Iran cho phép IAEA sử dụng thiết bị giám sát cơ sở hạt nhân: Nỗ lực "hồi sinh" bản thỏa thuận lịch sử

Những bế tắc xung quanh vấn đề hạt nhân Iran đang có triển vọng được tháo gỡ sau khi nước này cho phép cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sử dụng các thiết bị giám sát ở những cơ sở hạt nhân. Đây được xem là bước đi tích cực trong bối cảnh các bên liên quan đang nỗ lực "hồi sinh" Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết vào năm 2015.

Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi (phải) và người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Mohammad Eslami
trong cuộc họp báo chung ngày 12-9.

Ngày 13-9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết, nước này sẽ sớm quay trở lại cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna (Áo), vốn bị đình chỉ kể từ tháng 6-2021 do những bất đồng không được thu hẹp. Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, sở dĩ 6 vòng đàm phán kéo dài suốt gần 2 tháng không đạt được bước đột phá nào là do Mỹ và Iran chưa thiết lập được những cơ sở để tin tưởng lẫn nhau.

Cần phải nhắc lại nguyên nhân trước hết dẫn đến sự đổ vỡ của JCPOA, được ký kết giữa Iran với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức), là do quyết định rút lui khỏi thỏa thuận của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khi còn đương nhiệm (năm 2018). Để đáp trả hành động của Mỹ, Iran đã phá vỡ một số cam kết được quy định bởi JCPOA, đặc biệt là việc liên tục nâng mức làm giàu urani. Ngay trong lúc vòng đàm phán tại Vienna (Áo) diễn ra vào giữa tháng 4 vừa qua, Iran đã thông báo nước này bắt đầu làm giàu urani ở mức tinh khiết 60%, được cho là mức rất gần cấp độ vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, theo JCPOA, Iran chỉ được làm giàu urani ở mức 3,67% trong vòng 15 năm. Với lý do cho rằng cựu Tổng thống Donald Trump là người phá bỏ thỏa thuận trước nên điều kiện của Tehran đưa ra là Mỹ phải chủ động quay lại JCPOA, đồng thời gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Về phía Mỹ, với quan điểm cho rằng việc kiềm chế chương trình hạt nhân Iran là một ưu tiên an ninh quốc gia, Tổng thống Joe Biden muốn Iran phải có hành động trước, đặc biệt là việc giảm cấp độ làm giàu urani.

Chính vì thế, việc Iran đạt được thỏa thuận với IAEA được xem là bước đi nhún nhường của Tehran. Theo đó, thanh sát viên của IAEA được phép sử dụng các thiết bị giám sát lắp tại các cơ sở hạt nhân Iran. Các dữ liệu sẽ được niêm phong, lưu trữ tại Iran và được hai bên giám sát chung. Phát biểu tại cuộc họp báo sau chuyến công tác tới Iran ngày 13-9, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết, cuộc hội đàm giữa hai bên đã mang lại kết quả tích cực, mở đường cho các nỗ lực ngoại giao với mục tiêu rộng lớn hơn.

Theo Hãng tin Reuters, phản ứng trước động thái tích cực của Iran, ngày 13-9, Mỹ, Pháp, Anh và Đức đã hủy bỏ quyết định thúc đẩy một nghị quyết chỉ trích Iran tại Hội đồng thống đốc IAEA. Trong khi đó, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, ông Mikhail Ulyanovc cũng hoan nghênh kết quả đạt được giữa Iran và IAEA, đồng thời kêu gọi các bên liên quan sớm quay trở lại bàn đàm phán.

Hiện tại, các cường quốc tham gia JCPOA vẫn đang tích cực thúc đẩy những nỗ lực nhằm “hồi sinh” bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Các chuyến ngoại giao con thoi giữa các bên liên tục được thực hiện. Tuần trước, Đặc phái viên của Mỹ về Iran Robert Malley đã tới thăm Nga và Pháp để tham vấn các điều kiện thực thi thỏa thuận sơ bộ về việc hai bên tuân thủ JCPOA. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Amir-Abdollahian cũng khẳng định, nước này không tìm cách rời khỏi bàn đàm phán mà muốn thay đổi cách tiếp cận. "Chúng tôi không chấp nhận cách tiếp cận lãng phí thời gian, thay vào đó là những kết quả cụ thể vì lợi ích của người dân Iran”, ông Amir-Abdollahian nói. Theo các nhà phân tích, thái độ thiện chí của các bên đang phát đi tín hiệu tích cực đối với hy vọng khôi phục JCPOA vốn đã rơi vào bế tắc do những bất đồng trong thời gian qua.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục