Anh nỗ lực phục hồi kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19: Vẫn còn nhiều thách thức

Từng chịu những tác động to lớn của dịch Covid-19, nền kinh tế Anh đã có sự phục hồi tích cực sau khi các biện pháp phong tỏa, hạn chế dần được dỡ bỏ. Tuy nhiên, đà phục hồi này có nguy cơ chậm lại khi nước Anh đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác do thiếu nhân lực và chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, nhất là khi biến chủng Delta lây lan nhanh khiến cuộc chiến chống dịch trên thế giới vẫn rất khó lường.

Các hoạt động dịch vụ được nối lại góp phần giúp kinh tế Anh phục hồi.

Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), nền kinh tế Anh đã tăng trưởng tháng thứ năm liên tiếp trong tháng 6-2021, khi việc mở lại các dịch vụ giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 1%. Mức tăng trưởng trong tháng 6 cao gần gấp đôi so với mức 0,6% của tháng 5. Đây là kết quả của sự mở rộng 1,5% trong lĩnh vực dịch vụ, được hỗ trợ bởi mức tăng 10% từ các nhà hàng, quán cà phê và quán bar. Dịch vụ y tế cũng đã tăng trưởng 4,5% trước sự gia tăng nhu cầu trong các hoạt động y tế không phải do Covid-19. Đây là tín hiệu tích cực khi ngành dịch vụ chiếm khoảng 80% GDP của Anh.

Dữ liệu của quý II-2021 cho thấy, nền kinh tế Anh tăng trưởng 4,8% so với giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3, thời điểm các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng lớn bởi các biện pháp hạn chế, phong tỏa. Tốc độ tăng trưởng này gấp đôi so với tốc độ 2% của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và nhanh hơn so với nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, vốn có tăng trưởng hằng quý hơn 1,5%. Nhà phân tích Ruth Gregory của Công ty Nghiên cứu kinh tế Capital Economics có trụ sở tại London (Anh) cho biết, động lực chính của tăng trưởng trong quý II-2021 là mức tăng 7,3% trong chi tiêu tiêu dùng, đồng thời nền kinh tế cũng được thúc đẩy bởi mức tăng 6,1% trong chi tiêu Chính phủ và 2,4% trong hoạt động đầu tư.

Tuy nhiên, theo tờ The Guardian, sự phục hồi kinh tế của Anh sau giai đoạn phong tỏa đã chậm lại đáng kể trong tháng qua, mặc dù hầu hết các hạn chế phòng dịch đã được dỡ bỏ. Điều này là do doanh nghiệp còn phải đương đầu với tình trạng thiếu nhân công và nguyên liệu. Đánh giá nhanh của nhà cung cấp thông tin IHS Markit và Viện Mua sắm và Cung ứng Chartered (CIPS) cho thấy, các vấn đề về thuê nhân công, tình trạng thiếu nguyên liệu cao gấp 14 lần bình thường là vấn đề tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI), thước đo chính của hoạt động kinh doanh, do IHS Markit/CIPS khảo sát trong tháng 8-2021 đã giảm từ mức 59,2 xuống 55,3 trong tháng 7. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2 và giảm mạnh hơn so với dự báo trung bình là 58,4 trong một cuộc thăm dò của Hãng tin Reuters. Mặc dù chỉ số trên 50 vẫn thể hiện sự tăng trưởng, song IHS Markit nhận định, đã có dấu hiệu cho thấy đà phục hồi đang chậm dần sau quý II-2021 đầy khởi sắc. Ông Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng của IHS Markit cho biết, đại dịch Covid-19 đang cản trở chi tiêu của người tiêu dùng, trong khi các doanh nghiệp phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng. Nhiều báo cáo cho rằng chi phí vận chuyển tăng và tình trạng thiếu nguyên liệu thô dẫn đến áp lực về giá cả.

Các nhà kinh tế đã cảnh báo, các vấn đề kéo dài trong chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu nhân lực có thể đẩy lạm phát lên cao, khi các công ty tìm cách chuyển áp lực từ việc tăng chi phí sản xuất cho người tiêu dùng. Nhà kinh tế Alpesh Paleja của Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) cho rằng, nhiều công ty đang bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng. “Bất chấp sự phục hồi trong hoạt động, những gián đoạn liên tục có thể cản trở tăng trưởng sản xuất trong tương lai. Điều quan trọng là các doanh nghiệp và Chính phủ tiếp tục làm việc cùng nhau để giải quyết một số vướng mắc trong chuỗi cung ứng và các lĩnh vực rộng lớn hơn”, ông A.Paleja nhận định.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục