Người giữ lửa ở Bản Lục

- Tiếng trống, chiêng, chũm chọe mỗi lúc một dồn dập, hối thúc. Các thanh niên bị “nhập” chân giật giật, đầu lắc lư lần lượt lao vào đống than hồng. Lửa than bung lên tạo ấn tượng với du khách. Người chỉ đạo buổi nhảy lửa của người Dao Đỏ thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang) hôm nay chính là thầy cúng Chúc Tạ Khiền. Ông được dân bản gọi là “người giữ lửa”, khi có công lớn trong việc khôi phục, giữ  gìn phong tục nhảy lửa truyền thống, huyền bí của người Dao Đỏ ở địa phương.

Theo Đảng từ rất sớm

Ông Chúc Tạ Khiền, 70 tuổi đời thì có 37 năm tuổi Đảng. Từ hồi còn thanh niên ông đã tin Đảng là “vì sao sáng nhất trong muôn vì sao”. Theo Đảng để tìm đường dẫn lối cho người Dao Đỏ thôn Bản Lục thoát khỏi cái nghèo, lạc hậu, “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Là người sáng dạ, năng động, miệng nói tay làm, hết lòng vì công việc chung của cộng đồng nên 9 năm liền ông Khiền được bầu làm Bí thư Chi bộ và 3 năm làm Trưởng thôn Bản Lục. Là người đứng đầu thôn, ông gánh vác công việc khá nặng nề, bởi thôn Bản Lục so với các thôn khác có địa hình rộng, chia cắt, hiểm trở, đi lại khó khăn nên phải hình thành nên nhiều khu dân cư. Một thôn mà ngành Giáo dục và Đào tạo huyện phải xây dựng hai điểm trường thì biết công tác quản lý khó khăn như thế nào. Vào mùa khô đường lên Bản Lục còn dễ, vào mùa mưa nhiều khu dân cư rơi vào biệt lập, sống tự cung tự cấp.

Thầy cúng Chúc Tạ Khiền (bên phải) được mệnh danh là người "giữ lửa" ở Bản Lục.

Nhấp một chén chè Shan tuyết nóng bỏng, ông Chúc Tạ Khiền hồi tưởng, người Dao Đỏ Bản Lục có nguồn gốc ở thôn Trung Phìn, xã Sinh Long, cách đó 30 km. Trung Phìn vốn được mệnh danh là nơi đi lại khó khăn nhất của huyện vùng cao Na Hang, nên người Dao Đỏ tìm cách hạ sơn vào năm 1973. Việc hạ sơn giúp con cháu người Dao Đỏ đi chợ, học hành con chữ ở trung tâm xã Đà Vị được thuận lợi hơn.

Bản Lục được người Dao Đỏ Trung Phìn lựa chọn làm nơi định cư lâu dài. Việc đi lại, phát triển kinh tế thuận lợi hơn ở Trung Phìn nhiều, song vẫn là thôn “hoang vu” của xã Đà Vị. Hiện nay Bản Lục có trên 100 nóc nhà, trong đó người Dao Đỏ chiếm phần lớn, rồi đến người Tày. Cuộc sống của người dân gắn chặt với việc làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Sau  này, khi đã có tuổi, ông Khiền xin “rút” chức Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Lục để nhường cho lớp trẻ kế cận. Là người có nhiều tuổi Đảng trong chi bộ, ông Khiền vẫn có tiếng nói nể trọng.

Chiêm nghiệm lại 37 năm theo Đảng, ông Khiền bảo đúng là “mặt trời chân lý chói qua tim”. Đối với người Dao Đỏ thì nói phải củ cải cũng phải nghe. So với thời kỳ xuống núi, người Dao Bản Lục ngày nay đã có cuộc sống khấm khá. Người ốm được chữa bệnh, trẻ con có cái chữ. Công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới với điện, đường, trường, trạm vẫn đang diễn ra. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi thay. Tuy phát triển kinh tế nhưng Bản Lục được xã Đà Vị đánh giá cao công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Cơ hội cho du lịch Bản Lục

Ông Chúc Tạ Khiền là thầy cúng cao tay của thôn Bản Lục, đã được cấp sắc 7 đèn. Hàng năm cứ vào dịp năm mới, ông Khiền lại tổ chức nhảy lửa cho đám thanh niên trong thôn.

Ông Chúc Tạ Khiền tổ chức đội nhảy lửa tại xã Hồng Thái nhân Lễ hội hoa lê năm 2022.

Ông bảo, việc nhảy lửa vào đầu năm mới đối với người Dao Đỏ có từ xa xưa, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhảy lửa trong năm mới để làm vui thần linh, tổ tiên, dòng họ, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ, khỏe mạnh. Đối với người nhảy lửa, thì đây chính là hình thức “tắm” làm cho trong sạch cơ thể, tâm hồn. Lửa năm mới mang lại nhiều điều may mắn, hanh thông. Ông Khiền cho biết, ngày đầu năm mới rất linh thiêng, chỉ cần đốt củi là nhảy, không cần làm lễ. Còn đối với cúng hồn cho gia chủ, cúng biểu diễn cho du khách xem thì phải có sính lễ, xin quẻ âm dương.

Thấy nghi lễ nhảy lửa của người Dao Đỏ thôn Bản Lục do thầy cúng Chúc Tạ Khiền chủ trì đặc sắc, độc đáo, UBND xã Đà Vị đã mời đoàn nhảy thử ở sân nhà văn hóa thôn. Hôm đó rất đông bà con đến xem, có cả cán bộ từ huyện, xã vào. Qua đánh giá của cán bộ thì nghi lễ nhảy lửa của người Dao Đỏ thôn Bản Lục hoàn toàn có thể xây dựng thành một sản phẩm du lịch của địa phương. Từ đó đến nay đội nhảy lửa thôn Bản Lục đã hai lần đi biểu diễn tại Lễ hội Lồng tông xã Đà Vị, hai lần biểu diễn tại xã Hồng Thái và hai lần biểu diễn tại trung tâm huyện Na Hang.

Hiện nay thầy cúng Chúc Tạ Khiền đã xây dựng được đội nhảy lửa vững mạnh, có nhiều người nhảy giỏi. Trong đó có ông Bàn Tiến Hương 61 tuổi, Chúc Tạ Thông 60 tuổi, ngay Trưởng thôn Chúc Càn Nái cũng là một người nhảy giỏi.

Anh Bàn Xuân Thọ, một thanh niên trong đội nhảy lửa cho rằng, thầy cả Chúc Tạ Khiền là người rất tâm huyết với văn hóa truyền thống. Chính ông là người duy trì, phục dựng, phát huy nghi lễ nhảy lửa của người Dao Đỏ thôn Bản Lục, là người truyền bí quyết nhập hồn, nhảy lửa không bị bỏng. Muốn nhảy không bỏng, theo thầy thì đôi chân phải thật sự “sạch sẽ”, người nhảy cũng phải có những điều kiêng kỵ.

Mong muốn nghi lễ nhảy lửa trở thành sản phẩm du lịch của Đà Vị, mấy ngày nay ông Chúc Tạ Khiền đang đi ngắm thế đất, tìm nơi có địa hình đẹp trong thôn Bản Lục. Ông thích một bãi đất cao ráo, tương đối phẳng, rộng, giao thông thuận lợi, có phong cảnh phía sau đẹp với núi non trùng điệp. Khi nhảy mới toát lên được cái hồn của người nhảy, mới thấy đậm đà bản sắc văn hóa địa phương. Theo ông Khiền nhảy lửa tốt nhất vẫn là được làm ở Bản Lục, như vậy du lịch homestay ở đây mới có cơ hội phát triển.

Đồng chí Hà Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Đà Vị cho biết, xã đang làm công tác quy hoạch, để đưa nhảy lửa trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. Đà Vị có nhiều tiềm năng, cơ hội trong phát triển du lịch. Hiện nay Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Bể - Na Hang trong quá trình xây dựng hồ sơ khoa học, trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Các tuyến đường du lịch từ Ba Bể (Bắc Kạn) sang Đà Vị đang được xây dựng. Từ Đà Vị có thể sang Ba Bể, lên Hồng Thái hay đi lòng hồ một cách thuận tiện. Các sản phẩn du lịch nổi trội của Đà Vị sẽ được phát huy như bún khô ngũ sắc, hồng ngâm không hạt, bánh đúc, cá khô, phong cảnh bản làng với những dãy núi cao, mây phủ. Đặc biệt sản phẩm du lịch nhảy lửa của người Dao Đỏ thôn Bản Lục sẽ được phát huy. Ngoài mang nhảy lửa đi các địa phương khác biểu diễn, quảng bá, thì xã cũng mong muốn nghi lễ này được duy trì thường xuyên tại thôn. Nghi lễ Cấp sắc, hát Páo dung, múa màng, nghệ thuật thêu, ẩm thực, homestay của bà con mới được phát huy. Qua đây xã đánh giá cao vai trò cá nhân của thầy cúng, người Đảng viên Chúc Tạ Khiền. Ông thực sự được mệnh danh là người “giữ lửa” ở Bản Lục.

Phóng sự: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục