Những người vẽ lại giấc mơ

- Đằng sau mỗi đứa trẻ đặc biệt, là những người miệt mài “vẽ” lại từng nụ cười, từng dáng hình, để giấc mơ của con về tương lai tươi sáng được thành hình. Những “búp măng” ấy đang nhận được những sự chăm sóc đặc biệt nhất, để tự tin bước vào đời.

Từ những lớp học đặc biệt

Cậu bé N.M.H (Chiêm Hóa) gần 3 tuổi, ngồi đối diện kỹ thuật viên Lê Thị Thúy (Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen) táy máy nghịch đám đồ chơi. Nước mắt vẫn đọng trên mi, nhưng đã khúc khích cười khi chiếc ô tô trên bàn chạy vòng quanh. Có điều, bé không nói, không phản ứng khi có tiếng gọi, chỉ chăm chú vào chiếc ô tô chạy trên bàn. Chị Lê Thị Thúy, kỹ thuật viên Bệnh viện Hương Sen kiên trì vừa gọi tên, vừa hướng dẫn bé cách tương tác với người đối diện bằng ánh mắt, ngôn ngữ, hành động. Chị Thúy chia sẻ, những trường hợp như N.M.H vẫn còn là trường hợp nhẹ nhờ cha mẹ phát hiện đưa đi can thiệp sớm.

Bác sĩ Âu Thị Tuyên, Trưởng khoa Ngôn ngữ trị liệu, Tâm lý trị liệu (Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen) cho biết, trẻ tự kỷ, rối loạn hành vi là những bệnh xuất hiện nhiều trong thời điểm xã hội phát triển. Thời điểm này trẻ đến Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen giảm hơn 1/3 so với thời điểm bình thường do dịch bệnh. Nhưng số lượng trẻ đến vẫn duy trì ở con số hơn 60. 6 kỹ thuật viên ở Khoa ngôn ngữ trị liệu, Tâm lý trị liệu đều đặn nhận từng trẻ. Có những đứa trẻ dẫu đã lên lớp 2, lớp 3 một buổi đi học văn hóa, một buổi quay trở lại Trung tâm để điều trị. Biểu hiện của mỗi trẻ khác nhau. Có bé chỉ ngồi yên, ngơ ngác nhìn dẫu đã 7 - 8 tuổi; có bé la hét, cử động chân tay liên hồi; có trẻ rối loạn tất cả các kỹ năng… Những kỹ thuật viên như Nguyễn Thị Thơm, Lâm Thị Hoàng Anh, Tiêu Thị Thắng, Lê Thị Thúy, Vũ Thị Mỹ Vân, Nguyễn Thị Dung, đều là những người đã có hơn 10 năm kinh nghiệm, ngoài những kỹ năng về y khoa, còn phải tự học hỏi những kỹ năng sư phạm, tâm lý học để bước vào thế giới của trẻ.

 Một buổi học với trẻ tại Khoa ngôn ngữ trị liệu, Tâm lý trị liệu, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen.

Nhìn những hình ảnh về cậu bé hơn 3 tuổi ngồi cười thích thú trước những món đồ chơi mà mẹ T.L.H (thành phố Tuyên Quang) chia sẻ, chị Phạm Thùy Dương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tâm lý và giáo dục Hùng Vương 3 không giấu được niềm vui và cả sự tự hào. Với người bình thường, khóc cười là tâm lý bình thường, nhưng với những đứa trẻ đặc biệt như cậu bé kia, thì đấy lại là thành quả sau một thời gian dài kiên trì hướng dẫn, dạy dỗ. Hay có bé khi đến với cô hơn 6 tuổi nhưng gọi tên không biết, không chỉ tay vào đồ mình thích. Sau 8 tháng can thiệp, con đã biết gọi cô, mẹ, bà, biết ăn thức ăn đa dạng khi trước đó con chỉ biết ăn một món…

Chị Dương không gọi những đứa trẻ đến với Trung tâm của mình là tự kỷ, rối loạn phát triển, chị gọi chúng là những đứa trẻ đặc biệt. Và lớp học của chị, hình thành từ cách đây 2 năm, cũng được phụ huynh gọi là “Lớp học đặc biệt của cô Dương”. Trẻ đến với lớp có nhiều biểu hiện: Khó khăn nhiều mặt so với trẻ bình thường về mặt ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, rối loạn hành vi, rối loạn giác quan… Mỗi trẻ khó khăn ở những mặt khác nhau nên phương pháp can thiệp, cách tiếp cận khác nhau, những giáo viên ở lớp cô Dương phải tinh ý, linh hoạt thay đổi một số kỹ năng để phù hợp với tâm lý của trẻ. Có như vậy, cô giáo mới có thể bước được vào thế giới riêng của trẻ, hiểu được trẻ, cùng chơi với trẻ, cùng học với trẻ những kỹ năng giao tiếp xã hội. Ngoài chuyên môn nghiệp vụ thì phương pháp ở đây chính là sự kiên nhẫn và tình yêu thương trẻ vô điều kiện.

Chị Dương chia sẻ, hơn 2 năm bước chân vào lĩnh vực này, chị đã cùng các giáo viên trong Trung tâm đã điều trị tích cực cho hơn 20 trẻ. Với những giáo viên ở Trung tâm của chị Dương, thì đây thực sự là một hành trình dài, ngoài sự kiên nhẫn của giáo viên, thì quan trọng hơn cả là sự hợp tác, đồng hành của gia đình. Chị Dương bảo, một số bố mẹ vẫn chưa chấp nhận con mình có một số khiếm khuyết về mặt phát triển, nên đòi hỏi cô giáo phải có câu trả lời chính xác khi nào con nói được hoặc nhận biết được thế giới. Những ngày dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp, Trung tâm phải phân bổ giáo viên đến tận nhà hoặc chia lịch để phụ huynh đưa con đến Trung tâm, vì theo chị Dương, với đặc điểm của trẻ đặc biệt, nếu không được can thiệp thường xuyên. Có như vậy, trẻ mới không thoái lui trì hoãn.

Một giờ học của trẻ can thiệp tại Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tâm lý và giáo dục Hùng Vương 3.

 “Vẽ” lại dáng hình

Kỹ thuật viên chỉnh hình Nguyễn Hữu Dũng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen không nhớ được mình đã điều trị cho bao nhiêu trẻ khoèo chân. Nhiều trẻ, đến với Bệnh viện từ những ngày 2 - 3 ngày tuổi; nhiều trẻ đến khi đã vài tháng tuổi, vài tuổi. Tùy mỗi lứa tuổi, mà bệnh viện có phương pháp điều trị khác nhau.

Những đứa trẻ, như N.V.C sinh năm 2012 ở Sơn Dương giờ đã là cậu thiếu niên 9 tuổi, đi lại bình thường. Đến bệnh viện từ lúc 3 ngày tuổi, ngay khi phát hiện ra bé bị khoèo chân trái, C. được kỹ thuật viên chỉnh hình Nguyễn Hữu Dũng nẹp, bó chân 7 lần và tập luyện, phục hồi liên tục.  Hay H.M.N, sinh năm 2020, được các bác sỹ chẩn đoán cháu bị bàn chân khoèo bẩm sinh và được chỉ định làm bó bột bàn chân khoèo bằng phương pháp Ponseti. Sau 7 lần thay nẹp, bó bột, được tập vận động, vật lý trị liệu phục hồi chức năng, giờ bé đã dần hồi phục, bàn chân dần trở lại tư thế như người bình thường.

Kỹ thuật viên chỉnh hình Nguyễn Hữu Dũng chỉ tay lên tấm bảng có ghi lại hình ảnh những trẻ đến với Khoa kỹ thuật chỉnh hình từ những ngày đầu cho đến khi được ra viện. Những cô bé, cậu bé khi đến chỉ vài ngày tuổi, đến khi ra viện đã 4 - 5 tuổi tùy theo tình hình.

Bác sỹ Trần Thị Kim Thoa, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen chia sẻ, để phát hiện điều trị sớm cho những trẻ bị khoèo chân, Bệnh viện mở những lớp tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ các trạm y tế để hướng dẫn, nhận biết những dấu hiệu bất thường của trẻ sơ sinh. Từ đó, có tư vấn với gia đình, có phương pháp can thiệp sớm nhất, hạn chế tối đa những ảnh hưởng xấu về mặt thẩm mỹ, tạo cho các con hình ảnh bước vào đời chủ động nhất, tự tin nhất.

Nhờ sự kiên trì, cần mẫn, nhiệt tình và không thể thiếu tình yêu thương từ những lớp học đặc biệt, những kỹ thuật viên kiêm giáo viên, bác sĩ tâm lý, những đứa trẻ đặc biệt được “vẽ” lại những nụ cười, niềm vui, những dáng hình tròn vẹn nhất.

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục