“Sứ giả” của nông dân

- 5 năm về trước, anh Trịnh Xuân Thanh, người đất chè Mỹ Bằng (Yên Sơn) khăn gói đi tìm thị trường cho sản phẩm chè đặc sản quê mình. Những năm tháng ăn đường, ngủ chợ với không ít thất bại, cuối cùng cũng mang đến trái ngọt, trở thành “sứ giả” chuỗi nông sản sạch của Tuyên Quang tại Hà Nội.

Hành trình đi “sứ”

Anh Trịnh Xuân Thanh tâm sự, hơn chục năm về trước, anh tự bỏ vốn đầu tư liên kết trồng, chế biến chè đặc sản Ngọc Thúy, chè Bát Tiên theo quy mô lớn. Đây là 2 trong số những giống chè ngon nhất hiện nay. Làm chè đặc sản kỳ công lắm, tất cả các khâu trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến đều phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật nên chất lượng chè đặc sản Mỹ Bằng nức tiếng.

Anh Trịnh Xuân Thanh, chủ đại lý chuỗi nông sản hữu cơ tại Hà Nội tham gia quảng bá sản phẩm nông nghiệp Tuyên Quang tại hệ thống siêu thị.

Chè ngon nổi tiếng nhưng ngặt nỗi thị trường tiêu thụ lại rất hạn hẹp, chỉ ngày Tết người ta mới mua đôi ba lạng chè đặc sản để thưởng thức. Sản xuất hàng hóa mà chỉ chờ vào dịp lễ Tết thì hỏng rồi, phát triển sao được. Vậy là, anh khăn gói lên đường về Hà Nội để khởi nghiệp. Hà Nội là nơi hội tụ các loại thị trường, nhu cầu lớn vì người dân khắp nơi đổ về, và từ đấy anh đã nhen nhóm con đường đi cho mình. 

Năm 2015, anh Thanh mở địa điểm bán hàng tại đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Bắt đầu công việc kinh doanh với xuất phát điểm là nông dân như anh không hề dễ dàng. Anh Thanh bảo, quyết tâm mình có thừa nhưng kinh nghiệm, kiến thức thị trường gần như không có nên nếm đủ “mùi” thất bại. Lợi nhuận thời điểm đầu kinh doanh luôn ở con số âm, bởi tất cả chỉ bó hẹp ở những đơn hàng lẻ thân tình, trong khi chi phí thuê mặt bằng, đi lại chưa kể công sức bỏ ra quá lớn.

Nhưng vốn tính anh làm gì cũng quyết đến cùng, các thông tin sản phẩm, địa chỉ cửa hàng anh chia sẻ rộng rãi lên mạng xã hội Zalo, Facebook và cũng không ngần ngại khi tham gia bất kỳ cuộc hội chợ lớn, nhỏ nào trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Một công đôi việc, tìm thị trường cho sản phẩm chè đặc sản anh không ngần ngại mang các mặt hàng nông sản có nhãn hiệu, chất lượng của tỉnh nhà đi giới thiệu, quảng bá. Lúc làm “con buôn”, lúc là nhân viên thị trường, khi là đại diện phân phối sản phẩm, dần mọi việc cũng trở lên tốt hơn khi những đơn hàng sỉ, lẻ nhận về ngày một nhiều, bắt đầu có lời lãi. Anh Thanh phấn khởi chia sẻ.

Ông chủ cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội

Anh Thanh bảo, 5 năm thâm nhập vào thị trường nông sản anh nắm được xu hướng của sự phát triển, có sản phẩm đặc sản thôi chưa đủ, người tiêu dùng dần tìm về dòng sản phẩm thuận theo tự nhiên - sản xuất hữu cơ để sử dụng. Đây là lý do để anh Thanh chọn lựa làm đại lý, đại diện, phân phối dòng sản phẩm này không riêng ở thị trường Hà Nội mà trong cả nước.

Anh Trịnh Xuân Thanh (người đầu tiên), giới thiệu sản phẩm cá sạch hồ thủy điện Tuyên Quang với khách hàng.

Hiện tại, ngay tại đại lý hàng nông sản hữu cơ tại đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội đang phân phối các sản phẩm:  Cam sành Hàm Yên hữu cơ; thịt lợn đen Lâm Bình, Na Hang; vịt bầu Minh Hương (Hàm Yên); bưởi Xuân Vân, na Lực Hành hữu cơ (Yên Sơn)... Song ổn định nhất vẫn là 2 sản phẩm cá sạch Lâm Bình và các dòng chè đặc sản hữu cơ. Sơ sơ mỗi tháng đại lý phân phối từ 1 - 1,5 tấn nông sản, thời điểm chính vụ lượng hàng giao dịch tăng gấp 2 - 3 lần.

Để có đủ lượng sản phẩm đạt chuẩn, anh Thanh không ngần ngại kết nối với các tổ, nhóm, hợp tác xã sản xuất hữu cơ để ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm. Anh Thanh phấn khởi bảo, đã có 3 đơn vị hợp tác cung ứng sản phẩm hữu cơ cho đại lý, gồm: Liên nhóm sản xuất sản phẩm cam sành hữu cơ (PGS) Hàm Yên; tổ hợp tác nuôi cá sạch Na Hang - Lâm Bình; Hợp tác xã Nông nghiệp Sử Anh (Yên Sơn). Ngoài ra còn rất nhiều hộ cá thể sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ cam kết cung ứng sản phẩm theo mùa vụ cho đại lý. Theo anh Thanh, giá sản phẩm hữu cơ được đại lý thu mua để phân phối thường gấp đôi, gấp ba sản phẩm sản xuất đại trà.

Anh Trịnh Xuân Thanh (ngoài cùng bên phải), chủ đại lý cung ứng chuỗi nông sản tại Hà Nội kiểm tra chất lượng cam của liên nhóm sản xuất cam hữu cơ (PGS) Hàm Yên.

Lựa chọn sản phẩm sạch kinh doanh, ông chủ đại lý nông sản Trịnh Xuân Thanh rất nhạy bén khi thực hiện các chương trình kích cầu thúc đẩy thị trường tiêu thụ. Lý giải về điều này, anh bảo, sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ, vào thời điểm chính vụ lượng sản phẩm thu hoạch tăng đột biến nếu không thực hiện chính sách kích cầu, sản phẩm sẽ bị dồn ứ, giảm giá trị, thiệt hại lớn cho cả người kinh doanh như anh và người sản xuất. Điển hình hồi đầu tháng 2, tháng 3 khi sản phẩm cam hữu cơ vào thời điểm chính vụ, lượng sản phẩm thu hoạch tăng gấp đôi, gấp ba lần, anh Thanh đã có bước đi táo bạo khi thực hiện chương trình khuyến mãi lớn tại Hà Nội và một số vùng phụ cận, khách hàng mua 10 kg cam hữu cơ sẽ được tặng 1 combo 10 kg, với giá chênh lệch không nhiều. Chiêu thức kích cầu chưa có trong tiền lệ với hàng nông sản đã mang lại hiệu quả lớn, hơn 70 tấn cam sành hữu cơ Hàm Yên đã được kết nối tiêu thụ một cách dễ dàng mà không phải chờ đến sự giải cứu của các tổ chức, cá nhân.

Chia sẻ về con đường phía trước, anh Thanh khẳng định rằng, anh sẽ mở rộng hợp tác liên kết với bà con quê mình để sản xuất, cung ứng sản phẩm hữu cơ một cách bền vững nhất.

Ghi chép: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục