Châu Phi: Giải bài toán phát triển nông nghiệp bền vững

Đại dịch Covid-19, cuộc xung đột ở Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng cùng các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Đặc biệt, mất an ninh lương thực đang là một vấn đề nghiêm trọng tại châu Phi. Trong bối cảnh Lục địa đen phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu ngũ cốc, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho rằng, châu Phi nên nhìn nhận cuộc khủng hoảng lương thực như một "hồi chuông cảnh tỉnh" để khu vực này phải tự chủ trong sản xuất ngũ cốc và phân bón, qua đó giải bài toán phát triển nông nghiệp bền vững.

Châu Phi hiện còn rất nhiều đất nông nghiệp chưa được canh tác.

Tổ chức Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết, xung đột Nga - Ukraine đã làm tăng giá lương thực và nhiên liệu trên toàn cầu, khiến hàng triệu người dân châu Phi phải đối mặt với tình trạng "khẩn cấp chưa từng có về lương thực" trong năm nay. Theo thống kê của Liên hợp quốc, Kenya, Somalia, Ethiopia… đang có nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Còn số liệu từ Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) chỉ ra rằng, ở khu vực Sahel và Tây Phi, hơn 40 triệu người có thể bị đói vào năm 2022.

Trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine vào cuối tháng 2-2022, đại dịch Covid-19 và hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến các nền kinh tế châu Phi, đặc biệt khi châu lục này nhập khẩu khoảng 1/3 lúa mỳ từ Nga và Ukraine. Trong thập kỷ qua, hóa đơn nhập khẩu lương thực của châu Phi đã tăng gần gấp ba lần.

Châu Phi có tiềm năng to lớn để tự sản xuất ngũ cốc nhưng vẫn phụ thuộc vào ngũ cốc nhập khẩu. Trên thực tế, một phần chính của đất nông nghiệp ở đây được sử dụng để trồng cà phê, ca cao và dầu hạt bông để xuất khẩu, trong khi các loại cây chủ yếu trong chế độ ăn uống của người châu Phi, lúa mỳ và gạo, chủ yếu đến từ bên ngoài Lục địa đen. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), phần lớn lượng lương thực nhập khẩu này có thể được sản xuất trong nước, trong khi khả năng tự cung tự cấp của các nước châu Phi cũng có thể được thúc đẩy bằng cách thay thế ngũ cốc nước ngoài bằng các loại cây trồng trong khu vực. Các nước châu Phi có thể trao đổi các loại cây trồng này với nhau, tạo ra nhiều việc làm cần thiết cho thanh niên và thu nhập cho nông dân.

Pauline Chivenge, một nhà nghiên cứu tại Viện Dinh dưỡng thực vật châu Phi (Morocco), chia sẻ: “Các loại cây trồng bản địa có thể cung cấp các lựa chọn thay thế lành mạnh hơn nhiều so với các loại ngũ cốc hiện đang được sử dụng. Chúng giàu dinh dưỡng hơn, vì ngoài lượng calo cần thiết, chúng còn chứa lượng protein và vitamin cao hơn”. Tuy nhiên, cây trồng bản địa đã bị bỏ quên trong nhiều thập kỷ, phần lớn là do các địa phương của Morocco và các công ty quốc tế thúc đẩy trồng ngô và lúa mỳ và quảng bá chúng như những mặt hàng chủ lực. Bà Chivenge cho biết: “Các loại ngũ cốc như ngô và lúa mỳ không thực sự thích hợp để trồng ở hầu hết các vùng của châu Phi, vốn là khu vực thiếu nước. Chúng phụ thuộc rất nhiều vào lượng mưa thường xuyên, điều này đang trở thành một thách thức thực sự trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu”...

Tình trạng mất an ninh lương thực có những tác động kinh tế - xã hội và an ninh nghiêm trọng đối với người dân, doanh nghiệp và chính phủ của châu Phi, và những điều này có thể gây ra những hậu quả sâu sắc trong khu vực và toàn cầu. Trong bối cảnh này, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng nguồn cung ngũ cốc sẽ thúc đẩy các nước châu Phi tăng cường sản xuất lương thực để giảm nhập khẩu. Để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững cho châu Phi, đòi hỏi sự thực thi bền bỉ và các giải pháp hiệu quả của tất cả các bên liên quan. Đầu tư chiến lược vào phát triển an ninh lương thực ở thời điểm quan trọng này sẽ đặt nền tảng cho nền sản xuất nông nghiệp tự chủ của Lục địa đen trong tương lai.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục