Phù Lưu mùa cam chín

- Đến Phù Lưu (Hàm Yên) vào thời điểm này mới cảm nhận hết được không khí tất bật của những ngày cuối năm khi cam đang chín. Trên khắp các ngả đường chốc chốc lại bắt gặp điểm tập kết thu mua cam. Những chiếc xe máy với chiếc sọt cam đầy ắp tấp nập ra vào.

Nói đến Phù Lưu là nói đến thủ phủ của vùng cam Hàm Yên. Ở đây cam được trồng sớm nhất, cho quả ngọt nhất và được trồng nhiều nhất... Theo như bà con trong xã kể lại, giống cam sành Hàm Yên có trên đất này từ lâu lắm rồi mà chẳng ai nhớ nổi, chỉ giải thích rằng chim ăn hạt cam nơi khác rồi thả xuống rừng Cham Chu. Bà con đi rừng chọn những cây quả ngon mang về trồng ở vườn nhà rồi từ đó giống cam sành này phát triển trở thành thứ quả đặc sản của vùng đất này.

Nhưng mãi tới những năm đầu thập kỷ 90 người ta mang cam đi bán ở Hà Nội và được thị trường đánh giá cao thì cây cam Phù Lưu mới thực sự phát triển và lan rộng ra nhiều xã của huyện Hàm Yên. Sau này chính thức trở thành thương hiệu Cam sành Hàm Yên nổi tiếng cả nước.


Vườn cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh Nông Văn Đoàn, thôn Nà Luộc, xã Phù Lưu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cam Phù Lưu đạt được chất lượng cao như được hấp thụ tinh túy từ đất, gió, nắng và nguồn nước mát trong lành từ ngọn núi Pá Phúng. Vì vậy cam Phù Lưu được đánh giá không chỉ sạch mà cho quả mọng, thơm ngon hơn hẳn các loại cam khác. Những tép cam vàng, mọng nước, thơm ngon, thanh mát không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà cả nước đều biết đến. Nhiều người phải trầm trồ bởi những rặng cam xanh ngát trên núi Pá Phúng. Từng vườn cam sai trĩu quả, đung đưa trong giá rét, tỏa mùi thơm nhè nhẹ quyến rũ. 

Đồng chí Đỗ Hữu Ước, Bí thư Đảng ủy xã Phù Lưu cho biết, hiện nay Phù Lưu có 2.400 ha cam. Tính trung bình mỗi hộ dân trong xã có hơn 1 ha đất trồng cam, trong đó có khoảng 2.000 ha cam cho thu hoạch, mỗi năm cho thu hoạch trên 40 nghìn tấn cam. Phù Lưu được biết đến là xã có nhiều tỷ phú nông dân có doanh thu tiền tỷ từ cam. Mỗi vụ cam không chỉ đem lại no ấm cho những hộ trồng cam, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài xã. Đến Phù Lưu sẽ bắt gặp những ngôi nhà biệt thự khang trang được xây lên từ cam. Cây cam đã biến mảnh đất này trở thành một miền đất giàu có, trù phú.

Hiện nay tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn sản xuất, khoa học công nghệ trong sản xuất, tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý… Như vậy người trồng cam có nhiều thuận lợi để nâng cao giá trị kinh tế cho cây cam. Tháng 10 - 2020, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm Cam sành Hàm Yên. Có chỉ dẫn địa lý, cam sành Hàm Yên cũng như Phù Lưu sẽ được truy xuất nguồn gốc rõ hơn, người tiêu dùng nhận biết sản phẩm dễ dàng hơn, đặc biệt là có cơ hội cạnh tranh cao hơn. Tuy nhiên để được dán tem chỉ dẫn địa lý, người trồng cam phải tuân thủ quy trình sản xuất, bảo quản cam mang chỉ dẫn địa lý. Người trồng cam phải tự chịu trách nhiệm về sản phẩm cam của mình. Đến nay, toàn xã Phù Lưu có 7 tổ hợp tác trồng cam với diện tích khoảng 300 ha cam được trồng theo tiêu chuẩn VietGap.


Cam được tập kết tại điểm thu mua trên địa bàn xã Phù Lưu.

Anh Nông Văn Đoàn, thôn Nà Luộc là một trong những thành viên của Tổ hợp tác trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP cho biết, tin vui năm nay với những hộ trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ sớm được triển khai việc dán tem chỉ dẫn địa lý cho vùng diện tích cam đạt tiêu chuẩn VietGAP. Như vậy giá cam sẽ cao hơn, ổn định hơn. Tuy nhiên người trồng cam cũng gặp nhiều phen lận đận. Có đận cách đây hơn chục năm, cam được mùa nhưng mất giá, anh Đoàn phải gánh cam đi hàng chục cây số để bán rong nhưng cũng chẳng được là bao. Rồi năm nay, dịch bệnh Covid-19, mưa lũ ở miền Trung ảnh hưởng nhiều đến giá cam. Hiện nay, giá cam đang ở mức rất thấp, nếu tính chi ly thì hòa vốn hoặc lãi không cao như những năm trước.

Chính vì vậy giải pháp phát triển cam bền vững thì bản thân người trồng cam cần phải liên kết lại trồng cam theo quy trình, công nghệ nhằm nâng giá trị vườn cam, giữ vững thương hiệu để sản phẩm cam đi sâu hơn vào các thị trường trong, ngoài nước. Nếu vẫn mạnh ai nấy làm, phát triển theo hướng tự phát thì khó có thể tránh khỏi những rủi ro cam được mùa mất giá.

Năm 2020, xã Phù Lưu phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm này, xã đang tiến hành công tác hoàn thiện hồ sơ 19 tiêu chí để được công nhận xã đạt nông thôn mới. Đến với Phù Lưu vào thời điểm này, không chỉ thấy được bộ mặt nông thôn đang ngày càng đổi thay, hiện đại mà còn cảm nhận được hương sắc, cảnh quan, không khí tấp nập hòa chung với niềm vui của người dân nơi đây. 

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục