Nghĩa tình quân dân đẩy lùi dịch bệnh

- Năm 2021, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả dân tộc lại bước vào trận chiến mới với loại kẻ thù vô hình chưa có tiền lệ. Một lần nữa, Quân đội nói chung, quân nhân Bộ CHQS tỉnh nói riêng tiếp tục là lực lượng nòng cốt, tiên phong trên tuyến đầu chống dịch. Năm 2021 đã khép lại nhưng còn đó biết bao nhiêu sự hy sinh thầm lặng, nỗi niềm của những người lính...

Đảm bảo vệ sinh môi trường là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ Bộ CHQS tỉnh phục vụ trong khu cách ly.

Tiên phong trên tuyến đầu chống dịch    

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tăng cường lực lượng quân y cho các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch Covid-19, Đại úy Hoàng Thanh Hòa, Thượng úy Hoàng Xuân Trường, y sỹ, Bệnh xá Bộ CHQS tỉnh viết đơn xung phong lên đường làm nhiệm vụ. Các anh vừa trở về địa phương sau 3 tháng ròng rã sống giữa tâm dịch. Thượng úy, y sỹ Hoàng Xuân Trường xúc động cho biết: “Cả nước chi viện cho miền Nam phòng, chống dịch Covid-19, tôi rất vinh dự và tự hào đóng góp một phần sức lực vào cuộc chiến với kẻ thù vô hình đó”.

Thượng úy Hoàng Xuân Trường là 1 trong 12 thành viên của Trạm Y tế lưu động, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh. Phường có đến trên 40% dân số (khoảng 20.000 người) là F0. Đây là điểm nóng dịch Covid-19 của thành phố. Với nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, anh và các thành viên quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc cho F0 tại nhà, sơ cứu F0 trở bệnh nặng và chuyển tuyến trên. Bất kể ngày hay đêm, mưa nắng, cứ có cuộc gọi của người dân muốn hỗ trợ là anh Trường và đồng đội lên đường. Trong chiếc điện thoại của mình, anh Trường lưu giữ lại không biết bao nhiêu tin nhắn cảm ơn chú bộ đội cụ Hồ của bệnh nhân mà anh theo dõi, hỗ trợ, điều trị khỏi bệnh. 

Sau hơn một tháng quyết liệt triển khai các giải pháp hiệu quả, đến nay dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Lâm Bình đã được khống chế, kiểm soát. Để có thành quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ Ban CHQS huyện, lực lượng dân quân huyện. Đại úy Phan Việt Đông, Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật nhẹ lòng hơn vì đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Với vai trò Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến huyện, anh đã khắc phục mọi khó khăn, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm toàn bộ cơ sở vật chất, hạ tầng, đảm bảo bữa ăn cho lực lượng phục vụ và bệnh nhân.

Đại úy Hoàng Thanh Hòa (bên trái), Thượng úy Hoàng Xuân Trường (bên phải), y sỹ,
Bệnh xá Bộ CHQS tỉnh trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ từ tâm dịch.

Anh Đông nhớ lại, việc đảm bảo bữa ăn là vất vả nhất. Có lúc cao điểm, bếp ăn phải phục vụ ăn cho trên 750 người/ngày, 2.250 suất ăn/ngày. Mỗi ngày, hơn 20 cán bộ, chiến sỹ dân quân làm việc cật lực từ 4 giờ sáng đến 20 giờ, sơ chế, chế biến, nấu nướng khoảng trên dưới 500 kg lương thực. Bệnh nhân F0 đa phần là người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhìn người dân trân trọng từng bữa cơm các anh nấu mà ăn ngon lành không bỏ phí, nhiều F0 tăng cân trong quá trình điều trị, đó là động lực để chúng tôi quên hết mệt mỏi, phục vụ tốt nhất cho đồng bào mình.

Hy sinh thầm lặng

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2022, Khu cách ly tập trung của tỉnh tại Trung đoàn 247, Bộ CHQS tỉnh chuyển thành cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đội ngũ cán bộ khung hơn 20 người giờ chỉ còn lại vài người thường trực tại đây. Trong số quân nhân ở lại có Thượng úy Lê Hồng Long, Đại đội Kho Vũ  khí đạn, Phòng Kỹ thuật. Anh giữ vai trò đầu bếp chính của khu cách ly.

Thượng úy Long nhận nhiệm vụ tăng cường cho khu cách ly từ những ngày đầu tiếp nhận công dân Việt Nam từ nước ngoài về. 4 tháng qua, anh chưa thể về thăm gia đình. Anh dí dỏm: “đang tiếp xúc vũ khí, đạn, giờ sang bếp, cầm nồi, niêu, xoong chảo thế mà nhanh quen lắm. Trước ở tổ sơ chế thực phẩm, nay lên đầu bếp chính rồi. Bộ đội chúng tôi là vậy, luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ và thích ứng với mọi điều kiện, hoàn cảnh”. Thời gian qua, anh cùng đồng đội đã phục vụ bữa ăn cho trên 1.800 công dân Việt Nam về nước. Để lại đằng sau là nỗi nhớ gia đình vợ con, ngày ngày, anh Long và đồng đội thức khuya, dậy sớm, chăm chút, tận tụy đến từng bữa ăn, đáp ứng yêu cầu của công dân.

Anh kể, những ngày đầu, con trai anh nhớ bố, khóc đòi mẹ chở đến khu cách ly thăm bố. Hai bố con được nhìn nhau qua cánh cửa cổng. Thằng bé giơ tay xin bố bế, anh thương nhớ con nhưng chỉ biết lắc đầu, nước mắt lưng  tròng.

Chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh chuẩn bị bữa ăn trong khu cách ly.

Trung tá Chúc Văn Đường, Ban Dân quân, Phòng Tham mưu luôn ân cần động viên, chăm sóc cậu bé Trần Anh Quân, 11 tuổi, trở về nước từ Singapore, cách ly 1 mình tại khu cách ly. Ở nơi lạc lõng, xa lạ không người quen biết, đêm đầu tiên, Quân khóc nức nở gọi về cho mẹ. Nhưng ngay ngày hôm sau, Quân gọi cho mẹ với niềm vui, nói nói, cười cười vì có bác bộ đội tên là Đường thường xuyên hỏi han, quan tâm nên cậu bé không thấy sợ nữa. Trước khi về, anh Đường viết thư động viên Quân chăm ngoan, học tốt; tặng cậu món quà đặc sản Tuyên Quang. Trong bức thư chị Trần Nguyễn Thúy Vy, mẹ của cháu Quân gửi lời cảm ơn đội ngũ cán bộ khu cách ly, chị viết: “Gia đình tôi trân trọng cảm ơn các bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bác lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, đội ngũ cán bộ và bác Đường trong khu cách ly. Quân nói với tôi: “Con sẽ ép plastic lá thư của bác Đường để làm kỷ niệm trong suốt cuộc đời. Sau này con lớn, con sẽ ra Bắc tìm bác Đường để thăm”.

Năm 2021, toàn tỉnh có gần 4.000 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Dẫu đối mặt với rủi ro, hiểm nguy; để lại đằng sau là nỗi nhớ gia đình, cán bộ, chiến sỹ của LLVT tỉnh đã nêu cao tinh thần vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo Đại tá Hà Đình Khiêm, Tỉnh ủy viên, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, trong diễn biến dịch Covid-19 đang rất phức tạp, LLVT tỉnh vừa tập trung phòng, chống dịch; vừa đảm bảo sẵn sàng chiến đấu để nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn. Nhiều cán bộ, chiến sỹ sẽ không được đón Tết cùng gia đình. Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội để mọi quân nhân đón xuân mới đầm ấm.

Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục