Ước vọng mùa cơm lam

- Đi dọc tuyến quốc lộ 37 đoạn qua Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) người ta đã quen với những ô bếp lửa nghi ngút khói bên đường. Ấy là lúc bà con nơi đây đang “làm nghề” của mình. Những ống cơm lam trắng muốt được làm từ gạo nếp thượng hạng còn thơm mùi tre mới dần hiện lên trong ánh lửa bập bùng. Ngọn lửa ấy vẫn cháy suốt hơn 20 năm qua như khát vọng về một mùa cơm lam mới…  

“Ông tổ” nghề

Theo chị Trương Hồng Vân, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ 5, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang), chúng tôi tìm đến “làng” cơm lam. Chị Vân bảo, gọi vui là “làng” vì cái nghề này cũng đã gắn với bà con từ rất lâu rồi. Hơn 20 năm là quãng thời gian đủ để một đứa trẻ trưởng thành, rời quê hương đi làm ăn xa để rồi nỗi nhớ hương vị cơm lam tuổi thơ thi thoảng vần vũ kéo về như cơn mưa mùa hạ. Xe máy đỗ xịch lại trước một bếp lửa nghi ngút cùng những ống cơm lam chất đầy. Chị Vân bảo tôi chờ một lát, chị mời bà cụ Tạ “tổ nghề” sang.

Đã quá tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng bà Hà Thủy Tạ vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Năm 1995, bà theo chồng là ông Mông Trí Thức, Giám đốc Bệnh viện Suối khoáng lúc bấy giờ về đây. Khi ấy, nơi đây vẫn là một làng quê nghèo với những người nông dân cần cù, chân chất.

Bà Hà Thủy Tạ (thứ 2 từ bên phải) là người truyền nghề làm cơm lam cho bà con tổ 5, phường Mỹ Lâm.

Nhấc ống tre còn xanh mướt kế bên bếp lửa, bà gật gù bảo “ống này được!”. Rồi bà tiếp, thứ tre được chọn làm ống lam phải là loại tre gai bánh tẻ vừa mới trổ cờ. Tre ấy có độ ngọt và còn lớp màng trắng bên trong. Người ta mang tre về, cưa thành từng ống bằng 2 gang tay người lớn, xóc rửa sạch rồi để ráo nước. Lòng ống lam cho vừa 2 ngón tay chính là những ống chuẩn đẹp. Để có cơm ngon thì gạo cũng phải ngon. Gạo nếp cái hoa vàng ngâm trong 8 tiếng rồi đãi thật sạch đến khi nước trong. Ấy là đạt.

Bên bếp lửa bập bùng được đun bằng gỗ chắc và tre, những ống cơm lam dần sủi lăn tăn. Trước đây bà con nơi đây chỉ trông chờ vào đồng ruộng. Thế nhưng ông bà Tạ Thức về truyền dạy cách làm cơm lam, thịt gác bếp, lạp xưởng, măng chua phục vụ khách đến tắm khoáng chữa bệnh, nghỉ dưỡng… đã giúp cuộc sống nơi đây khấm khá hơn từng ngày. Những năm 2000 - 2001, có những lúc đơn hàng lên đến hàng nghìn ống cơm. Làng xóm láng giềng lúc bấy giờ vui như gói bánh chưng ngày Tết. Bà con lối xóm, thanh niên trai tráng hò nhau cùng làm. Người cưa ống, người vo gạo, người giã vừng... Canh bếp củi là khâu khó nhất bởi lửa phải vừa đều thì cơm mới chín và thơm ngon, phần này ông bà Tạ Thức phụ trách.

Lửa vừa đủ sẽ làm nên những ống cơm lam thơm ngon.

Giờ đây, hơn 15 hộ bám trụ được với nghề đã sửa sang, xây dựng lại nhà cửa khang trang, nuôi dạy được con cái ăn học thành đạt. Người dân vẫn đùa vui rằng, ông Thức đã “thức tỉnh” nơi đây. Giờ ông đã đi xa, thế nhưng người ta vẫn dành cho ông một sự kính trọng đặc biệt và thường nhắc đến ông với tên gọi  “ông tổ nghề cơm lam”.

Ước vọng mùa cơm lam mới

Phần cơm lam tôi “đặt gạch” đã chín. Lăn nhẹ trên tay ống cơm lam nóng hổi cho lớp vỏ mềm ra, mùi cơm mới hòa quyện với mùi man mát của tre thanh sạch. Cách thưởng thức cơm lam cũng giản dị và thuần khiết như nguyên liệu làm nên chúng. Miếng cơm dền dẻo chấm với muối vừng đen rang thơm bùi bùi béo ngậy khiến người ta cảm thấy ấm no kỳ lạ. Có lẽ bởi vậy mà du khách đến nơi đây ngâm mình trong suối nước nóng, trở ra bụng đói cồn cào, được thưởng thức một miếng cơm lam thì thấy ngập tràn hạnh phúc.

Chia tay cụ Tạ, tôi ghé thăm gia đình ông Nguyễn Văn Chín. Ông là một trong những người hiếm hoi nơi đây bám trụ với nghề làm cơm lam ngay cả trong mùa dịch. Ông bảo, không có khách du lịch thì ngày ông vẫn làm dăm ba chục ống bán cho tài xế xe tải hoặc khách đi đường. Vừa nói, tay ông vừa thoăn thoắt vót đi phần vỏ đen bên ngoài của ống cơm lam nóng hổi. Trên lưỡi dao sắc bén còn hằn vết lõm dài như minh chứng của một nghề bám trụ với thời gian.

Bên kia đường, dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Tuyên Quang do tập đoàn Vingroup đầu tư đang dần đi vào hoàn thiện. Ông Chín bảo, sau này dịch bệnh qua đi, nơi này sẽ là điểm đến sầm uất đón du khách đến thăm thú, nghỉ dưỡng. Lúc ấy, những bếp cơm lam sẽ lại rực đỏ lửa. Cùng với những sản vật độc đáo của Mỹ Lâm, cơm lam sẽ trở thành món quà quý gửi thực khách.

Cơm lam chấm với vừng đen là món ăn mộc mạc thu hút thực khách.

Ngôi nhà nhỏ của chị Phạm Thị Dũa nằm ở đối diện cổng vào khu nghỉ dưỡng Vinpearl. Suốt 20 năm gắn bó với nghề làm cơm lam, bếp của nhà chị chưa bao giờ ngừng đỏ lửa. Trung bình mỗi tháng chị làm từ 1.000 - 1.500 ống cơm gửi cho thực khách ở Hà Nội, Yên Bái, Bắc Ninh… Chị bảo rằng, cơm lam ở đây có hương vị đặc trưng riêng nên người thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi. Nhìn sang phía bên những tòa nhà cao tầng nhiều màu sắc đối diện, chị trầm tư hơn. Chị đang truyền dạy lại nghề cho con trai của mình. Chị cười bảo: “Thằng bé nhanh nhẹn, được việc lắm!”. Nhìn con trai rồi chị lại thỏ thẻ, hy vọng mùa cơm lam sau này sẽ khác. Cơm lam sẽ được gây dựng thương hiệu như chè Ngọc Thúy, như rượu ngô Na Hang, như thịt trâu Chiêm Hóa… trở thành sản vật nông sản quý đứng vững trên thị trường. Ngày đó, màu sắc của khu nghỉ dưỡng mới sẽ hòa quyện với sức sống nghề cơm lam của người dân bản địa. “Làng” cơm lam khi ấy sẽ ngập tràn niềm vui của sự ấm no.

Đồng chí Trần Kim Chung, Bí thư Đảng ủy phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) cho biết, thời gian tới, cùng với sự phát triển của du lịch địa phương, đặc sản cơm lam cũng như những sản vật địa phương sẽ có điều kiện phát huy giá trị. Đảng ủy, chính quyền phường luôn tạo điều kiện, động viên bà con phát triển, giữ vững nghề để tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo níu chân du khách thập phương.

Chia tay “làng nghề” cơm lam, tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh bà cụ Tạ cầm trên tay tấm hình lưu niệm chụp cùng du khách Pháp thưởng thức cơm lam năm nào. Có lẽ, cơm lam không chỉ là niềm tự hào của ông bà Tạ Thức mà còn là sự hy vọng của bao hộ dân nơi đây. Niềm hy vọng về một ngày mai ấm no, đủ đầy trong mùa cơm lam mới…

Phóng sự: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục