Những kỹ sư rừng

- Có duyên đến với nghề rừng, rồi bén duyên mà ở lại, những kỹ sư rừng - dù có bằng cấp hay không, đều đang hết lòng nhân lên màu xanh cho vùng đất này. Với họ, được lao động, được cống hiến, được nhìn thấy màu xanh mỗi ngày cũng giống như được nhìn thấy thành công đến sớm!

1. Ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình, Phó Giám đốc Bùi Thu Thủy là người có tuổi nghề lâu năm nhất ở đơn vị.

Sinh năm 1968, ông Thủy đã có gần 35 năm gắn bó với nghề rừng. Từ anh công nhân lâm trường đo đạc, kẻ vẽ, thiết kế rừng, thu mua vận chuyển đến anh cán bộ khuyến lâm, hầu như từ khi bước chân vào nghề, chưa năm nào ông Thủy rời được những tán rừng.

 Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình Bùi Thu Thủy (ngoài cùng bên trái) cùng đại diện Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang trong một chuyến khảo sát rừng trồng.  

Ông bảo, kỷ niệm với rừng thì nhớ không hết nổi. Nhưng nhớ nhất là những năm 2006 - 2009, thời điểm là cán bộ khuyến lâm của đơn vị phụ trách các xã Chiêu Yên, Lực Hành vận động người dân trồng rừng theo Chương trình 327, 661, ông ví mình giống như “camera chạy bằng cơm”. Là bởi, khi ấy, phong trào chuyển đất rừng sang trồng màu, mà chủ yếu là trồng sắn đang phổ biến ở hầu khắp các địa phương, ông Thủy, cũng như hầu hết cán bộ khuyến lâm thời điểm ấy phải ăn cùng, ở cùng, làm cùng... để thay đổi thói quen, tư duy sản xuất của người nông dân thời bấy giờ. Nhưng cũng không phải là dễ. Suốt thời gian ấy, ông ở với dân hầu như kín thời gian. Một tháng chỉ về nhà đôi ba lần, còn lại là “bám” lấy dân mà vận động, tuyên truyền, thuyết phục họ nhận đất, nhận cây trồng rừng. Đến khi bà con nhận cây giống rồi, lại “bám” lấy dân mà hướng dẫn kỹ thuật, giám sát, kiểm tra liên tục để cây thực sự sinh trưởng, phát triển tốt.

Thời điểm khó khăn ấy cũng dần qua đi, khi Tuyên Quang thu hút được một loạt các doanh nghiệp lớn về chế biến lâm sản, như Công ty cổ phần Giấy An Hòa. Rừng được hồi sinh. Đất giao đến đâu, bà con đưa cây giống vào trồng đến đấy. Từ đối phó, người trồng rừng đã biết lựa chọn cây giống tốt, bón phân định kỳ, đúng thời điểm để cây gỗ lớn nhanh, cho sinh khối ổn định.

Giờ, mối lo đến với những người quản lý như ông Thủy không còn là câu chuyện phủ xanh đất trống đồi trọc nữa, mà nằm ở chất lượng rừng trồng. Vài năm trở lại đây, khi kinh tế lâm nghiệp thực sự trở thành cứu cánh cho người dân, thì vấn đề giống cây lâm nghiệp lại là bài toán lớn. Kỹ sư lâm nghiệp Lâm Thành Trung - Trưởng phòng Kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nguyễn Văn Trỗi, cũng chung nỗi lo này. Anh Trung bảo, mình may mắn đã từng được tham gia nhiều đề tài khoa học công nghệ nghiên cứu, khảo nghiệm nhiều giống cây lâm nghiệp mới như cây hông, lát Mê - xi - cô... nhưng việc lựa chọn, quyết định được một giống cây thực sự phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Tuyên Quang vẫn cần thêm nhiều thời gian.

Ông Thủy cùng với các kỹ sư lâm nghiệp trong công ty đã trực tiếp đến với các tỉnh thành có chất lượng giống cây lâm nghiệp tốt nhất như Quảng Bình, Quảng Ninh, Bình Định… để lựa chọn, đưa về vườn ươm công ty những cây giống đầu dòng chất lượng tốt nhất. Từ bạch đàn mô, đến keo lai, keo hạt thế hệ hai... Thế nhưng, với họ, cần nhất lúc này là phải có một dđơn vị thực sự đi sâu nghiên cứu giống, để lựa chọn được những giống cây tốt nhất, phù hợp nhất với từng địa phương, để khuyến cáo, hướng dẫn bà con trồng theo đúng quy hoạch.

2. Kỹ sư lâm nghiệp Bàn Bùi Việt, phụ trách cấp chứng chỉ rừng nguyên liệu tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang vốn không phải là người gắn bó với rừng từ ban đầu. Có bằng kỹ sư lâm nghiệp, thời điểm mới ra trường, Việt xin vào làm tại một cơ quan nhà nước, sau đó mới rẽ ngang sang doanh nghiệp. Lợi thế của anh là có chuyên môn, được đào tạo bài bản, nên việc chuyển hướng này, với anh, là động lực để cống hiến nhiều hơn là lo lắng.

Cấp chứng chỉ rừng FSC được Tuyên Quang thực hiện từ những năm 2015, 2016. Câu chuyện cấp chứng chỉ rừng với người dân thời điểm mới bắt đầu cũng ví như câu chuyện vận động người dân trồng rừng  những năm 2006 - 2009. Với các chủ rừng, đặc biệt là hộ gia đình - đối tượng chiếm diện tích rừng lớn trên địa bàn - đây là khái niệm hoàn toàn mới mẻ, khi bắt buộc phải thay đổi tập quán canh tác lâu nay, nhất là việc không được sử dụng hóa chất như thuốc diệt cỏ hoặc đốt thực bì để trồng rừng, tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững đang khác biệt với tập quán canh tác cũ của người dân. Từ các công ty, các hợp tác xã, đến các nhóm hộ, anh Bàn Bùi Việt cùng với các đơn vị chuyên môn của tỉnh, của địa phương... kiên trì hướng dẫn từng chỉ tiêu, tiêu chí. Không chỉ đồng bộ các tiêu chí chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn bền vững, kỹ sư Bàn Bùi Việt cũng vận động, hướng dẫn người dân trồng rừng gỗ lớn để có sinh khối gỗ lớn hơn, thu được lợi nhuận cao hơn.   

Kỹ sư Bàn Bùi Việt (đứng giữa), cùng các chuyên gia đánh giá rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC tại xã Nhữ Hán (Yên Sơn).

Nếu với các công ty lâm nghiệp, việc áp dụng bộ công cụ quản lý rừng với rất nhiều tiêu chí và chỉ số cơ bản phù hợp vì họ có quản lý rừng bài bản từ lâu, có đội ngũ cán bộ chuyên môn về lâm nghiệp nên việc tiếp thu tiêu chuẩn đưa vào áp dụng thực tiễn không khó khăn nhiều, thì với các hộ gia đình lại khó khăn hơn nhiều. Sự cách biệt về trình độ nhận thức, chênh lệch về tầm hiểu biết là cản trở lớn nhất khi áp dụng tiêu chuẩn quốc tế. Đa phần họ sử dụng việc làm sao tiết kiệm nhất trong công đoạn quản lý rừng như đốt thực bì hoặc phun thuốc diệt cỏ thay vì phải sử dụng nhân công lớn để dọn sống hoặc phát thực bì bằng phương tiện thủ công. Hay việc tự trang bị an toàn lao động cho bản thân khi tác nghiệp hiện trường cơ bản là không trang bị vì chi phí cao...

Những chính sách lớn từ Woodsland được triển khai đồng bộ, như việc hỗ trợ kinh phí để sản xuất, hỗ trợ kinh phí mời các chuyên gia đánh giá đến hiện trường, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thường xuyên đến từng hộ, nhóm hộ... đã đạt được hiệu quả ngoài mong đợi. Thành công, là chỉ sau hơn 5 năm, từ con số hơn 11 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ năm 2016, giờ Tuyên Quang đã có gần 36 nghìn ha được cấp chứng chỉ với hơn 10 nhóm hộ, 2 hợp tác xã tham gia. Diện tích FSC của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang cũng mở rộng từ Tuyên Quang sang các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Hà Giang, Bắc Cạn. Những kỹ sư như Bàn Bùi Việt, cũng di chuyển liên tục giữa các địa phương. Nhưng, khi sinh khối rừng không ngừng tăng lên, người trồng rừng sống được với rừng, làm giàu từ rừng... thì mọi rào cản, khó khăn đều tan biến.  

Những kỹ sư rừng như ông Thủy, anh Trung, anh Việt, đang từng ngày góp sức mình tạo nên những kỳ tích mới bằng chính những “trái tim xanh”. Để những cánh rừng, giống như mái nhà lớn che chở cho cả cộng đồng bình yên đi qua bao mùa nắng mưa, gió lốc.

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục