Tỷ phú nhờ nuôi đặc sản

- Thỉnh thoảng ở nhà hàng, với các thực đơn dành cho khách vip như thịt dúi, thịt cầy… nhiều người lầm tưởng sao thịt thú rừng ở đâu ra nhiều thế?. Đến khi được mục sở thị trang trại nuôi dúi và cầy vòi mốc của anh Đỗ Văn Dũng ở thôn Ao Búc, xã Trung Yên (Sơn Dương) với hàng nghìn con, tôi mới vỡ lẽ, hóa ra những con “đặc sản” vốn được nuôi từ đây và trở thành thương phẩm giúp đem lại tiền tỷ cho chủ nhân của nó.

 “Bén duyên” với dúi


Anh Đỗ Văn Dũng.

Hơn 10 năm trước, từ 1 chuyến đi lên Hà Giang chơi, anh Đỗ Văn Dũng, thôn Cả, xã Tân Trào (Sơn Dương) thấy những người đi rừng bắt được những con dúi béo đem về làm thịt hoặc bán. Trong đầu anh nghĩ, nếu cứ khai thác thú từ rừng như vậy thì chẳng mấy chốc mà hết động vật hoang dã, trước cha ông ta đã thuần phục những con vật hoang dã để trở thành “vật nhà” vậy tại sao mình không thử. Nghĩ là làm, anh Dũng đã tìm đến một số hộ nuôi dúi nhỏ lẻ ở Hà Giang để tìm mua dúi giống và trở về quê nhân giống, ấp ủ ước mơ làm giàu.

Đúng như lời các cụ bảo “vạn sự khởi đầu nan”, những chuồng nuôi dúi đóng bằng gỗ, tre của anh Dũng đều bị lũ gặm nhấm phá tan hoang. Có những hôm lũ dúi sổng chuồng chạy tán loạn, vợ chồng anh soi đèn tìm cả đêm mà chẳng bắt lại được 1 con nào. Lại có chuồng dúi bị tiêu chảy chết sạch. Thấy vậy, người thân khuyên anh Dũng bỏ ngay ý định gàn dở song anh đều gạt đi, anh cho rằng mới thất bại lần đầu mà đã bỏ cuộc thì chẳng đáng làm trai. Anh Dũng bảo “đã thế mình càng phải quyết tâm làm đến cùng, bao giờ thành công thì thôi”. Anh Dũng “cắm” sổ đỏ vay ngân hàng và một lần nữa ngược lên vùng biên viễn tìm mua lại dúi giống trong dân, lần này anh còn mang về cả  giống dúi mốc của Trung Quốc. Từ bài học thất bại lần trước, lần này anh Dũng tìm hiểu kỹ cách nuôi loài gặm nhấm, xây chuồng có mái che, chuồng nuôi lát bằng gạch men, đổ bê tông cẩn thận, thức ăn được lựa chọn kỹ trước khi cho dúi ăn. Thức ăn của loài dúi chủ yếu là các loại cây như tre, mía, ngô... nên rất dễ kiếm, tính trung bình mỗi ngày 1 con dúi chỉ ăn hết khoảng 200 đồng tiền mua thức ăn.

Từ hơn chục đôi dúi giống ban đầu anh Dũng đã nuôi và nhân lên hàng trăm và hàng nghìn con như hiện nay. Hiện trại dúi của anh Dũng có gần 8.000 con, trở thành trại dúi lớn nhất miền Bắc, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh. Chị Hoàng Thị Hương, vợ anh Dũng kể: “Cũng may là lần ấy mô hình nuôi dúi thành công chứ thất bại thì không biết gia đình lấy tiền đâu trả nợ ngân hàng. Đúng là để thành công thì không có chỗ cho sự do dự và sợ sệt”.

Hướng đi mới trong phát triển kinh tế

Từ một trại dúi ở xã Tân Trào (Sơn Dương) đến nay, gia đình anh Dũng và các anh em trong gia đình đã góp vốn mở thêm 2 trại dúi lớn ở Trung Yên. Không dừng lại ở đó anh còn nuôi và nhân giống thành công giống cầy vòi mốc với 2 trại nuôi. 5 trại nuôi dúi và cầy vòi mốc của gia đình anh Dũng đã tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương với mức thù lao hàng tháng đạt từ 8 đến 12 triệu đồng/tháng, nhiều lao động nghèo nhờ gia đình anh giúp đỡ đã vươn lên thoát nghèo hiệu quả.

Anh Nguyễn Văn Khoa ở thôn Đa Thọ, xã  Đông Thọ (Sơn Dương) làm việc tại trại dúi của gia đình anh Dũng 6 năm nay, chia sẻ: “Trước đây gia đình anh nghèo lắm, được nhận vào làm việc tại trại dúi có thu nhập đều hơn chục triệu tháng, có tháng làm tốt anh còn được thưởng thêm từ 3 đến 5 triệu đồng đã giúp gia đình anh rời xa nghèo đói”. Anh Khoa cho rằng, ở Sơn Dương hiếm có mô hình chăn nuôi nào lại đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi dúi của anh Dũng.

Lý giải về việc có những tháng thưởng cho lao động cao như vậy anh Dũng chủ trại nuôi dúi lý giải: “Bình thường dúi đến tháng thứ 6 hoặc 8 là đến tuổi sinh sản, trung bình mỗi lứa 1 dúi giống đẻ từ 3 con nhưng chăm sóc tốt có thể đẻ đến 6 con, lợi nhuận chính từ đây, người được thuê chăm sóc tốt thì thưởng cho họ cũng là xứng đáng”.

Anh Đỗ Văn Dũng chăm sóc đàn dúi của gia đình.

Đối với anh Dũng, không có sự đánh đồng mà phải trên công việc cụ thể nên anh thường khoán việc cho từng người lao động, từng bộ phận có thưởng, phạt phân minh. Đối với hệ thống chuồng nuôi được anh xây dựng quy củ, có hệ thống làm mát, thoáng khí vừa mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông đã trở thành điều kiện lý tưởng để dúi và cầy vòi mốc phát triển. Từ mô hình trang trại, mỗi năm gia đình anh Dũng xuất bán từ 10 đến 12 tấn dúi và cầy vòi mốc thịt cho đầu mối là các nhà hàng, khách sạn lớn ở trong và ngoài tỉnh đem lại thu nhập từ 8 đến 10 tỷ đồng.

 Anh Dũng cho biết, trong quá trình nuôi và xuất bán “đặc sản” đều có xác nhận của lực lượng chức năng về nguồn gốc vật nuôi và kiểm định dịch bệnh. Do vậy, sản phẩm của trang trại nuôi đến đâu bán hết đến đó, không sợ ế và giá luôn cao. Trung bình hiện nay, giá dúi thịt gia đình anh bán từ 600 đến 650 nghìn đồng/kg, giá cầy vòi mốc từ 2 đến 2,5 triệu đồng/kg. Ngoài ra anh còn xuất bán con giống cho những người có nhu cầu mua về nuôi.

Với việc sở hữu các trại dúi có diện tích từ 2.000 đến 6.000 m2, gia đình anh Dũng sở hữu khối tài sản lớn, là tỷ phú ở địa phương. Mô hình kinh tế của anh Dũng cũng mở ra hướng đi mới trong phát triển cây, con “đặc sản” ở vùng quê. Đồng chí Nguyễn Ngọc Chinh, Chủ tịch UBND xã Trung Yên cho biết, mô hình nuôi dúi của anh Dũng là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương. Trong thời gian tới xã sẽ có hướng xây dựng mô hình trên thành địa chỉ để bà con nhân dân trong xã đến học tập, tham quan để từ đó nhân rộng, phát triển mô hình này nhằm nâng cao thu nhập cho bà con, góp phần thực hiện thắng lợi công tác giảm nghèo ở địa phương.

Nhờ sự táo bạo, dám nghĩ dám làm anh Đỗ Văn Dũng đã thực sự trở thành một điển hình trong phong trào “nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”. Từ mô hình kinh tế hiệu quả đã góp phần làm giàu cho quê hương.

Phóng sự: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục