Cội nguồn sức mạnh nền quốc phòng toàn dân

- Bài cuối: Phát huy vai trò của đảng viên trong DQ và DBĐV

Bài 1: Tìm giải pháp phát triển đảng viên trong lực lượng DQTV, DBĐV

Đảng viên là DQ, DBĐV là những công dân ưu tú của Đảng gửi trong dân. Họ là những người thường xuyên, trực tiếp gần dân, hiểu dân nhất; cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân. Phát huy vai trò người đảng viên ở cơ sở, đảng viên DQ, DBĐV không chỉ tham gia xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh, toàn diện mà còn góp phần tạo nguồn cán bộ nòng cốt ở cơ sở. Qua đó, củng cố xây dựng lòng tin của nhân dân vào Đảng, Quân đội.

Những cán bộ từ DQ, DBĐV

Để tạo nguồn cán bộ, cơ quan Quân sự các cấp, các địa phương đã chú trọng phát triển Đảng trong lực lượng DQ, DBĐV gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí cán bộ. Qua đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Quân sự cơ sở, góp phần không nhỏ vào củng cố bộ máy chính quyền ở cơ sở. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn tỉnh có trên 30 Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã trưởng thành, phát triển lên vị trí cao hơn như: Bí thư, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và các chức vụ khác.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Khẻ, xã Thượng Nông (Na Hang) nắm bắt tình hình khu dân cư thông qua người uy tín của thôn.

Liên tục trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy và chính quyền xã Tứ Quận (Yên Sơn) đạt trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, xã hoàn thành thắng lợi mục tiêu về đích nông thôn mới trong năm 2020. Đóng góp vào thành quả ấy có 1 phần công sức của đồng chí Hà Xuân Tiệp, Chủ tịch UBND xã. Anh Tiệp được kết nạp Đảng trong quân ngũ, xuất ngũ về địa phương năm 2000. Giai đoạn 2002 - 2006, anh được tín nhiệm giao làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn... Là người nhanh nhẹn, tháo vát, trách nhiệm, anh được cử đi học Trung cấp chuyên nghiệp Quân sự cơ sở, năm 2008, anh được bổ nhiệm Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã. Sau 7 năm trên vị trí này, đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, anh được giao đảm nhiệm Chủ tịch UBND, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tứ Quận.

Nhìn lại cả quá trình công tác, anh Tiệp bộc bạch, trước tiên phải làm tốt vai trò của người đảng viên, bất kể ở vị trí công tác nào, phải tận tụy, trách nhiệm. Anh luôn biết ơn quãng thời gian là Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã, coi đó là cơ hội để anh rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, tác phong, chuyên môn nghiệp vụ.

Đối với thôn, bản, tổ dân phố, dưới sự lãnh đạo, rèn luyện của Đảng, Quân đội, đảng viên DQ và DBĐV cũng phát huy vai  trò, xây dựng lòng tin với cấp ủy, chính quyền, nhân dân, được “Đảng cử, dân bầu” và trở thành cán bộ chủ chốt của thôn, bản.

“Là đảng viên, chúng tôi xác định được vai trò, trách nhiệm, luôn gương mẫu, tiên phong, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trong điều kiện thôn còn nhiều khó khăn, chúng tôi phát huy sức trẻ, đoàn kết, vượt khó, vượt khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của Đảng, nhân dân giao phó” - đó là những lời tâm sự của anh Nông Văn Nho, Bí thư Chi bộ và Lường Văn Sáu, Trưởng thôn Bản Khẻ, xã Thượng Nông (Na Hang). Từ đảng viên DQ tiêu biểu của thôn, 2 anh được cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân giao phó chức danh chủ chốt của thôn “điểm nóng” về tình hình ANTT từ đầu năm 2020. Thôn có 119 hộ với 3 dân tộc Tày, Dao, Mông cùng chung sống. Trong đó, một số hộ người dân tộc Mông thuộc khu dân cư Đông Đăm theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. “Nhiều lần là rạng sáng mùa đông lạnh giá hay đêm đang ngủ say, hay trời xẩm tối vừa bưng bát cơm chưa kịp ăn… thì nhận được tin báo đi nắm tình hình ở Đông Đăm, là chúng tôi sẵn sàng lên đường. Đông Đăm cách trung tâm thôn chừng 3 km, nhưng 2 km đi được xe máy còn lại phải đi bộ đường rừng. Dẫu đường xa xôi, địa hình hiểm trở, chúng tôi luôn có mặt kịp thời để nắm bắt tình hình và tham mưu, phối hợp với các lực lượng khác đảm bảo an ninh trật tự của địa phương” - Bí thư Chi bộ Nông Văn Nho giãi bày.

Có mặt khi dân cần

“Tôi và gia đình vô cùng cảm kích và biết ơn trước hành động dũng cảm của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Đi, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) Phạm Ngọc Hưng và đồng chí Phó Trưởng Công an xã Hoàng Ngọc Hào đã cứu mạng sống của con trai tôi thoát khỏi dòng nước lũ” - bà Trần Thị Ninh, mẹ nạn nhân Nguyễn Văn Nam bị lũ cuốn trôi vào ngày 11-6-2021 xúc động khi kể lại sự việc. Vừa nhận được khen thưởng của các cấp với nghĩa cử cao đẹp, anh Hưng khiêm tốn “Nhiệm vụ của người quân nhân là bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Bởi vậy, việc tôi cứu anh Nam là trách nhiệm của người lính Cụ Hồ”. Anh Hưng là DBĐV của huyện, vừa trúng cử đại biểu HĐND xã khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Là quân trong dân, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, dân quân - người lính “sao vuông” của tỉnh đã tích cực tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm này được thể hiện rõ trong thời gian gần đây, khi mà toàn tỉnh đang gồng mình cùng cả nước chống lại đại dịch Covid-19.

Ngày 7-5, khu cách ly tập trung của huyện Na Hang đi vào hoạt động, đảng viên Nông Đình Hùng, Thôn đội trưởng tổ dân phố 10, thị trấn Na Hang nhận lệnh phục vụ khu cách ly. Vốn là thợ cơ khí, lao động chính trong gia đình với thu nhập trên 300 nghìn đồng/ngày, anh Hùng gác lại công việc mưu sinh, vui vẻ nhận nhiệm vụ “anh nuôi” trong khu cách ly.

Anh Hùng cho biết, hơn 1 tháng qua, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, anh cùng với cán bộ Ban CHQS huyện nấu cơm phục vụ trên 100 suất ăn mỗi ngày. Thức khuya, dậy sớm, dù vất vả nhưng ai cũng luôn nỗ lực đảm bảo cơm ngon, canh ngọt, an toàn vệ sinh thực phẩm cho công dân cách ly và lực lượng phục vụ.

Vào đúng 7 giờ sáng ngày 7-6, Khu vực cách ly thôn Khuôn Khoai và một phần thôn Hợp Long 1, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) chính thức được gỡ bỏ phong tỏa sau 21 ngày cách ly. 12 cán bộ, chiến sỹ dân quân cùng với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại 6 chốt kiểm soát dịch bệnh được trở về nhà sau 21 ngày đêm canh chốt. Đồng chí Hoàng Văn Liền, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã bày tỏ, trong số cán bộ, dân quân thực hiện nhiệm vụ đột xuất có trên 50% quân số là đảng viên. Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, đảng viên, cán bộ dân quân đều tự hào vì đã góp sức nhỏ vào cuộc chiến đó.

Cùng với lực lượng chính quy của Bộ CHQS tỉnh, nơi nào khó, nơi nào khổ, nơi nào hiểm nguy đều có “dấu chân” của những lính sao vuông. Trung tuần tháng 6 vừa qua, trên 10 cán bộ, đảng viên dân quân của xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) tham gia vào nhiệm vụ vận chuyển 4 quả bom xích, trọng lượng 600 kg bị tồn sót sau chiến tranh tại xóm 8. Ngay sau khi nhận được thông báo phát hiện bom, mỗi người một công việc khác nhau nhưng khi có lệnh triệu tập, lực lượng đều có mặt ngay để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ hiện trường trong 2 ngày đêm. Từ hiện trường dưới bờ sông lên điểm tập kết bom cách chừng vài trăm mét, đường dốc, có đoạn trơn trượt nhưng lực lượng DQ xã Tràng Đà đã hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển, đảm bảo an toàn tuyệt đối.  

Vốn là lực lượng cùng lao động, sản xuất tại cơ sở, nhiều đảng viên trong lực lượng DQ, DBĐV đã tiên phong, mang lại sức sống mới cho phong trào phát triển kinh tế của địa phương, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Đảng viên trẻ Trần Văn Thịnh, Thôn đội trưởng thôn Cây Cọ, xã Sơn Nam (Sơn Dương) đang xây dựng ngôi nhà mới, trị giá trên 1 tỷ đồng. Anh Thịnh đi lên từ mô hình trồng thanh long kết hợp với chăn nuôi trâu, bò, chăn nuôi lợn, thu nhập ước khoảng trên 200 triệu/năm sau khi trừ chi phí. Hiện nay, anh có trên 2.000 gốc thanh long cho thu hoạch chính. Với khát khao xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm cho quả thanh long, anh Thịnh đã đăng ký thanh long thành sản phẩm OCOP, vận động thêm 6 hộ dân đang có mô hình trồng thanh long trở thành thành viên HTX Nông nghiệp Hưng Thịnh thành lập từ giữa tháng 5-2021 do anh làm Chủ nhiệm HTX. 

“Từ ngày trở thành đảng viên, là Thôn đội trưởng tôi bận bịu hơn nhưng đảng viên là danh dự, trách nhiệm và nghĩa vụ nữa. Năm 2020, dịch tả lợn châu Phi hoành hành, anh em chúng tôi gác công việc, đóng góp trên 100 ngày công để vận chuyển, đào hố, vớt xác lợn bà con vứt xuống sông, suối; chôn lợn… Như đêm ngày 26 Tết vừa rồi, nhận được thông tin cháy rừng trên đỉnh núi Bầu, tôi cùng anh em DQ tức tốc đi bộ 2 km đi chữa cháy” - Anh Thịnh cho biết.

Đảng viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu nên dẫu trên cương vị nào, dẫu cuộc sống còn bộn bề gánh nặng mưu sinh, những người đảng viên DQ, DBĐV vẫn không ngại khó, ngại khổ, bất chấp hiểm nguy để gìn giữ bình yên cuộc sống của nhân dân. “… Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian  khổ biết dành phần ai”… Đó là suy nghĩ, tâm niệm của những người ngày ngày, tháng tháng lựa chọn lặng lẽ với những chiến công, luôn sẵn sàng “Nhân dân cần, chúng tôi có mặt”.
         

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục