Người Mông có Đảng dẫn đường

- Năm 2005, thực hiện chương trình di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang, hơn 50 hộ đồng bào dân tộc Mông xã Thúy Loa (Na Hang) đã rời quê cũ về tái định cư tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) và thôn tái định cư Mỹ Hoa được thành lập. Sau 16 năm trên quê mới, bản Mông sơ khai ngày ấy, bây giờ đã “đâm chồi nảy lộc” và cho những “trái ngọt” ấm no.

Đặt trọn niềm tin theo Đảng

Như người mới ra ở riêng, những ngày mới về định cư trên quê mới, đồng bào người Mông ở Mỹ Hoa gặp rất nhiều khó khăn, từ thay đổi môi trường sống, tập quán canh tác. Thế nhưng, bản Mông luôn trọn một niềm tin theo Đảng và tin tưởng cuộc sống ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Người Mông có câu “Muốn ăn hỏi hai bàn tay”, bởi vậy, bà con chỉ xin xã giúp đỡ ba tháng rau ăn để có thời gian sắp xếp, ổn định cuộc sống, còn lại họ tự lực vươn lên. 

Đồng bào dân tộc Mông thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) thu hái chè.

Chúng tôi gặp Bí thư Chi bộ Mỹ Hoa Hoàng A Phà, thật bất ngờ khi người đứng đầu chi bộ thôn còn rất trẻ. Năm nay Hoàng A Phà 28 tuổi, nhưng anh đã có 7 năm tuổi Đảng và 8 năm làm công tác thôn xóm. Khi được hỏi về các lĩnh vực của bản, không cần đến sổ sách, anh như đã thuộc lòng từng số liệu cung cấp đầy đủ. Qua câu chuyện anh kể được biết, để tăng cường sức mạnh của cấp ủy, phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ, đảng viên, trước khi sinh hoạt chi bộ, chi ủy tiến hành họp trước, thảo luận nội dung kỳ sinh hoạt. Trong các kỳ sinh hoạt chi bộ, ngoài phổ biến, quán triệt các văn bản, nghị quyết theo quy định, chi bộ dành phần lớn thời gian bàn về công tác phát triển kinh tế - xã hội của thôn, trồng cây gì, nuôi con gì hiệu quả kinh tế. 

Bí thư Chi bộ Hoàng A Phà đùa vui: “Trong làng nhà ai bán con trâu, con bò tôi đều biết. Phải nắm được mình mới lãnh đạo được chứ”. Đang dở câu chuyện, đồng chí Phà tạm ngưng để cân thóc bán cho khách xóm bên. Anh bảo, nhà có 5 sào ruộng, mỗi năm thu hơn hai tấn thóc, không ăn hết, bán bớt để thóc mới. Bên cạnh làm ruộng, vợ chồng anh Phà còn canh tác gần 1 ha chè, mỗi năm cũng thu trên chục tấn chè tươi, sau khi trừ hết chi phí, còn lãi khoảng 60 triệu đồng. Mấy năm gần đây, kinh tế khá chút, gia đình anh đầu tư mua thêm diện tích đất trồng chè. Cũng giống như gia đình anh Phà, kinh tế khấm khá, nhiều hộ dân trong thôn đã mua thêm đất để trồng chè, như gia đình ông Lý A Vừ, Lý A Hừ, Lý Văn Tú...

Niềm tin được thắp sáng

Thời gian này, Mỹ Hoa đang bước vào vụ thu hái chè, các hộ trong thôn đều bận rộn. Chỉ tay về vạt chè xanh mướt trước nhà, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lý Văn Tú nói, bà con ở đây chủ yếu trồng chè, cây chè là cây trồng chủ lực của thôn. Riêng nhà anh có gần 1 ha chè, mỗi đợt hái ngót 3 tấn chè tươi, bán rẻ cũng được gần 15 triệu đồng. 

Anh Tú bồi hồi nhớ lại: Khi mới về đây lập thôn, được Đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền trồng cây chè, ai cũng thấy lo lắng. Quyết tâm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chi bộ chỉ đạo đảng viên phát huy vai trò nòng cốt tuyên truyền, vận động; phân công đảng viên phụ trách từng nhóm hộ. Đồng thời giao đồng chí trưởng thôn phối hợp các ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức chăm sóc cây chè cho bà con. Đến nay, thôn đã có hơn 50 ha chè. Bình quân mỗi năm, tổng sản lượng chè búp tươi của thôn đạt trên 1.400 tấn, đạt doanh thu hơn 6 tỷ đồng. Đây là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây.

 Gia đình chị Giàng Thị Loan, thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) chăn nuôi trâu vỗ béo.

Thành công của cây chè, đồng bào Mông Mỹ Hoa bắt đầu tăng diện tích mùa vụ trồng cây mầu, chăn nuôi. Đến nay, 100% diện tích ruộng có thể trồng được cây vụ 3 đều được bà con tận dụng trồng cây ngô để chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản. Màu xanh ấm no không chỉ làm yên lòng cái bụng những người dân mới đến tái định cư, mà còn đưa những hộ dân đã từng bỏ quê đi các tỉnh khác làm ăn quay trở về định cư ổn định trên mảnh đất quê hương thứ 2 này. Đơn cử như các hộ Hoàng A Hà, Lý Thị Mỷ, Lý A Say.

Đến thăm gia đình anh Hoàng A Hà, một hộ từng nhiều lần rời quê đi làm ăn nơi khác, giờ trở về đây định cư ổn định. Được biết khi về thôn định cư, chưa tin tưởng cuộc sống trên quê mới, vợ chồng anh kéo nhau vào Nam sinh sống, đi làm vài năm vất vả nhưng không đủ ăn. Khi quay trở về thôn, gia đình anh Hà đã được chi bộ, thôn và bà con hỗ trợ thóc gạo ăn qua thời điểm khó khăn. Cùng với đó, vợ chồng anh còn được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội mua đất làm nhà, mua bò chăn nuôi để xóa nghèo.

Theo đồng chí Lý Văn Tú, ngoài cây chè, hiện mỗi hộ trong thôn có khoảng 3-5 sào lúa, ngô, khoai, đậu. Bên cạnh đó, bà con chăn nuôi gần 60 con trâu bò, hơn 100 con dê và hàng trăm con lợn. Có nhiều hộ đã chuyển hướng sản xuất đa ngành như máy xay xát, máy sao chè như gia đình anh Phùng Tờ Phủ; mở hàng tạp hóa và may trang phục dân tộc như gia đình chị Tráng Thúy Màu. Thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ Hoa bây giờ đạt 40 triệu đồng/người/năm. Toàn thôn Mỹ Hoa có 81 hộ dân, đến nay chỉ còn duy nhất hộ nghèo và mục tiêu phấn đấu trong năm 2021 thôn xóa toàn bộ hộ nghèo.

Rời Mỹ Hoa, chạy xe chầm chậm trên con đường bê tông của bản, chúng tôi bắt gặp từng đàn trâu bò, dê bụng căng tròn thong thả về chuồng. Hai bên đường tô điểm những tuyến đường hoa trải dài khoe sắc thắm. Xa xa những vườn chè xanh búp non mơn mởn... minh chứng cho một Mỹ Hoa ấm no và đủ đầy. Đổi thay ở Mỹ Hoa một lần nữa khẳng định một niềm tin sắt son theo Đảng của người dân nơi đây.

Phóng sự: Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục