Diễn đàn Kinh tế phương Đông: Hỗ trợ phát triển kinh tế vùng Viễn Đông

Thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga là nơi vừa diễn ra Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 6. Với chủ đề “Cơ hội cho vùng Viễn Đông trong một thế giới đang thay đổi”, sự kiện này được xem là dịp hỗ trợ phát triển kinh tế và mở rộng hợp tác quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời nâng cao tầm vóc cũng như ý nghĩa kinh tế - xã hội của vùng Viễn Đông trong thu hút đầu tư.

Quang cảnh phiên họp toàn thể trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 6. 

Theo Hãng thông tấn TASS (Liên bang Nga), diễn ra từ ngày 2 đến 4-9 với sự tham dự của đại diện hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chương trình của EEF được chia thành 4 chủ đề trụ cột là: "Nền kinh tế mới: Điều gì thay đổi và điều gì vẫn duy trì"; "Vùng Viễn Đông: Những thách thức và cơ hội mới"; "Trách nhiệm chung của chúng ta trong một thế giới đang thay đổi"; "EEF thanh niên". Kể từ khi được tổ chức lần đầu vào năm 2015, diễn đàn đã trở thành một sự kiện thường niên đầy sức hút, ngoại trừ khoảng thời gian gián đoạn vào năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trong thông điệp chào mừng gửi tới các đại biểu tham dự sự kiện, Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin khẳng định, trong những năm qua, diễn đàn đã tạo dựng được uy tín quốc tế như một nền tảng thúc đẩy hợp tác đa phương và tăng cường quan hệ kinh doanh giữa cộng đồng doanh nghiệp Nga và châu Á - Thái Bình Dương. Diễn đàn tiếp tục đóng vai trò là địa điểm để các doanh nhân hàng đầu của Nga và quốc tế, đại diện chính phủ, giới truyền thông cũng như các tổ chức phi chính phủ gặp gỡ trực tiếp, trao đổi, thảo luận về các vấn đề cấp bách nhất trong chương trình nghị sự khu vực và toàn cầu, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn cũng như thúc đẩy, triển khai các dự án, sáng kiến chung quan trọng.

Trong những năm qua, EEF đã và đang mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu, liên tục tích lũy thêm các khoản đầu tư và tăng số lượng các thương vụ kinh doanh. Trong năm đầu tiên của diễn đàn, có 80 giao dịch được ký kết với 1,3 nghìn tỷ rúp đầu tư. Năm 2017 đánh dấu cột mốc 2 nghìn tỷ rúp với 217 thỏa thuận kinh doanh được ký kết. Trong năm 2018, số thương vụ tăng đã góp phần đưa khoản đầu tư vượt 3 nghìn tỷ rúp. Mức này được duy trì trong năm 2019 với 3,4 nghìn tỷ rúp đầu tư và 270 giao dịch kinh doanh mới. Trong nỗ lực góp phần tạo động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế, năm nay, Nga tiếp tục tổ chức các cuộc đối thoại kinh doanh với tất cả các nền kinh tế lớn của châu Á, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN, cũng như với châu Âu.

Phó Thủ tướng Nga kiêm Trưởng ban Tổ chức EEF Yuri Trutnev cho biết, phát triển vùng Viễn Đông là ưu tiên của quốc gia trong thế kỷ XXI. Để hiện thực hóa chiến lược này, Chính phủ đã tạo ra một hệ thống hỗ trợ đầu tư phát triển toàn diện và năng động ở Viễn Đông. Với sự vắng bóng của EEF vào năm ngoái, Mátxcơva đã phần nào chịu tổn thất do sự sụt giảm hiện diện của khu vực này trong hoạt động kinh tế thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Các quan chức Nga kỳ vọng đầu tư nhiều hơn vào khu vực Viễn Đông sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ của khu vực này trong những năm tới. 

Nước Nga sẵn sàng hợp tác cùng có lợi với tất cả các nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ưu tiên phát triển vùng Viễn Đông. Tổng thống Nga V.Putin đã khẳng định như vậy trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của EEF. Nhiều kế hoạch phát triển vùng Viễn Đông đã được ông chủ Điện Kremlin đưa ra tại diễn đàn, như cải thiện môi trường kinh tế, xây dựng nhà ở, phát triển du lịch… Đây là những thông tin vô cùng quan trọng, đầy hứa hẹn đối với các nhà đầu tư, thể hiện ưu tiên của Mátxcơva ở khu vực rộng lớn, giàu tài nguyên và cũng ẩn chứa nhiều tiềm năng này.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục