Về Truông Bồn rưng rưng nước mắt

- Ngược miền Tây xứ Nghệ, về với Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, trong không gian trang nghiêm, tĩnh lặng, giọng thuyết minh của hướng dẫn viên cùng nền nhạc bài hát “Nhớ về Truông Bồn” khiến ai nấy đều ngậm ngùi xúc động. Câu chuyện về sự hi sinh anh dũng của 13 chiến sỹ thanh niên xung phong trong cuộc chiến chống Mỹ khốc liệt năm xưa dần được tái hiện đầy bi hùng… 

Đoàn đại biểu Báo Tuyên Quang dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.

Huyền thoại Truông Bồn

Về Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) trong những ngày tháng 7 khi cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022) với nhiều hoạt động tri ân các gia đình chính sách, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ, càng thấy thấm thía hơn giá trị của hòa bình hôm nay. Để bảo vệ Tổ quốc, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rất nhiều Anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Trong đó, câu chuyện về sự hi sinh anh dũng của 13 chiến sỹ thanh niên xung phong thuộc Đại đội 317, thuộc tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, hy sinh vào rạng sáng ngày 31/10/1968 khiến ai nấy đều lặng đi. Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Truông Bồn được coi như là “tuyến lửa”, lượng bom đạn mà kẻ thù trút xuống mảnh đất này ngày càng dày đặc.

Cung đường độc đạo Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, bởi là nơi kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Truông Bồn là nút giao thông trọng điểm trên tuyến đường chiến lược 15A, là yết hầu vận tải chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nắm được vị trí chiến lược của Truông Bồn, đế quốc Mỹ rải bom đạn huỷ diệt, hòng cắt đứt mạch máu giao thông của ta. Chỉ tính từ năm 1964 - 1968, chúng đã trút xuống nơi đây gần 20 nghìn quả bom các loại, hàng chục ngàn quả tên lửa. Trung bình mỗi mét đất nơi đây phải hứng chịu 3 quả bom. Với số lượng bom đạn khủng khiếp như vậy, Truông Bồn được ví là hố bom của miền Bắc. Giữa mảnh đất bom cày đạn xới, khi mà cái chết luôn cận kề, nhưng hàng vạn con người nơi đây đã vượt lên bom đạn, vất vả thiếu thốn, ngày đêm bám trận địa.

Đoàn đại biểu Báo Tuyên Quang dâng hương tại mộ tập thể 13 chiến sỹ TNXP tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.

Để đảm bảo tiếp vận cho chiến trường miền Nam, tỉnh Nghệ An và Quân khu 4 đã huy động 13 đơn vị quân đội, 9 đại đội TNXP cùng các lực lượng ngành giao thông vận tải, dân quân địa phương tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu để bảo vệ tuyến đường. Khó khăn, gian khổ, nhưng với quyết tâm sắt đá “tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc" hàng vạn con người nơi đây đã vượt lên bom đạn, vất vả thiếu thốn ngày đêm bám trận địa, san lấp hố bom, mở đường, phá bom, đêm về thay nhau làm “cọc tiêu sống” dẫn đường cho từng chuyến xe qua, chúng ta đã giữ vững mạch máu giao thông, đào đắp hàng triệu m3 đất đá, đưa hơn 94 nghìn lượt xe cơ giới, vận chuyển và giải tỏa hơn 1 triệu tấn hàng vượt qua Truông Bồn theo sát các đoàn quân vào chiến trường Miền Nam.

Trong cuộc chiến sinh tử này, 1.240 cán bộ, chiến sỹ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh, tiêu biểu là sự hy sinh của 13 Thanh niên xung phong Đại đội 317 ngày 31/10/1968. Đó là một đêm không ngủ, đơn vị đang tổ chức liên hoan chia tay các đồng chí được xuất ngũ, thì nhận được mật lệnh của cấp trên, yêu cầu đảm bảo thông đường để đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn trước khi trời sáng, mọi người lập tức ra trận địa, ai cũng hồ hởi, náo nức lạ thường, họ chia nhau từng ngụm nước, ăn chung vắt cơm nguội độn mì, kể cho nhau nghe những ngày nhường cơm sẻ áo, chia bom sẻ đạn, bao nhiêu dự định... khi công việc sắp hoàn thành, bất ngờ, hàng chục chiếc máy bay gầm rú lao tới ào ạt trút bom xuống Truông Bồn. Tiếng nổ rung chuyển cả núi đồi, bầu trời lả tả rơi xuống những mảnh áo, những cán xẻng, cành cây, cả những vành nón mũ… Đội hình tiểu đội 2 đã bị vùi nát dưới trận bom dữ dội... Khói bom chưa tan, đồng đội hớt hải chạy ra, gào thét: "Có ai còn sống không, có ai còn sống không... chết hết cả rồi sao?"... Tiếng gọi thảm thiết vọng dài vào rừng núi, nhưng không một ai trả lời... Bỗng có một nòng súng nhô lên mặt đất, đồng đội nhào tới, lấy tay bới đất như điên như dại, một lúc thì túm lôi được lên, cơ thể vẫn còn ấm, đồng đội chưa kịp cứu thì máy bay địch lại gầm rú lao tới trút bom xuống trận địa, cả Truông Bồn chìm trong biển lửa, trên đoạn đường chỉ có chiều dài 120m nhưng đã phải hứng chịu 170 quả bom phá, 13 chiến sỹ hy sinh, thân xác tan vào đất đá, cỏ cây, tất cả những gì tìm được chỉ là những phần thi thể không nguyên vẹn hình hài.

Đồng chí Mai Đức Thông, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong Truông Bồn.

“Những cái chết hóa thành bất tử”

Điều làm chúng ta khắc khoải, nhói đau bởi trận bom tàn khốc ấy đã cướp đi sinh mạng của 11 cô gái và 2 chàng trai khi mà chỉ còn ít giờ nữa, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom trên toàn miền Bắc, chỉ còn ít giờ nữa thôi họ sẽ bước chân về phía hòa bình. Họ ngã xuống ở cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời, người ít nhất vừa tròn 17 tuổi, người nhiều nhất cũng chỉ mới 22 tuổi. Trong số 13 người hy sinh có 8 người đã được xuất ngũ nhưng vẫn tình nguyện ở lại làm việc với đơn vị một ngày cuối cùng, trong đó có 4 chị chuẩn bị bước vào giảng đường, giấy báo nhập học đại học vẫn đang gói trong từng chiếc khăn mùi soa… có chị mất, người yêu cũng vừa hy sinh ở chiến trường Quảng Trị…

Có thể nói, những nỗi đau không thể nói thành lời, có những hy sinh không sử sách nào ghi hết, họ đã gạt qua bao nhiêu nước mắt, nỗi nhớ, niềm thương để sống và chiến đấu vì lý tưởng chung của cả dân tộc, họ đã lấy máu xương, tuổi thanh xuân cao quý của mình để hiến dâng cho Tổ quốc, đó là kết tinh cao đẹp nhất tinh thần yêu nước, của ý chí quyết thắng chống giặc ngoại xâm, của lòng dũng cảm, nhân phẩm, lương tri và khát vọng hòa bình, để viết nên huyền thoại Truông Bồn trong thế kỷ 20.

Lãnh đạo, cán bộ Báo Tuyên Quang trò chuyện với Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, lòng yêu nước

Ghi nhận sự cống hiến và hy sinh oanh liệt của các chiến sỹ Truông Bồn, tiêu biểu là sự cống hiến và hy sinh oanh liệt của 13 chiến sỹ Thanh niên xung phong “Tiểu đội thép”, ngày 12/1/1996, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin có Quyết định số 51/QĐ-BT công nhận Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước có Quyết định số 1304/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 13 chiến sĩ TNXP Truông Bồn thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An. Trong đó, 11 chiến sỹ nữ và 2 chiến sỹ nam đã anh dũng hy sinh. Với ý nghĩa to lớn đó và được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhằm xây dựng Truông Bồn trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, ngày 19/4/2010, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 1591/QĐ-UBND-CNXD phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Cùng với tỉnh Nghệ An, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông - Vận tải và nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đã đầu tư, quyên góp, ủng hộ xây dựng, tôn tạo Khu di tích trên diện tích 217.327m2 và được hoàn thành vào tháng 7/2015…

Phóng viên Báo Tuyên Quang thăm khu chiến tích bãi bom tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.

Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất thiêng Truông Bồn năm xưa đã trở thành địa chỉ, biểu tượng về sự hi sinh anh dũng của lực lượng thanh niên xung phong, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước, niềm tự hào của các thế hệ người dân Việt Nam hôm nay và mai sau..

Với tấm lòng biết ơn sâu sắc, Đoàn đại biểu của Báo Tuyên Quang do đồng chí Mai Đức Thông, Tỉnh ủy viên, Tổng biên tập Báo Tuyên Quang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến dâng hương, tưởng nhớ 13 chiến sỹ Thanh niên xung phong đã hi sinh trong trận chiến ác liệt năm nào. Buổi chiều trời xứ Nghệ nắng cháy da, cháy thịt càng làm đoàn người như thổn thức, cảm phục trước mảnh đất linh thiêng và sự hinh sinh anh dũng năm nào.

Người dân đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn trong tháng 7-2022.

Nhiều cán bộ, phóng viên Báo Tuyên Quang mới chỉ biết đến Truông Bồn qua sử sách giờ đây được đến tận nơi nghe những câu chuyện, chứng kiến khung cảnh của Khu di tích lịch sử Quốc gia Truồng Bồn… đã không giấu được những giọt nước mắt, khó có thể tưởng tượng được “mảnh đất chết” năm xưa giờ đã được hồi sinh trở thành một khu du lịch với cảnh quan, cây xanh, khuôn viên khang trang, sạch đẹp…

Ông Phan Trọng Lộc, Giám đốc Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn cho biết, Truông Bồn đã và đang là điểm đến du lịch tâm linh của nhân dân khắp mọi miền cả nước, hằng năm Khu di tích đón tiếp hơn 500.000 lượt khách về thăm viếng, tri ân. Hơn thế, Truông Bồn còn trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Ghi chép: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục