Châu Âu kêu gọi biện pháp mạnh đối phó với biến thể mới của SARS-CoV-2

Ngày 22-1, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã kêu gọi các quốc gia trong khu vực cần chuẩn bị những biện pháp nghiêm ngặt hơn và tăng tốc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 để ngăn chặn nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2. Tính đến 6h ngày 22-1, thế giới đã có 97.475.970 ca mắc Covid-19, trong đó 2.087.068 trường hợp tử vong.

Châu Âu

Ngày 22-1, một số nguồn tin tại Bỉ cho biết, các nước Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút đảm bảo đủ các ống tiêm đặc biệt để có thể chiết xuất được 6 liều từ mỗi lọ vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer trong nỗ lực tiêm chủng được cho nhiều người hơn và tránh phải trả thêm tiền.  

Vắc xin do Pfizer và đối tác BioNTech của Đức phát triển là loại đầu tiên được EU phê duyệt vào tháng 12. Ban đầu nó được bán trên thị trường EU theo lọ với số lượng 5 liều tiêm, nhưng trước sự thiếu hụt toàn cầu, sau khi xem xét lượng thuốc chứa trong lọ, cơ quan quản lý của EU phê duyệt cho phép chiết xuất 6 liều từ một lọ. Quyết định này làm số liều tiêm thực tế được cung cấp cao hơn, khiến Pfizer nâng mục tiêu sản lượng cho năm nay lên 2 tỷ liều vắc xin so với 1,3 tỷ liều dự kiến ban đầu. 


Châu Âu gấp rút đẩy mạnh chương trình tiêm chủng phòng Covid-19.

Trong một báo cáo, ECDC cho biết, tại một số quốc gia thành viên EU, số ca mắc Covid-19 có nguy cơ tăng cao do biến thể mới có khả năng tồn tại tốt hơn và có tốc độ lây lan nhanh hơn. Vì thế, điều quan trọng hiện nay là các nước cần chuẩn bị nhiều biện pháp ứng phó nghiêm ngặt trong những tuần tới để đảm bảo có đủ năng lực chăm sóc sức khỏe và đẩy nhanh các chiến dịch tiêm chủng. 

ECDC cũng hối thúc các nước nâng cao khả năng xét nghiệm của các phòng thí nghiệm, đồng thời tăng số lượng trung tâm tiêm chủng và tăng số nhân viên để đẩy nhanh các chiến dịch tiêm chủng với điều kiện phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt hơn.

Tại Đức, Chính phủ thông báo có thể phải đóng cửa biên giới nếu các nước láng giềng không hành động nhằm khống chế dịch bệnh. Theo Chính phủ Đức, vấn đề nguy hiểm ở chỗ khi số ca nhiễm ở một nước tăng, biến thể của vi rút SARS-CoV-2 sẽ lây lan và chiếm số đông trong các ca nhiễm mới, sau đó số ca lây nhiễm biến thể này có thể vượt ngoài tầm kiểm soát. Do vậy, việc áp đặt các quy định nhập cảnh nghiêm ngặt hơn là điều khó tránh khỏi. 

Trong khi đó, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa đã chỉ thị các trường học sẽ phải đóng cửa ít nhất 15 ngày trong bối cảnh quốc gia châu Âu này đang phải chật vật đối phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Châu Mỹ

Ngày 22-1, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã siết chặt thêm quy định đối với các du khách tới Mỹ khi yêu cầu những người này phải cách ly ngay khi đặt chân tới sân bay. Cho dù trước khi lên máy bay họ đã phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Trước đó, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố chiến lược chống dịch Covid-19 chi tiết, trong đó ưu tiên thúc đẩy việc tiêm chủng, xét nghiệm và tập trung vào khía cạnh khoa học. 

Các nội dung chính của "Chiến lược quốc gia về ứng phó dịch Covid-19 và sẵn sàng ứng phó đại dịch" đã được Nhà Trắng công bố đi kèm tuyên bố: "Chúng ta có thể và sẽ đánh bại dịch Covid-19...". 

Chính quyền mới cũng đang kỳ vọng Quốc hội thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD, trong đó có 20 tỷ USD để mua các liều vắc xin và 50 tỷ USD dành cho công tác xét nghiệm.

Châu Á

Tại châu Á, Chính phủ Indonesia đã quyết định gia hạn thời gian thực thi lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) tại hai đảo Java và Bali từ ngày 26-1 đến 8-2. Tuy nhiên, trong lần gia hạn này, PPKM có một số điều chỉnh về thời gian hoạt động của các trung tâm thương mại và nhà hàng. Theo đó, những cơ sở này sẽ được mở cửa tới 20h hằng ngày thay vì 19h trước đó. Ngoài ra, các văn phòng, công sở cũng bị giới hạn ở mức 25% công suất. Tương tự, các hoạt động học tập, giảng dạy chỉ được tiến hành trực tuyến. Các lĩnh vực thiết yếu liên quan đến những nhu cầu cơ bản vẫn được phép hoạt động 100% công suất song phải tuân thủ quy trình y tế nghiêm ngặt hơn. Chính phủ cũng cho phép lĩnh vực xây dựng hoạt động 100% công suất song bắt buộc phải thực hiện các thủ tục y tế. Các cơ sở tôn giáo vẫn được phép mở cửa song chỉ với 50% công suất.

Liên quan đến chương trình tiêm chủng, Chính phủ Ecuador đã tiếp nhận 8.000 liều vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên của hãng Pfizer và triển khai ngay chương trình tiêm chủng với nhóm ưu tiên đầu tiên là các bác sĩ, nhân viên bệnh viện cùng nhóm những người sống và làm việc trong các trung tâm lão khoa. Theo kế hoạch vào cuối tháng 2 tới, Ecuador sẽ nhận thêm 86.000 liều, từ tháng 3 trở đi các lô vắc xin tiếp theo sẽ được tiếp tục chuyển tới nước này và được phân phối theo thứ tự, trước tiên là các thành viên của quân đội, cảnh sát, các ngành chiến lược, sau đó là cho tất cả những người dân Ecuador quyết định tự nguyện tiêm phòng. Chương trình tiêm phòng đại trà của Ecuador dự kiến bắt đầu từ tháng 3 cho tới tháng 10 năm nay.

Châu Phi

Hệ thống y tế ở "Lục địa đen" gặp khó khăn nghiêm trọng do thiếu trang thiết bị y tế cần thiết trong bối cảnh các nước trong khu vực đang chật vật đối phó với làn sóng thứ hai dịch Covid-19, đẩy tỷ lệ tử vong vượt trên mức trung bình toàn cầu.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết, tới nay, châu Phi đã ghi nhận khoảng 3,3 triệu ca mắc Covid-19 và gần 82.000 ca tử vong. Số liệu này dù chỉ chiếm phần nhỏ so với số liệu toàn cầu, song số ca mắc đã tăng trung bình 14%/tuần trong tháng 12-2020, tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên toàn châu lục hiện là 2,5% - cao hơn mức trung bình toàn cầu là 2,2%.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục