Người ươm mầm xanh

- Tự tìm kiếm giống mới, tự ươm và hướng dẫn cách trồng, chăm sóc là cách mà anh Hứa Văn Lượng, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình đã và đang thực hiện hiệu quả. Từ đó, góp phần thay đổi tư duy làm nông nghiệp cho người dân tại vùng quê có nhiều tiềm năng nhưng còn không ít khó khăn này...

Trăn trở cùng người dân

10 năm gắn bó với mảnh đất Lâm Bình, từng nhành cây, ngọn cỏ và tập quán canh tác của người dân đã trở nên thân thuộc đối với anh Lượng. Anh bảo: “Ở đây, người dân chưa biết cách khai thác, sử dụng quỹ đất hợp lý. Vì vậy chưa tạo ra được sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Anh Lượng học Thạc sỹ chuyên ngành phát triển nông thôn, tại Hạt Kiểm lâm Lâm Bình anh phụ trách kỹ thuật với các công việc bảo vệ phát triển rừng, tuyên truyền bảo tồn thiên nhiên, tuyên truyền người dân tham gia phát triển nông nghiệp gắn với lâm nghiệp… Bởi vậy, anh luôn trăn trở, mong mỏi tìm được hướng đi mới cho cho người dân phần lớn sống nhờ vào nông nghiệp. Trước đây, do tập tục canh tác của người dân thường dựa vào kinh nghiệm là chính, mỗi năm chỉ trồng 2 vụ lúa, ngô, sản lượng không cao nên đời sống còn nhiều khó khăn. Để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn ấy không phải là việc có thể một sớm, một chiều giải quyết được. Hiểu được điều đó, anh Lượng đã mất nhiều năm để có thể tạo được lòng tin với bà con, tìm hướng đi, cây giống mới, không những phù hợp với điều kiện của mỗi gia đình, mà còn phải phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương.

 Anh Hứa Văn Lượng hướng dẫn người dân xã Lăng Can chăm sóc vườn bí xanh.

Năm 2020, khi có dịp vào Hạt Kiểm lâm Lâm Bình, tôi đã quan sát thấy nhiều cây giống được ươm ở đằng sau trụ sở Hạt. Hỏi ra mới biết, đấy là giống cây bí xanh, cà chua cherry mà anh Lượng đang ươm thử nghiệm, nếu phù hợp, sẽ nhân rộng cho bà con trồng và chăm sóc. Anh Lượng chia sẻ, mới đầu anh cũng lo, cũng sợ nhiều thứ lắm, nhưng nghĩ cho cùng nếu không bắt tay làm thì sẽ không biết mắc ở đâu để tháo gỡ. Để người dân yên tâm trồng thử những giống cây mới, anh đã liên kết cùng Hợp tác xã Cộng đồng Lâm Bình, hỗ trợ đầu tư ban đầu cho bà con và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Hợp tác xã Cộng đồng Lâm Bình đã liên kết với Công ty Nông lâm nghiệp Đức Phú (Hà Nội) bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Anh Lượng đã tổ chức cho người dân tham gia tập huấn kỹ thuật về cách xử lý đất, đánh luống, chăm sóc đối với mỗi loại cây trồng khác nhau. Với phương châm 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào”, anh đã tạo được sự tin tưởng và được nhân dân làm theo.

Những trái ngọt đầu mùa

Tháng 7-2020, một số hộ dân trên địa bàn xã Lăng Can đã trồng thử nghiệm 2ha bí xanh. Sản phẩm anh hướng đến cho bà con là sản phẩm nông nghiệp sạch, vì vậy, mọi khâu chăm sóc anh đích thân hướng dẫn. Ngày ngày, sau giờ làm việc, anh lại ra thăm vườn, theo dõi quá trình phát triển của cây để kịp thời xử lý khi có trường hợp xấu xảy ra. Với vốn kiến thức của mình và qua quá trình tìm hiểu đặc tính của cây trồng, điều kiện tự nhiên, cách chăm sóc, sau 2 tháng 2ha bí xanh đã cho thu hoạch với năng suất trên 20 tấn/ha. Công ty Nông lâm nghiệp Đức Phú (Hà Nội) đã lên tận vườn thu mua cho bà con với giá 6-7 nghìn đồng/kg. Bà Phùng Thị Huyến, thôn Nặm Chá, xã Lăng Can, một trong những người trồng thử nghiệm cây bí xanh đầu tiên cho biết, gia đình bà trồng hơn 500m2 bí xanh, với sự hướng dẫn tận tình của anh Lượng, sau 2 tháng đã cho thu hoạch. So với trồng lúa, ngô, cây bí xanh chăm sóc đơn giản và tốn ít công sức hơn lại cho thu hoạch nhanh và cao hơn gấp 2 lần.

Sự phấn khởi của bà con khi những trái bí đầu tiên được cắt và thu mua hết đã tiếp thêm động lực cho anh tìm tòi các loại giống cây mới. Anh tiếp tục ươm 1.000 bầu giống cà chua cherry cho bà con trồng thử. Giống cà chua mới này được bà con nhiệt tình ủng hộ. Hiện nay, 1.000 cây cà chua đã cho thu hoạch khoảng 2,5 tạ, cà chua được bán với giá 50 nghìn đồng/kg đã được nhiều người tiêu dùng sử dụng và yêu thích.

Cây cà chua cherry ưa nước và nắng, vì vậy thời gian đầu cần tưới nước hàng ngày, đặc biệt là thời kỳ ra hoa, nuôi quả. Nếu thiếu nước, cây sẽ kém ra hoa, giảm năng suất, trái nhỏ và có hiện tượng nứt trái, rụng hoa. Vì vậy, anh Lượng thường xuyên xuống vườn kiểm tra độ ẩm của đất hộ bà con để kịp thời điều chỉnh giúp cây phát triển tốt. Anh Lượng nói, khi cây bắt đầu cho nụ, anh hướng dẫn mọi người tỉa bớt nhánh phụ và các lá già chùm hoa đầu tiên để tạo thông thoáng cho gốc, chỉ giữ lại 1 thân chính và 2 nhánh cấp một gần chùm hoa thứ nhất. Sau đó, để cây phát triển bình thường, cho nhiều nhánh, có nhiều trái và để có quả màu đen đẹp thì quả cần được tiếp xúc nhiều với ánh nắng. Đặc biệt, cây được trồng bằng phương pháp hữu cơ, nên khi thấy cây có hiện tượng sâu phá hoại, anh cùng với người dân sẽ bắt thủ công, có nhiều hôm phải thức đêm để bắt. Những việc làm của anh Lượng đã được bà con tin tưởng và ghi nhận.

Hiện nay, trên địa bàn xã Lăng Can đang có 30 hộ gia đình trồng các loại cây mà anh Lượng ươm giống, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục đưa các giống cây mới như: Nho hạ đen, cà chua đỏ, ngô nữ hoàng tím, củ hồi fennel… để người dân trồng thử nghiệm. Dù biết, những cây trồng này đều mới lạ đối với người dân, nhưng anh Lượng tin tưởng chỉ cần đồng lòng và có sự quyết tâm, mỗi loại cây sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, làm thay đổi đời sống của người dân.

Phóng sự: Thu Trang

Tin cùng chuyên mục