Trách nhiệm lớn lao

- Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Vì vậy, với trách nhiệm của mình, các y, bác sỹ, nhân viên y tế Tuyên Quang đã lên đường hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh chống dịch bệnh Covid-19. Mỗi người đều thể hiện quyết tâm cùng lực lượng tuyến đầu nơi này đẩy lùi dịch bệnh để phục hồi "đầu tàu" kinh tế của cả nước. Đồng thời, bảo đảm các sản phẩm hàng hóa của Tuyên Quang tại thị trường lớn nhất cả nước sôi động hơn.

Đồng nghiệp và người thân đến tiễn 35 cán bộ y, bác sỹ lên đường hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh.

Xúc động nghẹn ngào

Tại lễ xuất quân của Đoàn cán bộ y tế Tuyên Quang lên đường hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người thân, đồng nghiệp nghẹn ngào xúc động. Những giọt nước mắt thấm vào khẩu trang vì thương nhớ người thân. Dẫu biết, các anh chị lên đường sẽ chiến thắng dịch bệnh trở về, nhưng trong lòng ai nấy đều trào dâng niềm thương khó tả. "Cố gắng lên các đồng nghiệp nhé dù bao chông gai vất vả đang chờ phía trước. Mong sẽ được đón các đồng nghiệp trở về trong khúc khải hoàn ca. Cảm ơn các đồng nghiệp của tôi" - đó là chia sẻ của bác sỹ Trần Thị Kim Thoa, Quyền Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen. Bác sỹ Thoa tâm sự, trước ngày các đồng nghiệp lên đường, chị thật khó ngủ, lồng ngực cứ nghẹn lại, chỉ biết nói lời động viên nhau để góp thêm động lực cùng thành phố Hồ Chí Minh chiến thắng dịch bệnh. Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước và giờ đây, cả nước đang vì thành phố Hồ Chí Minh, đó là trọng trách cao cả mà mỗi cán bộ đã nhận thức đầy đủ khi lên đường.

Những tiếng khóc xé lòng của con trẻ khiến những người có mặt tại buổi lễ xuất quân không ai kìm lòng nổi. Cậu con trai gần 4 tuổi của điều dưỡng Lê Thị Tâm, Khoa Nhi, Bệnh viên Đa khoa tỉnh cứ ôm chặt mẹ khóc nấc. Chồng chị Tâm mặc dù đã quen với việc đi trực của vợ, nhưng lần này vợ anh đi đến “tuyến lửa” nên anh cũng không khỏi ngậm ngùi, lo lắng. Anh Hoàng Thành Trung, chồng chị Tâm chia sẻ: Anh luôn ủng hộ quyết định của vợ, gắn bó với nghề điều dưỡng, chuyên chăm sóc bệnh nhân đã hơn 10 năm nay. Anh tin vợ sẽ đóng góp nhiều kinh nghiệm chuyên môn để chăm sóc tốt các bệnh nhân nhiễm Covid-19.

 Y sỹ Lê Phi Hòa, Trung tâm Y tế Yên Sơn, tạm biệt con trai trước giờ lên đường hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh.

Trước khi lên đường hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh chống dịch, tôi đã có dịp trò chuyện cùng chị Tâm, chị chia sẻ rằng, mỗi ngày đọc thông tin hàng nghìn ca lây nhiễm tại miền Nam nên chị muốn góp sức mình vì thành phố Hồ Chí Minh ruột thịt. Dẫu con chị còn nhỏ, nhưng chị Tâm vẫn tình nguyện lên đường. Trong chị lại du dương lời bài hát "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai"... 

Những người ở lại cũng đang nỗ lực gồng gánh, lo toan cuộc sống, là điểm tựa cho những chiến sỹ áo trắng yên tâm dốc sức trong trận chiến với Covid-19. Mặc dù con lớn mới 6 tuổi và con thứ 2 mới 2 tuổi nhưng chị Lê Thị Thủy, cán bộ Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên, môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường vẫn rất ủng hộ chồng là điều dưỡng Nguyễn Tuấn Toàn, Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm xung phong tham gia đoàn “chi viện” cho thành phố Hồ Chí Minh lần này. Chị Thủy nói, công việc của chị cũng vất vả, đi làm từ sáng đến tối mới về, thậm chí nhiều hôm làm cả thứ 7 và chủ nhật. Nhưng vì trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội nên 2 vợ chồng chị luôn tự động viên, cùng nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Dẫu biết là chồng xa nhà, chị sẽ phải tự mình làm mọi việc, nhưng chị có bố, mẹ chồng giúp đỡ, động viên nên yên tâm phần nào.

Đồng nghiệp Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc chụp ảnh kỷ niệm cùng cán bộ lên đường hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh.

Đã sẵn sàng

Đợt xuất quân lần này có 3 cán bộ y, bác sỹ của tỉnh lần thứ 2 tình nguyện đi vào tâm dịch. Bác sỹ Trần Thị Hậu, 28 tuổi, Khoa Nội Tổng hợp - Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc là một trong những cán bộ lần thứ 2 lên đường đi chống dịch. Trước đó, bác sỹ Hậu cũng đã cùng 22 cán bộ, y, bác sỹ của Tuyên Quang hỗ trợ Bắc Giang chống dịch. Bác sỹ Hậu tâm sự, sau 1 tháng đi hỗ trợ Bắc Giang, chị cùng các thành viên trong đoàn đã trở về tỉnh và thực hiện cách ly tập trung 21 ngày. Trong những ngày thực hiện cách ly, chị thấy tình hình dịch ở các tỉnh miền Nam rất gay go, và mong muốn tiếp tục được góp sức nhỏ của mình vì thành phố Hồ Chí Minh. Chị không đắn đo và quyết định gia nhập đoàn cán bộ  y tế của tỉnh lên đường. 

Miền Nam đang “nóng” lên từng ngày bởi các ca bệnh Covid-19 tăng cao. Những y, bác sỹ trong đoàn tình nguyện luôn tâm niệm đến với nơi “chảo lửa” dịch bệnh là trách nhiệm, là lương y, vậy nên phải gác lại tình cảm cá nhân để vì nghĩa lớn. Anh Lê Phi Hòa, y sỹ Trung tâm Y tế huyện Yên Sơn nở nụ cười tươi rói, hồ hởi nói, 8 năm làm Bí thư Chi đoàn Trung tâm Y tế huyện, anh đã quen với các công việc tình nguyện, nhất là qua 4 đợt dịch thì có đến 3 đợt anh trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ tại chốt Kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 tại Km18 đường Tuyên Quang - Hà Nội.

 Kỹ thuật viên Nguyễn Đức Toàn, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen, chuẩn bị hành trang
 trước ngày lên đường hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh.

Dẫu biết rằng lần tình nguyện này không giống như những lần trước, nhưng có sức trẻ nên anh xung phong lên đường. Trò chuyện với chúng tôi, anh nhắc đi nhắc lại những câu chuyện đọc được trên báo về khu cách ly. Giọng anh đầy xúc động, đôi mắt hoe đỏ khi kể về những bà bầu không may trở thành F1, F0, rồi cả những trường hợp sinh con trong khu cách ly, những em nhỏ phải xa gia đình…điều đó ám ảnh anh, anh muốn làm điều gì đó tốt hơn cho họ. Được lựa chọn là 1 trong 35 cán bộ của đoàn Tuyên Quang đi trong đợt này, anh thấy vinh dự biết bao.

Đoàn công tác rời quê hương Tuyên Quang lúc 14h, ngày 26-7 và đến thành phố Hồ Chí Minh lúc 23h30p cùng ngày. Trong cuộc điện thoại ngắn ngủi với Trưởng đoàn Hà Quang Diễm, chúng tôi được biết mọi thành viên trong đoàn đã đến nơi an toàn và được nhận nhiệm vụ chăm sóc điều trị các bệnh nhân F0 tại Bệnh viện dã chiến số 10. Chiều 27-7, các cán bộ bắt đầu làm quen với công việc và ngày 28-7 đoàn bắt tay chính thức vào công việc và được chia thành các kíp. Tất cả đã sẵn sàng và cống hiến hết mình cho thành phố Hồ Chí Minh khống chế dịch bệnh.

Phóng sự: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục