Vườn tiền tỷ ở Bình Xa

- Những vườn bưởi ngọt, bưởi da xanh được chăm sóc theo hướng hữu cơ ở thôn Đo, xã Bình Xa (Hàm Yên) đang là sự khác biệt trong sản xuất nông nghiệp so với các địa phương khác. Điều đó đã đem lại cuộc sống ấm no, sung túc cho người nông dân. Anh Vương Ngọc Mừng, thôn Đo bảo rằng, đó là cả một giấc mơ...

Những vườn bưởi tiền tỷ

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn bưởi Diễn trên 10 năm tuổi, được đánh luống, lên hàng đều tăm tắp, cành lá tỉa gọn gàng, đúng độ hàng vạn quả bưởi đang thì "con gái", anh Vương Ngọc Mừng, người trồng bưởi nhiều nhất ở thôn Đo, giới thiệu: vườn bưởi Diễn này gần 700 cây, hàng cách hàng 7 m, cây cách cây 6 m. Anh đúng tên Mừng, lúc nào cũng vui. Anh bảo, đấy là tiêu chuẩn của chuyên gia, lại còn phải có cả hệ thống tưới nước, tưới phân hữu cơ tự động, phòng trừ sâu hại bằng chế phẩm sinh học và đánh bẫy, hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học.

Nhìn những quả bưởi căng tròn, anh Mừng nói vui: quả bưởi đang độ "con gái", kiêng động chạm vào nhiều, có hơi người lạ, ong bướm đến nhiều hơn... Điều này khiến tôi khá bất ngờ, hẳn thế, cái gì tốt, cái gì đẹp cũng phải nâng niu, giá trị có được ở chỗ đó. Rồi anh Mừng cẩn thận tỉa những quả bưởi không đạt tiêu chuẩn trên những chùm bưởi sai trĩu cành; rồi treo lại bẫy ruồi vàng... Đấy, các bác xem, nghề làm vườn như nuôi con mọn, nếu không đám quả đang thì con gái kia rất dễ nhiễm bệnh.

Vườn cam hữu cơ của anh Lê Thanh Tú.

Bưởi Diễn không phải cây trồng mới, nhưng là một trong những cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao so với các cây trồng có cùng khung thời vụ. Cây bưởi Diễn cho thu hoạch ổn định khi đạt từ 7 - 10 năm, tuy nhiên không phải đất nào, cách chăm sóc nào cũng phù hợp, người trồng phải tìm được hướng đi riêng cho mình, phù hợp với điều kiện vườn và đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng thì mới mang lại giá trị cao. Lúc đầu, gia đình anh trồng và chăm sóc theo hướng vô cơ nhưng nhận thấy cây có sức sống "giả", đất ngày càng chai lỳ, thiếu độ xốp nên đã chuyển hướng dần sang hữu cơ. Mất 3 năm chuyển đổi, hiện 3 ha bưởi Diễn và 2 ha cam Vinh chuyển chăm sóc hữu cơ, cũng nhờ thế mà quả bưởi, quả cam có "thương hiệu" không đủ bán. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá bưởi thấp một nửa so với trước nhưng bưởi vườn anh vẫn bán được 20 nghìn/quả, cao gấp đôi giá thị trường, riêng tiền bưởi đạt gần 900 triệu đồng, giảm so với năm trước 300 triệu đồng. Anh Mừng cũng thừa nhận, chuyển sang chăm sóc hữu cơ mất ít nhất 3 năm vì phải để đất "thở" hết chất độc hại, tái tạo lại. Thời gian chuyển đổi này sản lượng, chất lượng, lợi nhuận đều đi xuống nhưng khi đã chuyển đổi thành công thì không chỉ giá trị kinh tế tăng, đất đai phục hồi mà sức khỏe người làm vườn, người tiêu dùng, môi trường được đảm bảo. Vì thế khó cũng phải chuyển sản xuất hữu cơ.

Cạnh đó, vườn bưởi Diễn của gia đình chị Nguyễn Thị Huyền cũng đã 10 năm tuổi, mỗi năm cho thu khoảng 1,5 tỷ đồng. Chị Huyền khẳng định, cây bưởi Diễn khá hợp với thổ nhưỡng ở thôn Đo. Tuy nhiên, để phát triển hiệu quả thì phải có kỹ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật, quả mới đạt chất lượng, hiệu quả kinh tế. Vườn của gia đình sản xuất theo hướng hữu cơ, phân bón chủ yếu sử dụng cá, đậu tương ủ để bổ sung khoáng chất cho đất và cây trồng. Đã 3 năm nay, 5 ha bưởi Diễn, đào đường, da xanh của gia đình cho thu nhập ổn định từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng/năm.

Hiện nay, ở thôn Đo có 30 hộ có vườn từ 0,5 ha đến 6 ha, chủ yếu trồng bưởi đặc sản như bưởi Diễn, da xanh, đào đường. Nhiều vườn có thu nhập tiền tỷ, số tiền mà trước kia người nông dân ở xóm núi này không bao giờ nghĩ tới.

Mở hướng sản xuất hữu cơ

Năm 2020, người dân thôn Đo đã liên kết thành lập Hợp tác xã hữu cơ rau quả Quang Mừng để xây dựng nhãn hiệu cho quả bưởi, quả cam do anh Mừng làm Giám đốc Hợp tác xã. Mục tiêu là vừa chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vườn, vừa giúp nhau về vốn, tiêu thụ sản phẩm và thực hiện cam kết chuyển sang sản xuất hữu cơ. Hiện hợp tác xã đã có 10 ha áp dụng hoàn toàn sản xuất hữu cơ và 5 ha đang chuyển dần sang canh tác hữu cơ.

Vườn bưởi Diễn hữu cơ của anh Vương Ngọc Mừng.

Anh Mừng bảo, điểm nổi bật trong thực hiện vườn bưởi mẫu của hợp tác xã là áp dụng các tiến bộ công nghệ vào sản xuất để giảm chi phí, dùng phân bón hữu cơ, phân vi sinh cho cây bưởi, nên chất lượng sản phẩm cao hơn so với làm truyền thống. “Đã biết rõ đặc tính của cây bưởi, nên xã viên đã thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong quá trình chăm cây như tỉa cành, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, kích thích ra hoa, thụ phấn bổ sung. Trong đó, quan trọng nhất là tăng khả năng thụ phấn chéo cho cây bằng phương pháp trồng xen trong vườn một số giống bưởi khác…” - anh Mừng nói.

Vườn bưởi da xanh, cam Vinh rộng 1,6 ha của anh Lê Thanh Tú được trồng và chăm sóc hữu cơ, đang phát triển tốt, hứa hẹn một mùa thắng lợi. Nâng quả bưởi da xanh sáng bóng trên tay, anh Tú khoe: thời điểm này, quả đã đạt từ 5 - 6 lạng thì khi chín sẽ đạt 1,2 kg, đạt tiêu chuẩn quả loại A, giá bán sẽ rơi vào khoảng 35 - 45 nghìn đồng/quả. Anh Tú mới trồng nên khi vào hợp tác xã, anh được các thành viên truyền  lại kỹ thuật chăm sóc vườn từ cách bón phân, tỉa cành, chăm quả. Anh Tú bảo, nếu tự mày mò thì phải mất cả chục năm mới thạo, may có các xã viên "cầm tay chỉ việc" nên anh nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật. Mấy tháng nữa được thu năm đầu bưởi da xanh, hy vọng sẽ đem đến cho người tiêu dùng sự hài lòng nhất khi thưởng thức những quả bưởi da xanh sạch của thôn Đo.

Kinh tế vườn ở thôn Đo đã và đang khẳng định sự vượt trội, lan tỏa phong trào cải tạo vườn tạp thành sản phẩm hàng hóa, tạo sinh kế, tăng thu nhập ở Bình Xa. Đồng chí Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Xa cho biết: xã hiện có 60 hộ dân sản xuất theo hướng hàng hóa với tổng trên 70 ha trồng các cây ăn quả chủ lực như bưởi Diễn, đào đường, da xanh và cam Vinh. Thu nhập từ vườn đạt tư 100 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng. Bình Xa được các cơ quan chức năng của tỉnh đánh giá là xã đứng đầu tỉnh chuyển đổi, cải tạo vườn tạp thành vườn có thu nhập cao. Giúp người dân nâng cao giá trị cây trồng và phát huy thế mạnh của địa phương, UBND xã đang thực hiện đăng ký OCOP cho sản phẩm bưởi hữu cơ ở thôn Đo để lan tỏa phong trào chuyển đổi từ sản xuất vô cơ sang sản xuất hữu cơ. Ngoài thôn Đo thì xã còn nhiều mô hình vườn có diện tích lớn, cho thu nhập hàng tỷ đồng, điển hình như vườn của gia đình ông Vương Ngọc Dũng, Trần Xuân Hạnh, Vương Ngọc Cương ở thôn Thọ Bình 2...

Dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi, những người nông dân ở thôn Đo, Bình Xa đã nâng tầm giá trị của kinh tế vườn. Những quả bưởi, quả cam sạch mang nhãn hiệu Hợp tác xã hữu cơ rau quả Quang Mừng không chỉ đem lại cho người nông dân thu nhập hàng tỷ đồng mà còn mở ra hướng phát triển nông sản hữu cơ trên đất Bình Xa.

Phóng sự: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục