Iran tìm cách nối lại đàm phán về thỏa thuận hạt nhân: Tín hiệu tích cực

Ngay sau khi thành lập, chính phủ mới của Iran đã bắt tay vào tiến trình điều hành đất nước. Bước đi đầu tiên được giới quan sát quốc tế xem là một tín hiệu tích cực, đó là việc chính phủ Iran đang tìm cách nối lại đàm phán với các nước lớn nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân hay còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) đã ký năm 2015 tại Vienna (Áo) giữa Iran với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Đức, Pháp. Đây cũng là cách để Iran từng bước được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và mở đường cho nền kinh tế phát triển.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi khẳng định Tehran mong muốn và sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán
 JCPOA nhưng không chấp nhận sức ép.

Hãng tin Reuters ngày 5-9 cho hay, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã bày tỏ mong muốn tìm kiếm các cuộc đàm phán có phương hướng mục tiêu cụ thể nhằm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với người dân Iran. Tuyên bố này tái khẳng định quan điểm được Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian chia sẻ trước đó ít ngày, trong đó nêu rõ Tehran sẽ tiếp tục đàm phán về thực hiện Kế hoạch hành động toàn diện chung. Ông đồng thời nhấn mạnh, trọng tâm đối ngoại của Iran giờ đây chính là các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna (Áo). Các nhà lãnh đạo Iran rất lạc quan về khả năng nối lại đàm phán, sớm nhất là sau 2 tháng nữa.

Động thái mới của Iran diễn ra trong bối cảnh các nước châu Âu từ đầu tháng 9 liên tục hối thúc Tehran nhanh chóng trở lại đàm phán. Sở dĩ có sự hối thúc này bởi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hồi tháng 8 công bố báo cáo về việc Iran đã làm giàu uranium đến gần hơn mốc có thể chế tạo bom hạt nhân.

Thông qua điện đàm, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh với Ngoại trưởng Iran về tầm quan trọng, khẩn thiết của việc nối lại đàm phán về thỏa thuận hạt nhân. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Đức thúc giục Tehran trở lại bàn đàm phán sớm nhất có thể.

Theo giới quan sát, việc các bên liên quan đến JCPOA mong muốn có được tiếng nói chung là tín hiệu đáng mừng đối với số phận của thỏa thuận vốn rơi vào khủng hoảng từ giữa năm 2019. Đây là thời điểm Iran từng bước dừng thực thi cam kết của mình sau khi chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Tuy nhiên, diễn biến mới không đồng nghĩa thỏa thuận lịch sử này ngay lập tức nhận được sự đồng thuận. "Kể từ khi các cuộc đàm phán về khả năng Mỹ quay trở lại JCPOA, tổng cộng 6 vòng tranh luận đã trôi qua nhưng bất đồng nghiêm trọng giữa Washington và Tehran vẫn không được hóa giải" - các chuyên gia phân tích.

Iran khẳng định chỉ giảm bớt các hoạt động hạt nhân nếu Mỹ quay trở lại thực hiện đầy đủ, minh bạch tất cả các cam kết của Washington trong JCPOA và Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong khi đó, Mỹ vẫn bộn bề với vấn đề Afghanistan, do đó chỉ chờ đợi động thái tiếp theo từ Iran. Những diễn biến căng thẳng gần đây như việc Washington trừng phạt 4 công dân Iran, hay Israel cáo buộc Iran liên quan tới chiếc tàu chở dầu của Israel bị tấn công ngoài khơi Oman vào cuối tháng 7 vừa qua rồi sau đó Iran phủ nhận việc này... càng “đổ dầu vào lửa”. Thậm chí, trong cuộc gặp mới đây với Thủ tướng Israel Naftali Bennett, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định sẽ “đặt ngoại giao lên trước tiên" trong nỗ lực kiềm chế chương trình hạt nhân Iran nhưng sẵn sàng “dùng các giải pháp khác nếu cần thiết”. Tuyên bố này ngay lập tức bị giới chức Iran lên án là sự đe dọa bất hợp pháp.

Việc hóa giải căng thẳng trong vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran tuy đã có những tín hiệu thuận lợi, nhưng chắc chắn không thể giải quyết trong “một sớm, một chiều”. Tuy nhiên, việc các bên liên quan thể hiện mong muốn ngồi vào bàn đàm phán được quốc tế hoan nghênh. Điều này không chỉ giúp chính quyền mới của Iran cải thiện kinh tế - xã hội trong nước mà hứa hẹn mang đến sự ổn định cho khu vực Trung Đông vốn đã trải qua nhiều sóng gió.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục