Sắc chàm bên suối Lê

- Trước kia học bài Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu, tôi thuộc lòng câu “Nhớ từng rừng nứa bờ tre/Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”. Để hôm nay đi từ trung tâm xã Minh Thanh (Sơn Dương) ngược dòng suối Lê nổi tiếng ngày nào mà lòng tôi bồi hồi khó tả. Men theo con đường nhỏ xuyên qua tán rừng, bên bờ suối Lê dài hơn 10 km, thôn Ngòi Trườn với 100% đồng bào Nùng hiện ra thật đẹp. Bên mái nhà sàn truyền thống, sắc chàm của vải thổ cẩm vẫn khoe trong nắng mới.

Giữ rừng tạo sinh kế

Thôn Ngòi Trườn có 39 hộ dân tộc Nùng Inh với 196 nhân khẩu sống khá biệt lập, đường ra trung tâm xã khó khăn. Cuộc sống của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào rừng, bởi vậy bảo vệ và phát triển rừng có yếu tố sống còn với sinh kế của người dân. Hương ước của thôn ghi rõ, hàng năm vào ngày 30 tháng Giêng các hộ phải cùng góp lễ vật cúng thần rừng. Thầy cúng cao tay của thôn Sèn Lao Vân, 75 tuổi chủ trì buổi cúng tại núi cây Đa hay còn gọi là núi Cấm. Các hộ trong thôn cử người của gia đình mang theo hoa quả, vàng hương, rượu để tế lễ. Buổi cúng mong muốn thần rừng bảo vệ sự bình an cho dân làng. Qua đây cũng nhắc nhở các thành viên trong thôn không được chặt phá rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, nhằm bảo vệ nguồn nước trong sạch của suối Lê, tránh được những cơn lũ quét khủng khiếp gây ra.

Nghề nhuộm chàm là bản sắc của phụ nữ Ngòi Trườn.

Chỉ tay về những cánh rừng đại ngàn, cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tân Trào Đỗ Đình Bình khẳng định, người dân thôn Ngòi Trườn giữ rừng phòng hộ tốt. Trong thôn không có hiện tượng chặt gỗ, phá rừng nên Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tân Trào khá yên tâm. Thi thoảng những buổi tuần rừng chung vẫn diễn ra, nhưng sự giám sát của người dân vẫn là cơ bản. Nhờ giữ rừng đầu nguồn tốt mà lượng nước của dòng suối Lê chảy từ xã Đạo Viện (Yên Sơn) qua địa bàn thôn luôn luôn giữ ở mức ổn định. Ngoài hàng trăm ha rừng phòng hộ được bảo vệ nghiêm ngặt thì người dân được phân đất trồng chè, liên doanh với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương để phát triển trồng rừng sản xuất. Trung bình mỗi hộ ở Ngòi Trườn có 2 ha rừng, chủ yếu là keo lấy gỗ. Nhiều gia đình nhờ trồng rừng mà  kinh tế khấm khá như hộ ông Hoàng Văn Thanh trồng 7ha, Hoàng Văn Sinh trồng 4ha, Tải Văn Đức trồng 5ha, Hoàng Văn Tính trồng 3ha.

Do có điều kiện tự nhiên thuận lợi từ rừng núi, suối và soi bãi nên thôn Ngòi Trườn thích hợp chăn nuôi gia súc. Toàn thôn có 79 con trâu, trung bình mỗi gia đình 2 con.  Ông Tải Văn An cho rằng nuôi trâu không ăn vào kinh tế, lại tận dụng được lao động nông nhàn, đồng cỏ rộng, suối mát nên thích hợp với người dân nơi đây. Theo ông An, người Nùng ở Ngòi Trườn còn có một điều đặc biệt là chỉ nuôi con lợn đen nhốt chuồng hay bán thả rông. Nhưng giống lợn đen ở đây không phải là lợn tên lửa mà là giống lợn đen to từ 70-90 kg. Không chỉ 100% số hộ nuôi lợn đen mà hộ nào cũng nuôi lợn nái để phát triển sản xuất và giữ giống. Lợn đen thịt ăn ngon hơn lợn trắng lai, giá vì thế cũng cao hơn. Nếu như lợn trắng lai ở Sơn Dương đang có giá 70 nghìn đồng/1kg hơi thì lợn đen Ngòi Trườn đang bán giá 80 nghìn đồng/1kg lợn hơi. Mỗi gia đình trong thôn nuôi từ 4-6 con, vừa mổ làm thức ăn, vừa bán lấy tiền sinh hoạt.

Những ngôi nhà sàn của người Nùng thôn Ngòi Trườn thường nằm giữa khoảng không gian xanh của cây cối vườn tược.

Ở Ngòi Trườn có một món ăn “đi vào huyền thoại” chính là món thịt lợn đen sấy gác bếp truyền thống của dân tộc Nùng.  Vào nhà nào trên gác bếp cũng treo cả yến thịt lợn đen lủng lẳng dưới làn khói bếp. Nếu có khách quý, gia chủ sẽ nhất quyết phải khao các món chế biến từ thịt lợn đen hun khói. Món ăn vừa béo, vừa ngậy, vừa ngọt thơm, hơi dai nhưng lại không ngán. Nếu phát triển đàn lợn đen tốt, thịt lợn đen hun khói ở Ngòi Trườn thực sự trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, có triển vọng.

Giữ gìn bản sắc

Trong 14 thôn của xã Minh Thanh thì Ngòi Trườn là thôn vùng sâu, khó khăn nhất của xã. Quãng đường từ thôn ra trung tâm, dài 11 km đường đất. Bằng nguồn vốn 135, xã cố gắng ưu tiên làm trước gần 2 km đường bê tông. Đầu tháng 5 - 2020, niềm vui lại vỡ òa khi điện lưới quốc gia được thắp sáng ở Ngòi Trườn. Sóng điện thoại, sóng 4G đã làm thôn ít bị biệt lập hơn. Từ đoạn đường bê tông khang trang mới rải trên sườn đồi, tôi phóng tầm mắt ra thung lũng, những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Nùng thấp thoáng, ẩn hiện trong những rừng cây. Đồng chí Chu Thị Thanh Nga, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Ngòi Trườn dẫn chúng tôi đi xem các hộ làm nhà sàn bê tông. Ở Ngòi Trườn, đồng bào Nùng vẫn có tập quán ở nhà sàn, hiện nay gỗ rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt nên làm nhà sàn bê tông cốt thép là một giải pháp tối ưu. Như vậy vừa giữ được rừng đầu nguồn vừa bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc. Riêng năm 2020, thôn có các hộ Tải Văn Đại, Thèn Văn Sinh, Sèn Văn Đức, Tráng Văn Nghiệp, Hoàng Văn Tính làm nhà sàn bê tông. Năm 2021, thôn có  5 hộ đang khởi công làm nhà sàn bê tông.

Nếu dân tộc Mông có trang phục tương đối sặc sỡ, dân tộc Dao gam màu đỏ, người Tày thì thích màu đen trầm, thì đồng bào Nùng sắc chàm là chủ đạo. Xong công đoạn quay bông dệt vải thổ cẩm, nhuộm chàm là kỹ năng khó của dân tộc Nùng. Người Nùng thôn Ngòi Trườn thường trồng cây nhuộm chàm xung quanh nhà. Lá cây nhuộm chàm được thu hái, chưng cất nấu thành một thứ cao dẻo quánh. Nước được đổ đầy thùng nhựa, lượng cao chàm được cho vào vừa đủ độ, quấy đều, cho vải bông mới dệt vào ngâm nhuộm. Vừa ngâm vừa phơi nắng trong 2 tháng lúc đó tấm vải đã nhuộm xong, nhưng chưa có sắc chàm. Để tạo sắc chàm ánh nâu, người ta tiếp tục nhuộm một tuần với củ nâu rừng. Khi nhuộm xong tấm vải chàm pha màu hung hung nâu, vải trở nên bóng đẹp, tăng độ bền, thẩm mỹ cho trang phục. Trang phục của dân tộc Nùng với sắc chàm làm chính, khá giản dị, nhưng vẫn điểm xuyết phần thêu thùa, đồ trang sức bằng bạc đi kèm.

Vải chàm sau khi nhuộm được giặt kỹ, phơi thành phẩm.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hứa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Minh Thanh đang trăn trở với việc bảo tồn và phát huy nghề dệt vải, nhuộm chàm, thêu trang phục dân tộc Nùng ở Ngòi Trườn. Đồng chí bảo, Minh Thanh là xã ATK chiến khu cách mạng xưa với 36 điểm di tích, trong đó có nhiều di tích quan trọng như đình Thanh La, sân bay Lũng Cò, Nha công an Trung ương. Hàng năm lượng du khách về nguồn không phải là nhỏ. Do đó việc bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương hết sức quan trọng. Xã đang tìm nhà tài trợ để xây dựng dự án phát huy nghề dệt, nhuộm chàm, thêu trang phục Nùng ở Ngòi Trườn. Sự kết hợp dòng suối Lê lịch sử, những cánh rừng nguyên sinh, nghề nhuộm chàm, hệ thống nhà sàn, sản phẩm thịt lợn đen hun khói sẽ tạo cho Ngòi Trườn tiềm năng, sức bật trong phát triển du lịch homestay nếu được quan tâm đầu tư một cách bài bản. Nếu làm được điều đó chắc chắn “sắc chàm bên dòng suối Lê” dần dần trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách gần xa...

Phóng sự: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục