Khẳng định trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam trong chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không

Nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (12/1972-12/2022), sáng 9/12, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại.

Dự Hội thảo có Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; các nhân chứng lịch sử từng trực tiếp tham gia chiến đấu trong 12 ngày đêm của trận Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không.

Cách đây tròn 50 năm, vào những ngày cuối tháng 12/1972, Mỹ đã tiến hành trận tập kích đường không vào Hà Nội và các tỉnh phía bắc nước ta với sự tham gia ồ ạt của “pháo đài bay B-52” - biểu tượng sức mạnh của không quân Hoa Kỳ lúc bấy giờ. Với quyết tâm của quân và dân ta, tại chính mảnh đất Thăng Long-Hà Nội, quân và dân ta đã đánh bại chiến lược của đế quốc Mỹ, làm nên “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lịch sử. Chiến thắng đó đã buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền bắc, tiến tới ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước. Đây là bước ngoặt quan trọng để quân và dân ta đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Đại biểu dự hội thảo.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” thể hiện khí phách anh hùng, bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam. Sau 12 ngày đêm với 2 đợt chiến đấu, lực lượng phòng không-không quân cùng với quân và dân Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành phố miền bắc đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52. Hội thảo đã thu hút 130 báo cáo, tham luận tại Hội thảo, trong đó có nhiều tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo bộ ngành và TP Hà Nội - nơi diễn ra những trận chiến trên không ác liệt nhất. Các tham luận đã khẳng định tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương; sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành xuất sắc của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân chủng Phòng không-Không quân. Hội thảo cũng được nghe tham luận của nhiều đại biểu là những nhân chứng lịch sử, trực tiếp tham gia chiến dịch phòng không 12 ngày đêm.

Dù đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những bài học kinh nghiệm và bài học lịch sử về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, xây dựng thế trận, tổ chức lực lượng, về nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật chiến dịch phòng không trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước... vẫn còn nguyên giá trị sâu sắc. Việc đúc rút lại những bài học này trong dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là vô cùng cần thiết để có thể vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục