Những “già làng” trẻ tuổi

- Phần lớn nhiều người quan niệm người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số là “cây cao bóng cả” nhiều tuổi, có đủ thời gian trải nghiệm cuộc sống, có lời nói “đủ nặng” để bà con nghe. Thế nhưng, ở một số bản làng những đảng viên trẻ thế hệ 8x, 9x đã được bà con bình bầu là người uy tín. Những “già làng” trẻ tuổi trở thành điểm tựa, chỗ dựa vững chãi cho dân bản nơi đây.

Từ việc xóa khoảng tối hủ tục...

Từ lúc 29 tuổi, anh Lý Văn Thanh, Tổ trưởng Tổ dân phố Hòn Lau, thị trấn Yên Sơn, huyện Yên Sơn được bà con trong thôn bình bầu là người uy tín. 6 năm qua anh vẫn luôn là điểm tựa của người dân với những đóng góp đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Anh Lý Văn Thanh, Tổ trưởng Tổ dân phố Hòn Lau, thị trấn Yên Sơn, huyện Yên Sơn hướng dẫn bà con chăm sóc vườn bưởi.

Trước đây, người Dao Quần trắng ở Hòn Lau vẫn tồn tại những tập tục lạc hậu. Điển hình như: ma chay kéo dài 2 ngày, 2 đêm, người chết thường chôn ngay tại vườn nhà, bìa rừng. Còn muốn cưới nhau thì nhà trai đối mặt với tục thách cưới và đám cưới kéo dài hàng tuần vô cùng tốn kém. “Khoảng tối” hủ tục đó tồn tại như kéo lùi cuộc sống bao gia đình. Ngay từ khi mới nhận nhiệm vụ Trưởng thôn, anh Lý Văn Thanh tâm niệm chỉ có xóa bỏ những tập tục lạc hậu đó thì bản làng mới phát triển được.

Việc vận động tuyên truyền những tưởng giản đơn thế nhưng người cán bộ trẻ lại vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía dân bản. Có người còn quy cho anh cái tội “vắt mũi chưa sạch” lại dám dạy khôn và đi ngược lại tập tục bao đời. Không nản chí, anh Thanh bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức ngay trong chính gia đình, họ tộc mình. Anh bảo, để mọi việc thành công thì chính gia đình, dòng tộc mình phải làm gương trước cho bà con. Khi có cơ hội, anh cùng mọi người “mục sở thị” những mô hình ở địa phương khác thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang. Nhờ “mưa dầm thấm lâu” mà nhận thức người dân dần thay đổi. Đến nay, nhiều gia đình trong dòng họ chủ động cắt bỏ lễ nghi rườm rà trong ma chay, cưới hỏi.

Ở tuổi 35, chàng trai người Mông Đào Văn Máy đã hơn 11 năm làm cán bộ thôn. Năm 2011, anh trở thành người uy tín trẻ nhất xã Thượng Nông (Na Hang).  Đối với Máy đó là niềm vui và trách nhiệm để luôn đồng hành giúp bà con dân bản vươn lên. Và thành tích đầu tiên phải kể của “già làng” Máy là đã góp phần xóa bỏ tập quán uống rượu ở Nà Cào.

Nhiều năm trước, ở Nà Cào nhiều đàn ông Mông nghiện uống rượu lười lao động, cái nghèo, cái đói cứ thế đeo bám...! Việc xóa bỏ tệ nạn này là điều mà anh Đào Văn Máy trăn trở nhất. Anh gặp gỡ riêng từng người để khuyên răn to nhỏ. Đồng thời để tạo được sức mạnh tuyên truyền, tại các cuộc họp thôn bản, sinh hoạt các đoàn thể, Máy và cán bộ thôn đã lồng ghép đưa ra dẫn chứng cụ thể tác hại của bia rượu. Tiếp đó, Máy vận động vợ, con các đối tượng không được “tiếp tay” mua rượu... Chính cách vận động linh hoạt, bền bỉ, sau một thời gian dài nhận thức người dân dần thay đổi.

“Nói thực cuộc chiến với ma men không phải dễ dàng gì. Để đàn ông hiểu được hệ lụy uống rượu và thanh niên trẻ tránh xa rượu là chặng đường gian nan. Nay, nhiều người Nà Cào đã dần bỏ rượu, chí thú làm ăn. Đó là thành tích tuyệt với nhất của cả dân bản đã cố gắng!”- Máy hào hứng chia sẻ.

...Không để “chuyện bé xé ra to”

Người xưa thường nói “thấy ăn thì đến, thấy đánh thì đi” thế nhưng với anh Triệu Hữu Quốc, thôn Tát Ten, xã Bình An (Lâm Bình) thì hoàn toàn ngược lại, ở đâu có to tiếng, mâu thuẫn, xích mích là anh lập tức có mặt để hòa giải. Nhiều năm về trước vấn đề tranh chấp đất đai giữa các gia đình, dòng họ là chuyện nổi cộm nhất. Có 2 gia đình tranh chấp đất đai, thường xuyên cãi cọ, gây gổ làm mất đoàn kết. Với vai trò là thành viên trong tổ hòa giải, anh Quốc đến nhà tuyên truyền giải thích về Luật Đất đai. Anh Quốc đưa ra những lý lẽ về tình nghĩa làng xóm tắt lửa tối đèn có nhau. Giải thích tỉ tê cho đôi bên xuôi tai, anh còn khéo léo nhiều lần sắp xếp hai người về nhà mình để có dịp gần gũi, trao đổi với nhau.

Vậy là, bằng sự khéo léo, tế nhị, nhiều năm qua anh Quốc đã giải quyết nhiều vụ việc một cách lặng lẽ thấu đáo như thế. Với sự nhiệt huyết tận tâm trong 7 năm qua, chàng trai 8x Triệu Hữu Quốc luôn được bà con tin yêu  bình bầu là người có uy tín.

Anh Thèn Văn Hiển, Trưởng thôn, người uy tín thôn Bản Giáng, xã Trung Sơn (Yên Sơn) tuyên truyền pháp luật cho bà con.

Trưởng thôn 9x Thèn Văn Hiển là người uy tín thôn Bản Giáng, xã Trung Sơn (Yên Sơn). Với anh  việc nắm bắt tình hình trong thôn là một công việc như là thói quen. Nếu là chuyện vui, thì anh đến chia vui; nếu là chuyện buồn thì anh chia sẻ. Khi phát hiện trong thôn có những biểu hiện mâu thuẫn, xích mích thì dù nắng, mưa... anh vẫn miệt mài đến gặp từng người để chia sẻ, tư vấn, hòa giải. Giờ đây, nhiều chuyện lớn nhỏ bà con đều tìm đến anh. Lắm khi không phải vụ kiện, mà đơn giản anh là chỗ dựa tinh thần, nơi tin tưởng cho họ giãi bày. Anh Hiển tâm sự, người miền núi đều có những cá tính riêng, thế nhưng điểm chung là khi phân xử công bằng, hợp tình, hợp lý thì mọi việc êm xuôi ngay. Trong nhiều năm qua, trong thôn Bản Giáng không xảy ra vụ kiện tụng, tranh chấp, ly hôn và có hơn 80% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.             

Uy tín không đợi tuổi

Tuyên Quang hiện có 1.116 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ là những “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương với đồng bào. Bên cạnh những “đại thụ” cao niên thì thế hệ trẻ 8x, 9x đã trở thành những “trụ cột”,  chỗ dựa tin cậy. Họ góp phần sức trẻ xây dựng nếp sống mới, gắn kết bản làng và giúp bà con tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

Trước đây, tổ dân phố Hòn Lau, thị trấn Yên Sơn được coi là “thủ phủ” của nông sản ngô, sắn... Đất bạc màu, ngô mất giá, những khoảnh đồi bắt đầu bị bỏ hoang. Nhận thấy trách nhiệm phải giải bài toán “tìm hướng đi phát triển kinh tế”, Trưởng thôn Lý Văn Thanh tiên phong trồng thử nghiệm 300 gốc bưởi Soi Hà. Nhờ chịu khó học hỏi, chuyển giao đúng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên vườn bưởi phát triển tốt, đem lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình (200 triệu đồng/năm). Tin theo lời trưởng thôn, nhiều hộ dân hăng hái cải tạo đồi tạp để phát triển kinh tế. Đến nay, cả thôn có 70 hộ trồng bưởi. Trong đó, có nhiều hộ trồng trên 200 gốc như: Lý Văn Đông, Trần Văn Thêm, Lý Văn Thông... Trồng cây ăn quả như “luồng gió mới” làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây. Trước đây, thôn có quá nửa hộ nghèo, nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 12%, hộ khá chiếm 60%.

Để vận động bà con Nà Cào, xã Thượng Nông (Na Hang) phát triển kinh tế từ trồng tre bát độ mà anh Đào Văn Máy đã phải mất nhiều ngày lặn lội sang tận Đà Vị để quay video, chụp ảnh mang về cho bà con trong thôn xem. Và để nêu gương gia đình Máy trồng trước 100 cây. Máy bày tỏ, mô hình này anh cũng học được từ một anh bạn trẻ ở bên Đà Vị. Hai anh em thường xuyên liên lạc, chia sẻ kinh nghiệm qua Zalo, có gì khó khăn trong quá trình chăm sóc, cây giống, tiêu thụ đều được hỗ trợ ngay. Cây trồng hợp thổ nhưỡng, đầu ra lại lưu thông nên đây là hướng đi hiệu quả. Trong năm nay, toàn thôn có 40 hộ thực hiện mô hình trồng tre bát độ.

Ông Sùng Văn Hồ chia sẻ, ông đã vay vốn cải tạo 2 ha diện tích đất đồi núi thấp sang trồng tre. Đầu tháng 9 năm nay, ông Hồ bán lứa lá đầu tiên thu được gần 3 triệu đồng, ông dự định đến hết năm sẽ hái thêm được 10 lượt hái nữa. Bên cạnh hướng đi mới từ tre măng bát độ thì trước đây “già làng” Máy đã vận động người dân Nà Cào phát triển kinh tế từ rừng và chăn nuôi trâu. Nhờ có hướng đi đúng đắn, trước đây, cả thôn đều là hộ nghèo, nay tỷ lệ hộ nghèo còn 40%, hộ khá chiếm 20%.

Nhiều người thừa nhận rằng, cái khó nhất trong công việc điều hành ở đồng bào dân tộc đó là xưa nay bà con thường tin theo lời người già, càng già càng có uy tín. Vậy nhưng từ những việc người trẻ đã làm được khiến bà con ngày càng tin tưởng vào lựa chọn của mình. Những “già làng” 8x, 9x tựa như cây rừng vươn cao lớn mạnh bảo vệ, cống hiến cho bản làng ngày một ấm no, trù phú.

Phóng sự: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục