Những thầy giáo mầm non

- Những ngày đầu của tháng 11, chúng tôi có dịp trở lại vùng quê cách mạng Sơn Dương. Qua câu chuyện của đồng chí Trần Văn Bút, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, chúng tôi được biết về những người thầy đặc biệt “cũng múa hay hát giỏi, chẳng kém gì các cô”, có tấm lòng yêu nghề, mến trẻ đang hàng ngày là người mẹ hiền của đàn em nhỏ nơi đây.

Thầy như mẹ hiền

Chúng tôi đến thăm lớp 5-6 tuổi của thầy Lê Công Nguyên, điểm trường thôn Thanh Bình, xã Hợp Hòa, đây là điểm trường đặc biệt của xã duy nhất có mình thầy là nam đứng lớp. Thầy đang say sưa kể chuyện, ngồi quây quần xung quanh là những đứa trẻ hào hứng lắng nghe, thi thoảng chúng lại cười giòn tan thích thú. Với lối dẫn dắt truyền cảm, câu chuyện kể của thầy rất thu hút và tạo được niềm hứng thú cho trẻ. Kết thúc giờ kể chuyện, thầy và trẻ lại sôi nổi với bài hát “cả nhà thương nhau”, vừa vui hát vừa vận động minh họa theo lời bài hát. Những động tác của thầy mặc dù không được mềm mại như các cô, nhưng chất chứa trong đó là tình cảm dành cho trẻ và niềm say mê với nghề.

Một giờ học hát múa của thầy giáo Lê Công Nguyên tại điểm Trường Mầm non thôn Thanh Bình, xã Hợp Hòa (Sơn Dương).

Thầy Nguyên nói, mình đến với nghề dạy trẻ là cơ duyên. Năm 2000, vùng đất Hợp Thành còn hoang sơ, nghèo lắm, đường đi lại khó khăn nên giáo viên mầm non dạy trẻ gọi là “hiếm”. Cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phải vào tận thôn, vận động thanh niên học xong cấp III, đi học nghiệp vụ sư phạm về trông trẻ. Ngày đó thầy nghĩ đến bọn trẻ ở quê quá nhiều thiệt thòi, hơn nữa được sự động viên của gia đình và bạn bè, thế là thầy quyết đi học nghề Sư phạm mầm non.

Năm 2005, thầy tốt nghiệp Khoa Sư phạm Mầm non, Trường Đại học Tân Trào và được phân công về giảng dạy tại điểm trường thôn Thanh Bình. Hơn 19 năm gắn bó với nghề dạy trẻ, thầy không chỉ dạy học trò bi bô từng con chữ, biết những kiến thức đầu đời, mà thầy còn như người cha, người mẹ thứ hai, hàng ngày chăm lo cho các con từ mọi thứ. Hiện thầy đang chủ nhiệm lớp mẫu giáo ghép 5-6 tuổi với 28 học sinh. Ở lớp của thầy em nào cũng ngoan, hát hay và múa đẹp. Thầy bảo, các em cũng như con của mình vậy, nếu trẻ có hư cũng phải uốn nắn từ từ, có như vậy chúng mới tiến bộ, vì lứa tuổi này cần nhất là tình yêu thương và sự thấu hiểu của người lớn. Nhờ sự kiên trì và bằng tình cảm chân thành của thầy, bà con trong xã, thôn hiểu, đồng tình, ủng hộ và yên tâm gửi gắm các con cho thầy dạy dỗ.

Anh Trương Văn Khang, thôn Đồng Chùa, xã Hợp Hòa nói, nhà anh hiện đang có cháu Trương Quốc Tuấn học tại lớp thầy Nguyên. Thầy không chỉ ân cần dạy dỗ các con mà còn chăm sóc rất chu đáo nên vợ chồng anh yên tâm khi đi làm. Từ ngày có thầy dạy ở điểm trường bà con trong thôn ai cũng yêu mến, trân trọng và cảm ơn thầy Nguyên nhiều lắm!.

Đến với lớp học 4-5 tuổi của thầy giáo Quách Văn Dũng, Trường Mầm non Thiện Kế, cũng là lúc các em vừa thức dậy sau giấc ngủ trưa. Là nam giới nhưng thầy chẳng nề hà việc gì cả, từ việc chải tóc, tết tóc, cho ăn, vệ sinh cá nhân cho trẻ, những việc làm mà luôn gắn với các cô giáo. Không chỉ chăm sóc và giáo dục trẻ lớp lớn, thầy còn có khoảng thời gian chăm sóc các bé 36 tháng tuổi là lứa tuổi nhỏ. Thầy ra tận cổng để đón bé vào lớp, vừa bế bé trên tay vừa dỗ dành yêu thương vì các bé khóc nhiều, chăm chút trong từng miếng ăn, giấc ngủ không quản ngại việc nặng nhẹ.

Thầy giáo Quách Văn Dũng, đang uốn từng động tác múa cho các em lớp mẫu giáo 5-6 tuổi
trường Mầm non Thiện Kế (Sơn Dương).

Thầy Dũng tâm sự, mình đến với nghề từ năm 2006, nay đã tròn 17 năm. Đối với thầy, để có thể chăm sóc và giáo dục trẻ thì yêu quý trẻ thôi là chưa đủ. Bản thân thầy phải kiên trì, nhẫn nại và hiểu được sở thích, tính cách của trẻ để có cách tiếp cận phù hợp nhất.   Lựa chọn những phương pháp giảng dạy cho phù hợp với từng lứa tuổi. Do đó, thầy luôn được Ban Giám hiệu, đồng nghiệp đánh giá cao về chuyên môn và nhiều năm liên tục thầy là giáo viên dạy giỏi cấp trường.

Trải lòng mình về tổ ấm gia đình nhỏ thầy Dũng bảo, người vợ hiền của mình hiện cũng là một giáo viên mầm non công tác cùng trường. Hai vợ chồng luôn động viên và truyền cảm hứng, sức mạnh cho nhau vượt qua hoàn cảnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Cùng nhau vun vén hạnh phúc gia đình, góp phần nhỏ bé vào sự phát triển giáo dục của của huyện nhà.

Tự hào giáo viên mầm non

Các thầy đến với nghề bằng chữ “duyên”, gắn bó với nghề bằng tấm lòng yêu mến con trẻ, đó là lời tâm sự của đồng chí Trần Văn Tuấn, dân tộc Sán Dìu, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thiện Kế.

Thầy Tuấn tốt nghiệp Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Mầm non-Hà Nội năm 2002, thầy được phân công giảng dạy tại Trường THCS Thanh Phát (nay Trường THCS Tân Thanh). Mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng thầy đã nhanh chóng khẳng định được năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Sau nhiều lần luân chuyển ở nhiều cương vị khác nhau. Năm 2016, thầy về làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Thiện Kế cho đến nay.  

Công tác ở ngôi trường có bề dày về truyền thống dạy và học, thầy Tuấn luôn xác định, yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường chính là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Thầy tích cực cùng tập thể giáo viên đổi mới phương pháp dạy, học, thực hiện tốt các phong trào và cuộc vận động như: “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... Đồng thời gương mẫu, sáng tạo, say mê nghiên cứu khoa học, thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu các sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy.

Các em nhỏ được thầy Quách Văn Dũng, giáo viên Trường Mầm non Thiện Kế (Sơn Dương) quan tâm chăm sóc trong giờ ra chơi.

Bên cạnh đó, hàng năm thầy còn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư xây dựng trường học, cùng tập thể nhà trường làm tốt công tác xã hội hóa được trên 250 triệu đồng, tu sửa điện nước, các công trình phụ trợ, mua đồ dùng dạy học cho 18 nhóm trẻ. Đến nay, cơ sở vật chất Trường Mầm non Thiện Kế đã khang trang, với 6 điểm trường, 18 lớp học kiên cố, từng bước đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Năm học 2021-2022, trường có 476 em học sinh ở 18 nhóm lớp; 35 thầy cô giáo trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Nhiều năm, trường là đơn vị dẫn đầu huyện về tỉ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ. Trường đã đạt chất lượng giáo dục cấp độ II-2016.

Bằng những đóng góp của mình thầy Tuấn đã vinh dự đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp huyện, nhận được nhiều Giấy khen và Bằng khen của UBND huyện, Bộ Giáo dục và Đào tạo, LĐLĐ tỉnh.

Đồng chí Trần Văn Bút, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nói, toàn huyện hiện có 3 thầy giáo dạy mầm non, trong đó có 1 thầy là cán bộ quản lý, còn lại 2 thầy là giáo viên đứng lớp. Hơn chục năm nay, 2 thầy giáo chỉ là giáo viên hợp đồng, mặc dù vất vả nhưng các thầy đều tâm huyết, ý thức trách nhiệm cao trong công việc, không ngại khó, tích cực phát huy năng lực, sở trường và có nhiều đóng góp lớn cho giáo dục huyện nhà.

Chúng tôi chia tay các thầy giáo mầm non đúng lúc tan trường. Các em nhỏ khoanh tay chào tạm biệt thầy giáo. Hình ảnh ấy khiến chúng tôi không khỏi tự hào, xúc động về những người thầy giáo Mầm non Sơn Dương nhiệt huyết, tận tâm với nghề, luôn được các thế hệ măng non yêu mến, quý trọng.

Ghi chép: Minh Thủy

Tin cùng chuyên mục