Israel ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 theo ngày cao nhất

Theo thống kê, tính đến 6h ngày 1-9, thế giới ghi nhận tổng cộng 218.433.604 ca mắc Covid-19, trong đó có 4.531.666 ca tử vong.

Một học sinh ở Jerusalem cầm bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 trong chiến dịch xét nghiệm trên toàn quốc
trước khi các trường học ở Israel mở cửa.

Số ca nhiễm trên toàn thế giới đang tăng trở lại do sự lây lan của biến chủng Delta, đặc biệt ở nhóm người chưa tiêm vắc xin, cũng như việc nhiều nước dần nới lỏng các biện pháp chống dịch.

Châu Á

Theo Guardian, ngày 31-8, Israel đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 hằng ngày cao nhất với gần 11.000 ca nhiễm mới, trong bối cảnh các trường học chuẩn bị mở cửa trở lại. Các ca nhiễm cao nhất trước đó là vào ngày 18-1, với 10.118 trường hợp.

Bất chấp các ca nhiễm mới gia tăng trở lại do biến chủng Delta, Israel đang thúc đẩy kế hoạch mở cửa hoàn toàn hệ thống trường học của mình vào ngày 1-9 khi cố gắng tăng tỷ lệ tiêm chủng. Thủ tướng Naftali Bennett khẳng định, sự gia tăng có thể được kiểm soát thông qua tiêm chủng và các biện pháp bảo vệ như khẩu trang.

Tại Đông Nam Á, Singapore - một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, với 80% dân số nước này đã được tiêm phòng đầy đủ tính tới ngày 29-8, đã ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng ở mức cao nhất trong 6 tuần qua, với 156 ca mắc Covid-19.

Cùng ngày, Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 của Thái Lan (CCSA) thông báo, nước này ghi nhận thêm 14.666 ca mắc mới và 190 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh ở nước này lên 1.204.729 ca và 11.589 ca tử vong. Đến nay, gần 11% trong tổng số 69 triệu dân của nước này đã được tiêm chủng đầy đủ. Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối năm nay.

Bộ Y tế Lào đã ghi nhận 199 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 64 ca trong cộng đồng, số còn lại là các ca nhập cảnh và được cách ly ngay. Các ca lây nhiễm trong cộng đồng trong 1 ngày rải rác ở nhiều tỉnh, đặc biệt thủ đô Viêng Chăn là nơi có nhiều ca lây nhiễm nhất, với 24 ca, đặc biệt có nhiều ca làm việc tại các nhà máy. Điều này buộc chính quyền thành phố phải áp đặt thêm nhiều biện pháp chặt chẽ mới để phòng, chống nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng, trong đó có lệnh giới nghiêm từ 22h đến 5h sáng hằng ngày. 

Dịch bệnh tại Campuchia đã có tín hiệu khả quan. Mặc dù số ca nhiễm biến chủng Delta tiếp tục tăng, nhưng tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Campuchia ngày 31-8 vẫn ở mức thấp dưới 450 ca/ngày tương tự nhiều ngày gần đây. 

Trước tình hình trên, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã chỉ đạo Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao nước này thảo luận với lãnh đạo các tỉnh, thành phố về việc mở cửa trở lại trường học ở các khu vực không có rủi ro lây nhiễm Covid-19 sau khi đại dịch phần nào được kiểm soát. 

Tại Nhật Bản, các nhà khoa học của Đại học Y và Nha khoa Tokyo vừa phát hiện một loại biến chủng Delta mới mang đột biến tương tự như biến chủng Alpha. Loại biến chủng Delta mới này được phát hiện ở một bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại một bệnh viện thuộc trường đại học này vào đầu tháng 8. Bệnh nhân này chưa từng đi ra nước ngoài và mắc Covid-19 do tiếp xúc cộng đồng. Cho đến nay, có 8 ca nhiễm biến chủng Delta mới được ghi nhận ở bên ngoài Nhật Bản, nhưng vẫn chưa rõ mức độ lây lan của biến chủng này.

Châu Âu

Dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp tại châu Âu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, đến tháng 12-2021, có thể sẽ có thêm 236.000 người tử vong do Covid-19 tại châu Âu, qua đó báo động về tình trạng gia tăng lây nhiễm cũng như công tác tiêm chủng đình trệ ở châu lục này.

Giám đốc WHO tại châu Âu Hans Kluge cho biết, con số dự báo trên được đưa ra dựa trên số ca tử vong do Covid-19 thực tế tại châu Âu trong 1 tuần qua (tăng 11%), trong bối cảnh số ca tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt 4,5 triệu người kể từ khi đại dịch này bùng phát tháng 12-2019, trong đó, khoảng 1,3 triệu ca ở châu Âu. 

Trong khi đó theo Guardian ngày 31-8, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo  rằng, 70% dân số trưởng thành của Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm phòng đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19, đạt được mục tiêu mà họ đã đặt ra vào đầu năm.

Tuy nhiên, dù đạt được mục tiêu chung nhưng chiến dịch tiêm chủng tại EU vẫn bộc lộ những điểm khác biệt lớn giữa các quốc gia thành viên, trong đó một số nước đã vượt chỉ tiêu tiêm chủng, trong khi những nước nghèo hơn ở khu vực phía Đông lại có tỷ lệ thấp hơn nhiều. 

Chính phủ Anh sẽ thúc đẩy kế hoạch hộ chiếu vắc xin cho các hộp đêm và các địa điểm trong nhà ở Anh từ cuối tháng 9. Ireland đã công bố kế hoạch xóa bỏ tất cả các hạn chế ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19 trước ngày 31-10.

Năm học mới đã bắt đầu tại nhiều bang ở Đức, song không phải tất cả các bang này học sinh đều trở lại trường sau kỳ nghỉ, bởi nhiều bang đang ghi nhận sự gia tăng về số ca mắc Covid-19 ở học sinh và giáo viên. Mặc dù đã có quy định về cách ly nhằm hạn chế sự lây lan của dịch trong trường học, việc áp dụng những quy định này tại các bang lại khác nhau.

Bộ trưởng Bộ Y tế liên bang Đức Jens Spahn đã lên tiếng ủng hộ việc áp dụng quy định cách ly thống nhất ở trường học và muốn thảo luận về vấn đề này với các bang để có thể áp dụng quy định một cách đồng bộ trên cả nước. 

Trước tình hình trên, EU đã khuyến nghị các nước thành viên đưa 6 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, ra khỏi danh sách miễn trừ quy định hạn chế hoạt động đi lại không thiết yếu trong thời gian bùng phát đại dịch Covid-19. 

Châu Mỹ

Ngày 31-8, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra cảnh báo về việc sử dụng một loại thuốc có tên Ivermectin để điều trị Covid-19 sau khi một số người phải nhập viện. Ivermectin là một loại thuốc được sử dụng trên ngựa để ngăn nhiễm ký sinh trùng. Nhưng FDA cho biết họ đã "nhận được nhiều báo cáo về những bệnh nhân cần hỗ trợ y tế và phải nhập viện sau khi tự điều trị bằng Ivermectin".

Theo FDA, sử dụng bất kỳ phương pháp điều trị Covid-19 nào không được FDA chấp thuận hoặc cho phép, trừ khi là một phần của thử nghiệm lâm sàng, có thể gây ra tác hại nghiêm trọng.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục