưới gốc cây nhãn, anh Hùng đưa tôi chiếc mũ tai bèo có may lưới xung quanh như những khách hành tẩu giang hồ giấu mặt trong phim kiếm hiệp để tránh bị ong chích. Vừa đi anh Hùng vừa chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong lấy mật mà anh đã tích lũy hơn 10 năm nay. Anh Hùng chỉ từng con ong, giới thiệu rành mạch về đặc tính từng loại, ong chúa là con cái duy nhất có quyền đẻ trứng trong đàn, thân dài và to hơn ong đực hay ong thợ nhưng cánh ngắn hơn. Một ngày đêm ong chúa có thể đẻ hai ngàn trứng (tương đương trọng lượng cơ thể của nó), tuổi thọ từ ba đến sáu năm. Mỗi tổ chỉ có duy một con ong chúa, nếu nhiều hơn chúng sẽ tách thành tổ mới, thường vào mùa xuân. Con ong đực có kích thước lớn hơn ong chúa nhưng bụng ngắn hơn, cơ thể màu đen, có nhiều lông dài, đốt bụng cuối bằng và không có ngòi đốt. Thương nhất là ong thợ, chúng là những con cái vô sinh, có thể lên đến hàng nghìn con trong một tổ. Ong thợ làm đủ mọi việc như bảo vệ tổ, tạo sáp, xây dựng tổ, hút mật hoa, luyện thành mật ong nuôi sống những con ong khác, sản sinh sữa chúa để nuôi ấu trùng… Cuộc đời ong thợ cực lắm, làm việc cho đến chết thì thôi. Nó thường sống từ hai đến sáu tháng. Khi biết mình già sắp chết ong thợ cố bay thật xa nên không bao giờ thấy xác chúng trong tổ hoặc gần tổ.

Anh Hùng bảo, các thùng ong dù đặt cạnh nhau như thế này nhưng chúng chưa bao giờ về không đúng tổ. Đó là trước khi rời tổ đi kiếm ăn, chúng sẽ được “xịt” một mùi hương đặc trưng, dù mưa gió thế nào cũng phải giữ mùi hương này để tìm đường về đúng chỗ. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy con ong nào về không có thức ăn sẽ bị ong bảo vệ không cho vào tổ, thậm chí bị đạp chết vì tội làm biếng. Còn những con ong kiếm được nhiều thức ăn thấy nó rất nặng nề và mệt mỏi, được ong bảo vệ dọn đường và dìu vào tổ. Mật hoa mang về sẽ được khoảng hơn 100 ong thợ khác truyền nhau bằng cách tiêu hóa đường phức hợp trong mật hoa thành glucose và fructose. Sau đó chúng trữ mật vào các lỗ tổ ong và dán kín lại bằng một chiếc “nón” sáp. Những con ong mới ra đời chừng năm bảy ngày tuổi sẽ quạt không khí và điều hòa nhiệt độ trong tổ ở ngưỡng 35 độ C. Vì vậy, lúc nào ta cũng nghe tiếng ong vo ve và có thể dựa vào tiếng ong để xác định nhiệt độ trong thùng nóng hay lạnh.

Tôi say sưa nghe anh chia sẻ rồi dừng lại trước một thùng ong thì anh Hùng nói: “Nhích qua bên này, đó là đường đi của ong, cản đường sẽ bị nó chích”. Tôi giật mình và nhìn theo tay anh chỉ dưới đáy thùng có một khe hở, xung quanh có rất nhiều ong bảo vệ. Anh Hùng mở nắp thùng lấy ra một cầu ong với vô số những con ong bám dày đặc trên cầu sáp. Rồi chỉ với một động tác nhẹ nhàng, khéo léo, anh gạt cả mảng ong bám trên cầu tụt hết vào thùng để lộ khối mật vàng ngọt lịm căng tròn trong các ngăn chứa.

Nói về chất lượng mật ong, anh Hùng giải thích: “Theo tôi, mật ong chất lượng là mật ong khi được khai thác thì trong những cầu ong đã được bít nắp, bởi lúc đó trong mật đã đủ các thành phần dinh dưỡng tốt nhất. Tuy nhiên, mật ong cũng tùy loài hoa, có loại sáng màu có loại tối màu, có loại đặc hoặc loãng, cũng có loại kết tinh, đóng đường nhưng có loại lại không”. Càng nói, giọng anh Hùng càng say sưa, phấn khởi làm tôi trộm nghĩ không hẳn giảng viên ngành nông lâm nào cũng có được. Đó là kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn sau hơn 10 năm luôn giữ trong tim tình yêu với loài ong không hề vơi cạn. Chỉ riêng việc anh có thể nhận biết nhiệt độ, sức khỏe của ong qua tiếng kêu, dáng bay cũng đủ hiểu anh sống trọn vẹn với chúng như thế nào.

Vượt lũy tre làng

Trước đây, đa số người dân xã Thái Bình nuôi ong theo hướng tự phát, năng suất thấp, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ, chưa được nhiều người biết đến. Từ năm 2019, anh Trịnh Duy Hùng đã tập hợp những người nuôi ong ở Thái Bình thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu.

Mật ong Bình Ca của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu được chứng nhận sản phẩm OCOP.

Thời gian đầu chỉ có vài thành viên, đến nay tăng lên 12 thành viên. Anh Trịnh Duy Hùng là một trong những người nuôi ong lâu năm nhất trên địa bàn nên được mọi người tín nhiệm làm Giám đốc HTX. Anh Hùng cho biết: Tổng đàn ong của HTX là 1.600 đàn, trong đó gia đình anh có 500 đàn. Sản lượng mật ong của HTX đạt 30 - 40 tấn/năm, mỗi năm doanh thu HTX đạt gần 4 tỷ đồng. Nguồn thu nhập từ nuôi ong giúp các thành viên làm giàu, ổn định cuộc sống. Mật ong của HTX đã vượt lũy tre làng, vươn tới thị trường miền Nam và được các thương buôn thu mua để xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, để mật ong của HTX vươn tầm hơn nữa trở thành sản phẩm đặc sản của địa phương được nhiều người biết đến cần sự đầu tư bài bản trong xây dựng thương hiệu. Vì vậy, HTX thống nhất lựa chọn và xây dựng thương hiệu mật ong Bình Ca, phát triển 2 sản phẩm chính là: Mật ong nhãn Bình Ca và mật ong rừng Bình Ca. Năm 2020, sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Anh Phạm Văn Hùng, thôn 3, xã Thái Bình là thành viên mới của hợp tác xã, mới nuôi ong được một năm nay bày tỏ, nếu không xây dựng thương hiệu thì rất khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm mật ong. Bởi nhìn chai mật bên ngoài, khách hàng khó phân biệt được mật giả, mật thật, mật pha đường nên tỏ ra hoài nghi. Từ ngày mật ong của HTX có thương hiệu và đạt chứng nhận OCOP nên giá trị của mật ong được nâng tầm, giá bán tăng từ 100 - 150 nghìn đồng/lít lên 200 - 220 nghìn đồng/lít mật ngon.

Theo những người nuôi ong ở Thái Bình, đàn ong của HTX có nguồn thức ăn phong phú, ngoài nguồn mật được lấy từ các vườn hoa nhãn, hoa bưởi thì trên địa bàn xã có cánh rừng sản xuất ở thôn Hoắc (nay là thôn 9) trải rộng 500 ha sang địa bàn xã Công Đa, Đạo Viện. Hàng ngày, từng đàn ong chăm chỉ bay đi lấy mật hoa ở cánh rừng này. Những mùa keo, lim, châm chim, ba lá, muống rừng, các loại cây dại trên rừng… là nguồn thức ăn chính của ong. Chính vì nuôi ong kết hợp dưới tán rừng mà chi phí của các thành viên cũng rẻ, lại cho chất lượng mật cao, thơm ngon tuyệt hảo. Mật ong Bình Ca nhờ đó trở thành sản phẩm tiêu biểu của địa phương trong chiến lược quảng bá sản phẩm và phát triển du lịch.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết, trước đây nghề nuôi ong ở xã còn manh mún, nhỏ lẻ. Từ khi có HTX cùng với sự định hướng phát triển của các cấp chính quyền, hướng đi của HTX ngày càng phát triển. Người nuôi ong ở xã Thái Bình đã gắn kết lại, hộ nuôi ong mới vào nghề được những người có kinh nghiệm trao đổi, hỗ trợ về kỹ thuật. Đặc biệt các hộ nuôi ong ở Thái Bình luôn bảo ban nhau giữ vững thương hiệu để mật ong Bình Ca là sản phẩm có giá trị cao. Cùng với sự chung sức, đồng lòng của các thành viên HTX, các cấp chính quyền vào cuộc hỗ trợ phát triển sản phẩm, từng bước giúp HTX sản xuất đạt tiêu chuẩn, nâng hạng sản phẩm mật ong Bình Ca đạt chứng nhận OCOP 4 sao trong thời gian tới.

Ghi chép: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục