Mùa vầu đắng...

- Thời điểm Rằm tháng Giêng đi qua chợ Tam Cờ, chợ huyện và các chợ phiên của xã đâu đâu cũng thấy người ta bày bán từng đống măng vầu đắng mới đào, đang còn dính đất. Khi bắt đầu thu hoạch măng vầu khoảng thời gian trong Tết, những củ măng vầu đều cho vị hơi ngòn ngọt, người ta thường gọi là măng vầu ngọt. Nhưng qua độ tháng Ba mưa xuống, có sấm, măng vầu thường chuyển hết sang vị nhặng nhặng đắng. Còn bây giờ sự pha lẫn ngọt và đắng càng làm cho củ măng vầu có sức hấp dẫn riêng so với các loại măng khác.

Hương vị riêng của núi rừng

Đối với nhiều người măng ngọt dễ ăn, tuy nhiên với đồng bào Tày xứ Tuyên, vị đắng là một thứ khoái khẩu riêng. Nên canh lá đắng, chè đắng, ngọn đu đủ đắng, cây đắng, quả núc nác đắng, măng vầu đắng nằm trong danh mục món ăn ưa thích.

Ở Homestay Tài Ngào, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) mùa xuân này nắng đã ấm, nhưng mây vẫn vờn trên các đỉnh núi. Chập tối, đốt đống lửa bập bùng ngoài sân, một gia đình du khách người Hà Nội đang ngồi quây quần nướng món măng vầu theo sự hướng dẫn của gia chủ. Củi đốt to, than đượm, những củ vầu ngon được chất lên trên, xoay đều trong lửa. Chỉ khi nào nhìn những củ vầu cháy đen lớp vỏ ngoài thì lôi ra để nguội, lấy dao dọc lớp vỏ ngoài để lộ ra lớp “thịt” trắng thơm lừng. Vầu nướng được thái duôi mỏng cho thêm muối, mì chính, gừng, chanh trộn đều, gắp lên đĩa. Chị Trần Thu Nga, một thành viên trong đoàn khách phải thốt lên rằng, từ nhỏ đến giờ chị mới được thưởng thức món vầu nướng của người Tày xứ Tuyên, quả là tuyệt vời. Vẻ bùi bùi, ngòn ngọt, nhặng nhặng đắng pha lẫn mùi thơm nóng của gừng, vị chua chua của chanh khiến cho du khách ăn no mà không thấy chán.


Ra xuân mưa xuống độ ẩm cao, cứ 3 ngày người dân lại vào rừng đào măng vầu.

Đúng là vầu chế biến được nhiều món. Anh Hoàng Văn Dự, Làng văn hóa du lịch Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) khẳng định, người Tày nơi đây có thể chế biến món vầu luộc chấm nước mẻ, vầu nướng bóp gừng, vầu xào thịt trâu, vầu nấu canh xương, vầu ngâm chua nấu canh cá, vầu cuốn thịt. Mỗi món chế biến từ củ vầu có độ hấp dẫn riêng, tuy nhiên nó có điểm chung là ăn bùi, giòn, không ngán. Vầu trước kia là món ăn dân dã của cư dân miền núi, nhất là trong những tháng giáp hạt thiếu rau xanh này. Giờ đây thức ăn từ măng vầu còn phục vụ cho cỗ hội nghị, đám cưới, đi vào thực đơn của các nhà hàng, khách sạn, homestay. Nếu du khách lên Tuyên Quang mùa này mà không thưởng thức các món từ vầu thì chưa phải đã lên Tuyên Quang. Món ăn mùa vụ mang âm hưởng riêng của người địa phương.

Tiềm năng phát triển kinh tế

Dạo quanh khu vực chợ Tam Cờ, hàng ngày chúng tôi thấy hàng chục chiếc xe tải chở vầu về bán. Giá vầu trước Tết lên đến 35 nghìn đồng/kg, nay chính vụ xuống còn 13-15 nghìn đồng/kg. Vầu bán khá dễ vì sức mua đại trà, hơn nữa những tỉnh miền xuôi thích ăn măng vầu nhưng không có rừng vầu. Mọi nguồn măng vầu đều nhập từ các tỉnh phía Bắc, trong đó có Tuyên Quang. Với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình Tuyên Quang rất thích hợp cho cây vầu phát triển. Hầu hết cây vầu thích mọc hỗn giao dưới tán rừng tơi xốp, nhiệt đới ẩm. Các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình đều có nguồn vầu dồi dào, nhiều tiềm năng.


Măng vầu được bán nhiều khu vực chợ Tam Cờ, TP Tuyên Quang.

Măng vầu được khai thác trên địa bàn thường có hai nguồn. Một nguồn người đi rừng già tự nhiên lấy vầu về ăn, bán. Một nguồn là các hộ dân khoanh nuôi, bảo vệ, trồng nhân rộng vườn vầu gia đình. Chúng tôi theo ông Phương Văn Mai, dân tộc Tày thôn Lang Chang, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) lên vườn đồi sau nhà đào vầu. Những cây vầu trưởng thành bằng bắp chân vươn cao khoảng 20 m mọc thành quần thể. Thật ra cây vầu giá trị nhất vẫn là lấy măng, cây vầu có thể làm một số đồ gia dụng trong gia đình, tỉa thưa bán nguyên liệu giấy. Tôi lấy dao nhọn tìm chặt những ngọn măng vầu nhú cao khỏi mặt đất tầm 40 cm, ông Mai xua tay lắc đầu. Ông bảo những cây nhú cao khỏi mặt đất gọi là măng gầy không ai lấy, với lại gia chủ đã cắm cây đánh dấu để nuôi măng thành cây trưởng thành theo mật độ. Nói xong, ông lấy thuổng gạt chỗ lá cây bị đội lên hé ra một củ vầu. Rồi lấy thuổng đào xung quanh lấy lên một củ măng vầu mập mạp, nõn nà. Theo kinh nghiệm của ông Mai, vầu là loại thân ngầm, bộ rễ bò xa cả chục mét. Nên lượng măng cũng được “phân phối” đều khắp, chứ không phải chỉ tập trung ở gốc. Chính vì nguyên lý phát triển này mà người dân thường lấy rễ vầu ngâm để nhân giống, cho kết quả sống cao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, vầu là cây lâm nghiệp ngoài gỗ có thời gian sinh trưởng nhanh. Thời gian từ trồng đến khi thu hoạch từ 2-4 năm, mật độ trồng 5x5 m/cây. Như vậy, 1 ha vầu có thể trồng được khoảng 400-500 khóm là vừa, cây trồng và chăm sóc dễ, sử dụng lâu dài, hợp điều kiện địa phương.

Ông Ma Văn Toàn, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) cho rằng, 1 ha vầu đúng tiêu chuẩn cho thu hoạch từ 30-40 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với trồng keo. Trồng keo trong 6 năm thu hoạch mới đạt tầm 50 triệu đồng/ha. Với 1 ha vầu thu hoạch trong 6 năm phải đạt trên 200 triệu đồng. Cái lợi của trồng vầu là thu hoạch liên tục, không phải trồng lại, cây ít sâu bệnh, năm nào cũng có thu nhập đều. So với các loại tre gai, chinh, hóp, bát độ, nứa thường ra măng vào mùa hạ, thu thì măng vầu lại có một mùa măng khá thích hợp, không bị “đụng hàng” với các loại măng khác.

Từ cây rừng, vầu dần được “thuần hóa” để phục vụ phát triển kinh tế gia đình. Món ăn dân dã của đồng bào miền núi, giờ cũng thành món “đặc sản” của du khách. Nhiều khách đi du lịch xứ Tuyên mùa này không quên mua vài bao măng vầu về ăn, làm quà. Mùa vầu đắng xứ Tuyên rộ nhất từ trong Tết một tháng cho đến tháng 5 năm sau.

Phóng sự: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục