Đảng cầm quyền Malaysia thúc đẩy tổng tuyển cử sớm: Bước đi mang tính chiến lược

Trong một động thái nhằm tranh thủ cơ hội tốt nhất giành sự ủng hộ của cử tri, đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) - một trụ cột trong liên minh cầm quyền Malaysia - đã nhất trí về việc giải tán Quốc hội, mở đường cho cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Đây là bước đi mang tính chiến lược để UMNO chứng minh sự trở lại mạnh mẽ của mình sau một thời gian mức độ tín nhiệm bị lao dốc bởi những bê bối của cựu Thủ tướng Najib Razak.

Malaysia dự kiến giải tán Quốc hội vào giữa tháng 10-2022.

Nếu đúng kế hoạch, Quốc hội khóa XIV của Malaysia sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 6-7-2023. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều nghị sĩ thuộc đảng UMNO đã hối thúc Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob trình Quốc vương Al-Sultan Abdullah kiến nghị giải tán Quốc hội để mở đường cho cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn nhằm tận dụng đà thắng lợi từ các cuộc bầu cử địa phương gần đây mà đảng đã giành được.

Trong cuộc họp ngày 30-9 vừa qua, các lãnh đạo chủ chốt của UMNO đã cơ bản nhất trí về kiến nghị nói trên. Hiện tại, các nhà lãnh đạo UMNO chưa ấn định ngày giải tán Quốc hội, nhưng nhiều khả năng thời điểm có thể diễn ra từ ngày 10 đến 14-10-2022. Theo Hiến pháp liên bang, nếu Quốc hội giải tán trước thời hạn, cuộc tổng tuyển cử phải được tiến hành trong vòng 60 ngày sau đó.

Theo các nhà phân tích, quyết định của UMNO là bước đi khôn ngoan nhằm tận dụng thời điểm tốt nhất để có thể chiếm thế thượng phong trong cuộc bầu cử sắp tới. UMNO từng nắm quyền Chính phủ Malaysia hơn 60 năm nhưng mất quyền lực trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018 do lãnh đạo của đảng này, cựu Thủ tướng N.Razak bị cáo buộc tham nhũng 4,5 tỷ USD từ Quỹ nhà nước có tên 1MDB. Đảng này trở lại nắm quyền vào tháng 8-2021 sau khi Thủ tướng Muhyiddin Yassin của đảng Đoàn kết bản địa buộc phải từ chức vì mất tín nhiệm do những sai lầm trong chính sách kinh tế và kiểm soát đại dịch Covid-19.

Sau hơn một năm cầm quyền, Thủ tướng I.S.Yaakob đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, giúp UMNO dần lấy lại được sự ủng hộ của cử tri, dù tiếp quản vị trí đứng đầu nội các Malaysia trong bối cảnh tranh chấp đảng phái đang ở giai đoạn cao trào và đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thách thức đặt ra đối với Thủ tướng I.S.Yaakob không hề nhỏ, nếu không muốn nói là bộn bề ngổn ngang.

Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau khi nhậm chức, Chính phủ liên minh của Thủ tướng I.S.Yaakob đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với liên minh Hy vọng (PH) đối lập, đánh dấu một sự kiện lịch sử chưa từng có trên chính trường Malaysia nhằm chuyển giao và ổn định chính trị, thúc đẩy sự hợp tác lưỡng đảng, nâng cao tinh thần “Gia đình Malaysia” như mong muốn của Quốc vương.

Nhờ đạt được sự ổn định, Chính phủ đã tập trung vào việc khôi phục kinh tế. Quý II-2022, nền kinh tế Malaysia ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 8,9% trong khi quý I-2022 chỉ đạt mức 5,0%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng gần 25% và lần đầu tiên đạt 2.000 tỷ RM (gần 450 tỷ USD) sau khi ghi nhận mức tăng trưởng âm trong hai năm liên tiếp. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 26,1% và đạt mức kỷ lục 1.200 tỷ RM (270 tỷ USD).

Bên cạnh việc tăng cường kiểm soát đại dịch Covid-19, Chính phủ của Thủ tướng I.S.Yaakob cũng thúc đẩy và triển khai các sáng kiến nhằm hỗ trợ bộ phận dân cư dễ bị tổn thương nhất, nhóm 40% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất. Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng được giữ ở mức ổn định, qua đó đóng vai trò quan trọng trong việc bình ổn giá hàng hóa trên thị trường.

Với nỗ lực không ngừng nghỉ suốt hơn một năm qua, uy tín của Thủ tướng I.S.Yaakob đã tăng mạnh trong lòng người dân Malaysia. Còn trong nội bộ đảng UMNO, ông cũng được đa số các thành viên ủng hộ làm ứng cử viên ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục