EU yêu cầu 6 nước thành viên gỡ bỏ các hạn chế tại biên giới

Trong thông báo hôm 23/2, Ủy ban châu Âu đặt ra thời hạn 10 ngày để yêu cầu 6 nước thành viên gỡ bỏ việc đóng cửa hoặc kiểm soát quá chặt chẽ tại biên giới.

Theo thông báo từ Ủy ban châu Âu, 6 quốc gia thành viên gồm Đức, Bỉ, Đan Mạch, Hungary, Phần Lan và Thụy Điển đã vi phạm hướng dẫn chung về đối phó với đại dịch Covid-19 do Liên minh châu Âu ban hành hồi tháng 1/2021, khi áp đặt các hạn chế lớn tại biên giới, trong đó có cả lệnh cấm xuất cảnh và nhập cảnh đối với nhiều đối tượng.

Cảnh sát Đức kiểm tra khu vực biên giới tiếp giáp với vùng Tyrol của Áo. Ảnh: DW

Ủy ban châu Âu cho rằng, hành động của 6 quốc gia thành viên này có nguy cơ phá vỡ quy định về tự do di chuyển con người và hàng hóa nội khối, khi nhiều nước khác có thể áp dụng các biện pháp tương tự.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen từng nhiều lần khẳng định, châu Âu cần phải tuyệt đối không lặp lại sai lầm như hồi đầu đại dịch tháng 3/2020, khi các quốc gia thành viên ồ ạt đóng cửa biên giới một cách đơn phương, dẫn đến việc gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng hàng hóa trong khu vực. Vì thế, Ủy ban châu Âu đặt ra thời hạn 10 ngày để Đức, Bỉ, Đan Mạch, Hungary, Phần Lan và Thụy Điển gỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới.

Các chỉ trích đang tập trung nhiều vào phía Đức, nước đã ra lệnh đóng cửa một phần biên giới với nước láng giềng Cộng hòa Séc và vùng Tyrol của Áo do lo ngại sự xâm nhập của các biến thể virus SARS-CoV-2. Phía chính quyền Áo tuần qua đã triệu tập Đại sứ Đức tại Áo để yêu cầu giải thích về các biện pháp này, mà theo phía Áo là gây ra nhiều thiệt hại hơn là lợi ích.

Tuy nhiên, phản bác các chỉ trích từ phía châu Âu, Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Đức, Michael Roth bảo vệ quyết định của chính phủ Đức và cho rằng các biện pháp này là cần thiết trong thời điểm hiện nay bởi Đức là nước nằm ở vị trí giữa châu Âu, và là trạm trung chuyển từ Đông sang Tây Âu nên phải đối phó với nhiều nguy cơ hơn các nước khác.

“Các biện pháp này dĩ nhiên là tạo nên một sự căng thẳng lớn ở biên giới đối với sự qua lại của người dân, phương tiện và hàng hóa cũng như tác động đến thị trường đơn nhất châu Âu. Vì thế, chúng tôi đang làm việc mỗi ngày để cải thiện tình hình nhưng phải nhấn mạnh rằng việc bảo vệ các công dân của chúng tôi là nhiệm vụ lớn lao nhất. Tôi muốn nhắc lại rằng nhiều nước khác đã thực hiện các biện pháp khắc nghiệt hơn nhiều và tôi không lên án gì họ”, ông Michael Roth nhận định./.

Theo VOV.vn

Tin cùng chuyên mục