Nhật Bản loại bỏ 1,6 triệu liều vắc xin Moderna vì ghi nhận tạp chất

Đến 6h ngày 26-8, thế giới ghi nhận 214.654.373 ca nhiễm Covid-19, trong đó, 4.474.751 người đã tử vong, 192.012.563 người đã bình phục.


Ảnh minh họa.

Châu Á - châu Đại Dương

Ngày 26-8, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, nước này quyết định không sử dụng 1,6 triệu liều vắc xin Moderna sau khi nhiều trung tâm tiêm chủng của nước này ghi nhận vật thể lạ trong các lọ chứa. Vắc xin Moderna tại Nhật Bản do công ty Takeda Pharmaceutical phân phối. 

Nhật Bản cũng đưa thêm 8 tỉnh vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp, gồm Hokkaido ở phía Bắc, Miyagi, Gifu, Aichi ở miền Trung và Mie, Shiga, Okayama, Hiroshima ở phía Tây. Tình trạng khẩn cấp ở 8 tỉnh này sẽ có hiệu lực đến ngày 12-9 (giống như 13 tỉnh, thành khác đang áp dụng). Cùng với đó, Nhật Bản cũng đưa thêm 4 tỉnh khác vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm, gồm Kochi, Saga, Nagasaki và Miyazaki.

Ấn Độ sẽ phân phối bổ sung khoảng 20 triệu liều vắc xin Covid-19 cho các bang trong nỗ lực đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên vào đầu tháng 9 tới, khi quốc gia châu Á này dần mở cửa đón học sinh trở lại các lớp học trực tiếp.

Ở khu vực Đông Nam Á, ổ dịch nghiệm trọng nhất khu vực vẫn là Indonesia, tuy nhiên, chính quyền thủ đô Jakarta đã lên kế hoạch mở cửa các trường học từ ngày 30-8 sau khi kết thúc lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM).

Malaysia ghi nhận tình hình dịch bệnh ngày càng đáng lo ngại. Trong đó, riêng ngày 25-8, số ca tử vong ở mức 265 trường hợp (đứng thứ tư trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, chính phủ nước này tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng cải thiện tình hình. 

Tại Lào, tỉnh Savannakhet đã ra lệnh phong tỏa ít nhất đến ngày 5-9. Theo đó, một số vùng trên địa bàn tỉnh này được xếp vào nhóm đỏ và vàng. Trong đó, thành phố Kaysone Phomvihan đã ban hành giờ giới nghiêm, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 20h hôm trước đến 5h hôm sau, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp đã được nhà chức trách cấp phép. Đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại Lào đã lên tới 13.909 ca, trong đó có 11 người tử vong.

Tại Australia, hãng hàng không Qantas ghi nhận khoản lỗ 1,8 tỷ USD do việc đi lại đình trệ trên toàn cầu trong năm tài khoá 2021. Như vậy, tính từ đầu dịch, hãng này đã thiệt hại khoảng 16 tỷ USD và con số dự kiến có thể lên tới 20 tỷ USD vào cuối năm nay.  

Châu Âu

Pháp đã quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách để phòng dịch tại các vùng lãnh thổ hải ngoại ở vùng Caribbean. Kế hoạch mở lại các trường học ở những khu vực này và tỉnh hải ngoại Guyana thuộc Pháp sẽ lùi đến ngày 13-9.

Italia đang xem xét việc yêu cầu xuất trình thẻ xanh - bằng chứng về việc tiêm chủng, xét nghiệm hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 tại nơi làm việc, bao gồm các cơ quan công quyền và siêu thị. Trước đó, từ ngày 6-8, người dân nước này đã bắt buộc phải có thẻ xanh để tiếp cận các dịch vụ và hoạt động không thiết yếu. Chính phủ Italia sau đó đã yêu cầu thêm giáo viên, sinh viên và những người sử dụng các phương tiện giao thông đường dài cũng phải xuất trình thẻ này từ ngày 1-9.

Thụy Sĩ cân nhắc biện pháp yêu cầu nhân viên và khách đến đa số các khu vực công cộng trong nhà phải trình giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2, đã tiêm chủng hoặc đã bình phục sau khi mắc Covid-19. Yêu cầu này sẽ áp dụng đối với các sự kiện, hoạt động văn hóa, cùng các địa điểm gồm trung tâm thể thao, nhà hàng, quán bar, địa điểm giải trí như rạp chiếu phim, bảo tàng...

Châu Mỹ

Tại Mỹ, hãng dược Pfizer thông báo đang phát triển một loại vắc xin ngừa Covid-19 được nghiên cứu đặc biệt để đối phó với biến thể Delta. Trong khi đó, hãng dược Johnson & Johnson (J&J) thông báo, mũi thứ hai của vắc xin đơn liều do hãng này sản xuất có thể giúp cơ thể người được tiêm sản sinh lượng kháng thể cao hơn gấp 9 lần so với mức độ kháng thể được ghi nhận sau khi tiêm mũi thứ nhất.

Xứ Cờ hoa tiếp tục tìm cách khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng khi biến thể Delta đang lây lan tại nhiều bang. Mỹ hiện ghi nhận 39.138.400 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 152.888 ca nhiễm mới. 

Tại Nam Mỹ, Bộ Y tế Brazil cho biết sẽ triển khai chương trình tiêm mũi vắc xin Covid-19 tăng cường cho các đối tượng có vấn đề về hệ miễn dịch và người trên 70 tuổi kể từ giữa tháng 9 tới.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục