Thông điệp từ giải cứu nông sản

- Những cán bộ bưu điện, viễn thông, bác sỹ, giáo viên hay những Giám đốc, chủ doanh nghiệp lớn... trở thành những shipper, người bán bí đỏ, dưa lê, dưa hấu, cà tím, mướp đắng... một cách tận tâm, nhiệt thành. Ngoài cách bán hàng truyền thống, họ livestream, ship hàng, liên kết với tiệm bánh để chế biến nông sản thành các món bánh lạ miệng, hấp dẫn... Và hành trình đi “giải cứu” nông sản cho người nông dân vùng dịch Yên Nguyên còn nhiều câu chuyện thú vị, ấm áp hơn thế!

Những streamer, shipper nghiệp dư...

“Cả nhà mình ơi, đây là lần đầu tiên mình tập livestream nhé. Quay cho mọi người biết hiện mình đang ở cánh đồng Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên, khu vực phong tỏa. Ở đây bí đỏ, dưa hấu, dưa lê, mướp đắng, cà tím, rau xanh... đang vụ thu hoạch. Nhưng tất cả nông sản đang nằm yên tại đây. Mong mọi người tìm cách ủng hộ để bà con chúng tôi yên tâm cách ly chống dịch”.

Ngày 22-5, vợ chồng anh nông dân người Tày Hà Thị Thu Trang và Triệu Văn Phúc, thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) livestream trên trang facebook cá nhân kêu gọi người dân giải cứu vùng nông sản. Video phát trực tiếp đã nhận được nhiều lượt bình luận, chia sẻ và đơn đặt hàng của nhiều người. Ngay lập tức UBND xã Yên Nguyên cũng đã có văn bản kêu gọi “giải cứu nông sản” cho người dân bị phong tỏa, cách ly. Và suốt thời gian qua anh chị Phúc, Trang là một trong những “cầu nối” đắc lực để việc thu hoạch, gom hàng, vận chuyển hàng diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.


Cán bộ khu cách ly tại huyện Sơn Dương tiếp nhận nông sản của bà con Yên Nguyên do hội viên nông dân
 sản xuất kinh doanh giỏi thu mua ủng hộ.

Anh Triệu Văn Phúc hiện là Chủ tịch Hội nông dân xã Yên Nguyên. Gia đình sinh sống tại thôn Khuôn Khoai và phải cách ly, phong tỏa. Với anh việc “giải cứu”  nông sản đó là nhiệm vụ của mình thế nên ngày ngày hai vợ chồng lăn lộn trên những cánh đồng để cùng bà con thu hoạch, ghi chép, đóng gói, liên hệ mối lấy hàng, tiếp tục livestream, chụp ảnh đăng tải facebook để kêu gọi. Kết nối với anh Phúc qua điện thoại, anh nhiệt tình chia sẻ, cũng như trước đây Hội Nông dân xã thường xuyên hỗ trợ các hội viên hội nông dân trong tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, hiện nay trong hoàn cảnh đặc biệt thì bản thân anh cũng phải tự thích nghi, đổi mới bằng cách sử dụng mạng xã hội để kêu gọi. Cùng với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền xã, trung bình mỗi ngày vợ chồng mình nhận được hàng chục cuộc gọi nhận mua hàng hỗ trợ, tình nguyện vận chuyển hàng... Thôn Khuôn Khoai có 104 hộ dân, chủ yếu đồng bào Tày, phát triển kinh tế từ nông nghiệp. Thôn có 10 ha diện tích nông sản các loại như dưa hấu, dưa lê, bí đỏ, rau xanh... Sau hơn 10 ngày đã giải cứu được 10 tấn nông sản.

Còn chị Hà Thanh Huyền là cán bộ bưu điện xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa). Thời gian này chị Huyền trở thành shipper chạy xe khắp các xã Thị trấn Vĩnh Lộc, Hòa An, Tân Thịnh, Ngọc Hội... để giao hàng đến tận tay khách hàng. Sản phẩm là tất cả các mặt hàng nông sản ở Khuôn Khoai. Lịch trình thường xuyên của chị là sáng sớm xuống Yên Nguyên lấy hàng, đăng bài kêu gọi trên facebook, nhận đơn và đi giao hàng tận từng nhà. Ngày hôm sau lại xuống bàn giao tiền và tiếp tục nhận hàng bán. Chị tranh thủ thời gian để giao hàng tận tay cho người dân ở khắp các xã như Phúc Thịnh, Hòa Phú, Tân An... Huyền cho biết, vòng quay liên tục như thế mình thực hiện 5 đợt bán hàng, tổng 2,5 tấn nông sản. Mình cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con nên hàng lấy về đến đâu là bán hết đến đấy.

“Shipper nghiệp dư” Hà Thanh Huyền, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) trên đường đi giao hàng.

Bên cạnh cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, thời gian qua cô shipper nghiệp dư này còn tự đứng ra kêu gọi hơn 5 triệu đồng để ủng hộ mua lương thực, vật dụng, trang thiết bị y tế chuyển cho cán bộ xã Yên Nguyên gửi đến bà con vùng dịch.

Chuyện giám đốc đi bán hàng vỉa hè

Ngay sau khi nắm rõ được tình hình tồn đọng mặt hàng nông sản do phong tỏa, cách ly tại thôn Khuôn Khoai, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc để chung tay “giải cứu”. Điển hình như Hội Nông dân tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Bưu điện huyện Chiêm Hóa, Trung tâm Viễn thông VNPT huyện Chiêm Hóa...

Trong đó Hội Nông dân tỉnh, Hội nông dân huyện đã cử cán bộ đến chốt kiểm soát cách ly, phong tỏa để nhận hàng. Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh thì cán bộ của Hội đã thực hiện được 4 đợt hỗ trợ tiêu thụ nông sản với hơn 6 tấn. Các hộ dân trong khu vực cách ly đã khẩn trương thu hoạch, đảm bảo cung cấp đủ theo đơn đặt hàng. Bên cạnh phân phối theo sự ủng hộ của các cán bộ, nhân viên cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố thì Hội Nông dân trực tiếp giao cho các bếp ăn khu công nghiệp và hội viên nông dân kinh tế giỏi thu mua để ủng hộ khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh.

Những ngày cuối tháng 5 này, người dân TP Tuyên Quang khá quen thuộc với hình ảnh những tình nguyện viên bán hàng rau, củ tại vỉa hè với băng rôn in dòng chữ: “Giải cứu nông sản Yên Nguyên”. Các tình nguyện viên không ai khác đó chính là hội viên Hội doanh nhân trẻ tỉnh - những giám đốc công ty doanh nghiệp tự lái xe vận chuyển hàng, bốc dỡ và bán hàng. Anh Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh chia sẻ: “Bên cạnh hỗ trợ trang thiết bị y tế, kinh phí cho các chốt kiểm dịch, địa phương bị cách ly phong tỏa thì chúng tôi đã thực hiện 2 đợt tiêu thụ nông sản cho bà con. Với việc tham gia trực tiếp mọi khâu từ vận chuyển đến bán hàng, chúng tôi muốn được trải nghiệm để hiểu hơn sự vất vả khó khăn của bà con nông dân. Đồng thời muốn gửi đi thông điệp cho người mua hàng việc tuân thủ đúng quy định phòng, chống Covid-19 để người người, nhà nhà có cuộc sống được trở lại bình yên, chăm lo phát triển kinh tế”.

Ngày 30-5, trên trục đường Bình Thuận, chị Nguyễn Thị Huyền Nhung, Giám đốc Văn phòng Tổng đại lý Bảo hiểm nhân thọ Daiichi Tuyên Quang 2 đã cùng một số cán bộ, nhân viên trong Công ty đứng ra bán các loại rau, củ, quả. Nguồn hàng được đích thân các hội viên trong Hội doanh nhân trẻ thu mua tại chốt cách ly thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên. Chị Nhung chia sẻ, người dân đến ủng hộ rất đông và tất cả đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định 5K. Từ sáng đến 11h trưa mà đã bán được 1,4 tấn nông sản. Người bán nhiệt tình, người mua không mặc cả. Ai nấy đều vui vẻ vì mình đã góp sức nhỏ hỗ trợ bà con vùng dịch.


Các giám đốc doanh nghiệp của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Tuyên Quang tự tay bán hàng nông sản.  

Bánh mỳ bí đỏ và lời nhắn nhủ...

Cơ sở bánh ngọt Thu Phương, tổ 13, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) vừa ra hai sản phẩm bánh mỳ bí nho và bánh mỳ bí đỏ. Sản phẩm thu hút được thực khách bởi hương vị thơm, ngon lạ miệng. Chị Nguyễn Thị Hiền, Chủ tiệm bánh Thu Phương chia sẻ, sản phẩm được làm từ những quả bí đỏ của người nông dân thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên. Mới ngày đầu nên chị làm thử nghiệm 55 chiếc bánh mỳ và khi giới thiệu thành phần, nguồn gốc thì khách hàng đều sẵn sàng ủng hộ. Mức giá 20 nghìn đồng/chiếc. Dự kiến trong thời gian tới chị tiếp tục sản xuất thường xuyên, quảng bá và mong muốn được ký hợp đồng giao tại các nhà hàng, khách sạn phục vụ điểm tâm sáng... Bởi đối với chị Hiền việc “giải cứu” nông sản không phải trong một thời điểm mà còn lâu dài sau này.

Câu chuyện giải cứu nông sản đã không còn xa lạ. Thời gian qua, đến mùa vụ người dân lại nhìn thấy cảnh giải cứu “dưa hấu Quảng Nam”, “giải cứu vải Bắc Giang”, “Giải cứu nông sản Hải Dương”... Một số công ty, cơ sở kinh doanh đã có hướng đi để tìm đầu ra lâu dài cho nông sản. Điển hình như: bánh mỳ thanh long, bún dưa hấu, chả cá thanh long...

Rõ ràng ở Tuyên Quang việc giải cứu nông sản cho người dân vùng dịch chỉ là tạm thời. Quan trong nhất là tìm ra giải pháp căn cơ để có hướng đi lâu dài trong tiêu thụ nông sản. Theo anh Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cần xây dựng được chuỗi liên kết tạo ra sản phẩm mới vừa ổn định sản xuất vừa hỗ trợ nông dân. Ví dụ như có xưởng sản xuất bánh mỳ bí đỏ, bánh dưa hấu, tinh dầu cam... thì cần có giải pháp để liên kết với các siêu thị, nhà hàng, khách sạn bao tiêu sản phẩm.

Ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm của nông dân trong tỉnh để góp phần kích cầu trong tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường nông nghiệp. Thực trạng hiện nay thay vì tìm hiểu thông tin thị trường, địa chỉ tiêu thụ sản phẩm rồi mới đầu tư sản xuất, thì nông dân thấy một loại nông sản nào đó được giá thì tất cả đổ xô, lao vào sản xuất theo phong trào, dẫn đến dư thừa. Đến lúc đó vẫn không biết địa chỉ tiêu thụ sản phẩm ở đâu mà chỉ ngồi chờ thương lái thu mua. Nên nông dân thường xuyên bị ép giá, buộc phải bán tống bán tháo, thậm chí phải đổ bỏ. Do đó, cần có dự báo, định hướng phát triển thị trường nông nghiệp chính xác, kịp thời để tránh điệp khúc “Được giá mất mùa”, “Được mùa mất giá” hay “giải cứu nông sản”...

Phóng sự: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục