Người phụ nữ Tày khuyết tật giàu nghị lực

- "Mọi người có thể làm được, tại sao mình lại không làm được" - Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Đào, sinh năm 1977, dân tộc Tày, thôn Cả, xã Minh Thanh (Sơn Dương), công nhân Công ty cổ phần may II Hải Dương chi nhánh Tuyên Quang. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp chị là tinh thần lạc quan, vượt lên số phận tật nguyền, đồng thời chung tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Số phận nghiệt ngã

Sau giây phút trầm tư hồi tưởng, chị Đào tâm sự, trước kia chị đã từng có khoảng thời gian mà mỗi ngày mới bắt đầu cũng là lúc chị chìm trong nỗi đau vì không tự phục vụ sinh hoạt cho bản thân, vì tự ti, mặc cảm với mọi người. Chị không dám ra ngoài, chị chán nản, oán than số phận ông trời bất công với mình. Đó là những lời đầu tiên chị Đào chia sẻ với chúng tôi về chuỗi ngày đau buồn trước đây của mình.

Chị Nguyễn Thị Đào làm công nhân may để chăm lo cho gia đình và các con.

Chị Đào kể, chị sinh ra trong gia đình thuần nông, nhà có 8 anh chị em, chị là con cả. Từ khi sinh ra chị đã bị mắc bệnh viêm xương, hai chân quặp với nhau, mặc dù đã được bố mẹ cố gắng vay mượn chạy chữa khắp nơi nhưng số phận vẫn nghiệt ngã với chị, bắt chị phải gắn chặt cuộc đời mình với xe lăn, nạng chống, với đôi chân giả. Chị luôn bị phụ thuộc vào sự giúp đỡ của gia đình. Hằng ngày, bố mẹ hoặc các em đưa chị đến trường. Học hết cấp II, hoàn cảnh khó khăn, vất vả, chị đành từ bỏ ước mơ cắp sách tới trường. Chị nghĩ rằng nếu mình cứ tiếp tục học thì gánh nặng trên vai bố mẹ ngày một nhiều hơn, nhà lại đông con. Chị nhường cho các em mình được đi học đầy đủ. 16 tuổi, chị quyết định đi học may của một cửa hàng may tư nhân ngoài thị trấn. Trong quá trình học, chị gặp không ít khó khăn vì máy may phải đạp ga bằng chân, nhưng đôi chân chị thì khó vận động. Phải mất gần 2 tuần chị mới nghĩ ra cách sử dụng được chiếc máy may. Cũng có người nói với chị “người bình thường còn khó làm nghề may, huống hồ một người như chị”. Chính câu nói này đã làm động lực để chị chứng minh cho mọi người biết tàn nhưng không phế và phải làm tốt hơn rất nhiều. Sau hơn 1 năm kiên trì học may, chị đã bắt đầu nhận những đơn hàng may gia công về làm và tự kiếm thêm thu nhập.

Cũng lúc đó, bố chị ra đi do căn bệnh hiểm nghèo để lại mẹ chị và 8 người con đang độ tuổi ăn học. Lau những giọt nước mắt chị nói, thương mẹ một mình vất vả mà bản thân chị cũng chẳng giúp được cho mẹ gì cả, chỉ biết phải cố gắng làm cùng mẹ nuôi các em. Năm 26 tuổi, chị nên duyên với người chồng quê ở Phú Thọ. Tưởng như hạnh phúc đến với mình nhưng căn bệnh viêm xương của chị trở nặng, phải cắt bỏ 2 chân. Người chồng thấy chị như vậy cũng rời bỏ chị và các con. Chị vừa phải điều trị bệnh vừa nhờ anh em họ hàng chăm sóc con. Sau hơn 1 năm điều trị và luyện tập tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Thái Nguyên, chị về nhà với tâm trạng chán nản nghĩ mình không thể làm gì được khi mất đi hai chân. Nhưng nhìn 2 cậu con trai của mình chị lại có thêm động lực cố gắng sống để nuôi dạy con nên người.

Dù mất đi đôi chân nhưng chị Đào luôn cố gắng hoàn thành các công việc nhà, làm thêm để tăng thu nhập.

Chị quyết định không làm nghề may lúc đó mà chuyển sang nghề hát rong, bán tăm bông tại các tỉnh. Con cái chị nhờ người thân trông nom, hàng tháng chị gửi tiền chu cấp về cho con. Nhưng, cuộc sống như vậy mãi không được, nhiều đêm trăn trở, chị quyết định trở về quê hương làm lại nghề cũ. Chị vào facebook và làm quen với các bạn có hoàn cảnh giống như mình, rồi cả những người thầy dạy cắt may. Chị tham gia các khóa học may mặc online và được mọi người nhiệt tình dạy bảo. Đó cũng là lúc cuộc đời của chị bước sang trang mới.

Sáng một kiếp người

Sau khi được học nghề, chị về mở một cửa hàng may riêng ở nhà, ban ngày thì làm công nhân, tối lại nhận thêm việc để làm nuôi các con ăn học.

Chị Đào nhiệt tình tham gia các hoạt động thiện nguyện, chị đã cùng người thân trao quà cho một số chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại huyện Sơn Dương.

Chị Lê Thị Lan Anh, đồng nghiệp của chị tại chỗ làm chia sẻ: “Chị Đào thông minh lắm. Em làm nghề may được 7 năm rồi mà chỗ nào không hiểu lại được chị hướng dẫn, ban đầu nghĩ chị có khi còn không bằng mình, nhưng khi được chị dạy cho những công thức cắt mẫu mới, em thay đổi hẳn cách nghĩ về chị ấy. Với đồng nghiệp, chị luôn nhiệt tình và chan hòa”.

Chị Đào chia sẻ, ban đầu khách tìm đến chị chủ yếu sửa quần áo. Phải mất gần 2 năm để chị khẳng định cho khách hàng là mình có thể may trang phục từ quần áo công sở đến những chiếc váy. Giờ đây khách tìm chị không chỉ có khách ở xã mà còn cả ở những nơi khác đến. Có những hôm đi làm công ty về, tối chị lại tranh thủ may cho mọi người đến 1-2 giờ sáng mới nghỉ.

Chị Đào bảo, chị có rất nhiều dự định, chị muốn có một cửa hàng may rộng rãi, công việc ổn định để nuôi các con nên người. Hiện cháu lớn của chị là Nguyễn Hoài Thương, học hết cấp III và đang làm nghề tự do; con trai út là cháu Nguyễn Hà Minh Phương, học lớp 8A, trường THCS Minh Thanh. Chị thấy cuộc đời chị còn may mắn lắm, khi ông trời cướp đi đôi chân của mình, nhưng bù lại chị có nghề trong tay để tự nuôi sống bản thân.

Chị Đào đọc tham luận tại hội nghị về hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn xã Minh Thanh (Sơn Dương).

Ngoài những giờ làm việc chị còn dành thời gian làm công tác từ thiện xã hội. Chị tham gia nhóm từ thiện Thủy Tiên - Sơn Dương, tặng quà nhu yếu phẩm cho các điểm khu cách ly, kêu gọi ủng hộ làm nhà cho gia đình hoàn cảnh khó khăn… Chị Đào còn có dự định nếu có điều kiện tốt hơn sẽ mở một lớp dạy may miễn phí cho người khuyết tật.

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Đào, thôn Cả, xã Minh Thanh (Sơn Dương) đã truyền lại cho chúng tôi và những người xung quanh chị một nguồn năng lượng mạnh mẽ để từ đó tiếp tục phấn đấu, vươn lên vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Minh Thủy - Minh Hoàng

Tin cùng chuyên mục