Malaysia ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 trong ngày cao kỷ lục

Tính đến 6h ngày 13-9, thế giới đã có 225.435.856 ca mắc Covid-19, 4.643.291 trường hợp tử vong. Tình hình dịch bệnh tại một số quốc gia châu Á vẫn diễn biến phức tạp. Malaysia thông báo số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất từ trước tới nay.


 Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại Seeon-Seebruck (Đức).

Châu Á

Malaysia thông báo ghi nhận thêm 592 ca tử vong trong 24 giờ qua - mức cao nhất trong ngày từ trước đến nay, đưa tổng số người không qua khỏi tại quốc gia Đông Nam Á này lên 20.419 ca.

Từ ngày 3-10 tới, Bộ Giáo dục Malaysia sẽ thực hiện kế hoạch mở cửa trở lại trường học dựa trên tiêu chí đánh giá của Kế hoạch phục hồi quốc gia (NRP) gồm 4 giai đoạn. Những trường học tại các bang đang nằm trong giai đoạn 1 sẽ tiếp tục đóng cửa. Tại những bang ở giai đoạn 2, các trường học có nhu cầu có thể mở cửa trở lại nhưng cũng chỉ được phép hoạt động 50% công suất: Chỉ có 50% số học sinh có thể đến trường trong một tuần và 50% còn lại học trực tuyến. Hai nhóm hoán đổi cho nhau và lịch luân phiên được tiếp nối đến hết học kỳ. Còn những bang ở giai đoạn 3 và 4 sẽ mở cửa trở lại vào ngày 3-10 tới.

Đến thời điểm hiện tại chỉ còn lại 2 bang là Kedah và Johor đang ở giai đoạn 1 do số ca nhiễm mới Covid-19 hằng ngày vẫn cao và tỷ lệ hoàn thành tiêm chủng chưa đạt 70% số người trưởng thành.

Trước nguy cơ bùng phát đợt dịch mới, một số tỉnh của Lào đã siết chặt các biện pháp phòng dịch sau khi ghi nhận nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Chính quyền tỉnh Savannakhet vừa yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt nhiều biện pháp phòng, chống dịch như cấm người dân ra vào vùng đỏ. Thành phố Kaysone Phomvihan đặt lệnh giới nghiêm từ 20h hôm trước đến 5h hôm sau, người tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19 bị cấm di chuyển sang địa phương khác nếu chưa hoàn thành 14 ngày cách ly.

Ngoài ra, các lễ hội truyền thống, tập trung đông người, cơ sở giáo dục và cơ sở giải trí, du lịch, vận tải hành khách ở thành phố sẽ tạm dừng hoạt động. Trong khi đó, chính quyền tỉnh Luang Prabang cũng đã có cuộc họp khẩn để xem xét các biện pháp phản ứng, yêu cầu cơ quan y tế cải thiện việc quản lý các trung tâm cách ly, lập kế hoạch mở bệnh viện dã chiến để tiếp nhận thêm người bệnh; đồng thời xem xét việc áp dụng thêm biện pháp phòng, chống lây nhiễm chặt chẽ hơn, trong đó có khả năng phong tỏa toàn tỉnh, không cho phép ra/vào tỉnh nếu không thực sự cấp thiết. Tỉnh Salavan ở miền Nam Lào cũng thiết lập các chốt kiểm soát giao thông nhằm tăng cường kiểm tra việc tuân thủ quy định về đi lại và phòng dịch của người dân sau khi ghi nhận nhiều ca trong cộng đồng.

Châu Âu

Anh quyết định bỏ kế hoạch bắt buộc mọi người dân ở vùng England phải trình "hộ chiếu vắc xin" nếu muốn tham gia các sự kiện đông người, như các buổi tập trung tại các câu lạc bộ đêm. Trước đó, Chính phủ Anh từng thông báo việc triển khai kế hoạch sẽ được công bố vào cuối tháng 10 này dù vấp phải sự phản đối từ phía các doanh nghiệp. Hiện, Anh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho hơn 80% người dân trên 16 tuổi và sẽ sớm công bố quyết định về việc có tiêm cho trẻ từ 12-15 tuổi hay không.

Trong tuần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ đề xuất các kế hoạch để ứng phó với đại dịch Covid-19 trong những tháng thu - đông sắp tới, để ngỏ rằng chính phủ có thể sẽ dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế nhờ chiến dịch tiêm phòng. Theo đó, trong các kế hoạch sắp được công bố, chính phủ sẽ làm rõ hơn về hiệu quả của chương trình tiêm phòng Covid-19 tại quốc gia này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi người dân nước này hưởng ứng chiến dịch tuần lễ tiêm phòng Covid-19 từ ngày 13-9 để đến tiêm miễn phí tại nhiều địa điểm công cộng trên cả nước. Hiện Chính phủ Đức đang triển khai chiến dịch thúc đẩy tiêm chủng quy mô lớn để khuyến khích những người dân vẫn còn do dự đi tiêm phòng Covid-19. Chiến dịch được thực hiện trong bối cảnh Berlin lo ngại tỷ lệ 62% người dân được tiêm phòng đầy đủ hiện nay là chưa đủ an toàn để giúp tránh được làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng vào mùa đông tới.

Châu Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố các bước đi mới nhằm làm chậm lại tốc độ lây lan của dịch Covid-19 trước khi Đại hội đồng Liên hợp quốc nhóm họp vào ngày 14-9.

Hiện Mỹ đang triển khai kế hoạch bao gồm 6 mũi nhọn để ngăn sự lây lan của đại dịch Covid-19 và thúc đẩy chương trình tiêm chủng trên toàn quốc. Đáng chú ý, kế hoạch này bao gồm một sắc lệnh yêu cầu toàn bộ nhân viên liên bang và các nhà thầu của chính phủ phải tiêm chủng, hoặc phải xét nghiệm Covid-19 thường xuyên cũng như chịu một số hạn chế khác như bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi làm việc.

Cho đến nay, mới chỉ có hơn 53% dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ, tức khoảng 2/3 số người trưởng thành.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục