Nước Mỹ tưởng niệm 500.000 người thiệt mạng trong đại dịch Covid-19

Tối 22-2 theo giờ Mỹ, tức sáng 23-2 giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự buổi lễ tưởng niệm 500.000 người dân nước này đã tử vong vì đại dịch Covid-19. Tính đến 6h ngày 23-2, thế giới đã có 112.102.423 ca mắc Covid-19, trong đó, 2.484.220 trường hợp tử vong.


Số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ đã vượt mốc 500.000 người.

Châu Mỹ

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, việc treo cờ rủ sẽ diễn ra trong 5 ngày và Tổng thống Biden sẽ có bài phát biểu toàn quốc từ Nhà Trắng. Đây là lễ tưởng niệm nạn nhân Covid-19 lần thứ hai mà ông Biden tổ chức kể từ khi lên nắm quyền. Hoạt động này nhấn mạnh mức độ mất mát do đại dịch gây ra đối với người dân và nhiều gia đình trên khắp nước Mỹ. Tổng thống Joe Biden sẽ động viên người dân Mỹ trong cuộc chiến chống đại dịch bằng cách cùng nhau làm việc, tuân theo các hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng và tiêm chủng ngay khi đủ điều kiện. 

Trước đó, Tổng thống Biden cũng đã cảnh báo số người tử vong vì Covid-19 tại Mỹ có thể vượt ngưỡng 600.000, tuy nhiên hiện có nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy cuộc chiến chống đại dịch đang đạt được tiến bộ ở Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới khi số ca nhiễm và tử vong vì vi rút SARS-CoV-2 đang giảm mạnh, trong khi số lượng vắc xin tăng lên đáng kể.

Châu Âu

Hàng trăm nghìn học sinh Đức đã quay trở lại trường học sau hai tháng nghỉ nhằm ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch. Hầu hết các trường đều hạn chế việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 quay trở lại trường học. Sĩ số lớp cũng giảm 50% và các học sinh đều phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, trong đó có đeo khẩu trang và mở cửa lớp học. Dù các trường học tại 10 bang của Đức đã được mở cửa trở lại, nhưng nước này đã gia hạn các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa dịch bệnh đến ngày 7-3. Dự kiến, các cửa hàng làm tóc cũng sẽ được mở cửa trở lại vào tuần tới.

Thủ tướng Angela Merkel dự định đưa ra một chiến lược thận trọng để dần mở cửa lại nền kinh tế - xã hội ở Đức. Việc mở cửa phải được thực hiện một cách linh hoạt và đồng bộ với việc mở rộng quy mô xét nghiệm. Theo đó, Đức sẽ dần thực hiện nới lỏng hạn chế ở 3 lĩnh vực, thứ nhất là các tiếp xúc cá nhân; thứ hai là ở các trường học, trường dạy nghề và thứ ba là lĩnh vực thể thao, nhà hàng và văn hóa. Việc điều chỉnh sẽ được theo dõi và tiến hành sau mỗi giai đoạn khoảng nửa tháng để biết được hiệu quả và tình hình dịch bệnh sau giai đoạn được nới lỏng trước đó.

Tại Anh, các trường học ở xứ England sẽ mở cửa trở lại vào ngày 8-3, 2 người có thể gặp gỡ nhau ngoài trời và có thể uống cà phê cùng nhau. Từ ngày 29-3, 2 gia đình, tương đương với 6 người, có thể gặp gỡ nhau bên ngoài và các hoạt động thể thao ngoài trời cũng sẽ được nối lại. Lộ trình trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Anh vừa quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. 

Chính phủ Ba Lan dự kiến công bố các quy định mới về điều kiện nhập cảnh, Theo đó, những người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính, người nhập cảnh sẽ không phải tiến hành cách ly. Hiện, Ba Lan đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ ba dịch Covid-19 sau khi ghi nhận thêm khoảng 8.000 ca mắc mỗi ngày. Lực lượng chức năng nhận định Ba Lan có thể chạm ngưỡng đỉnh dịch vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới.   

Châu Á

Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đã ra thông báo của Thủ tướng Hun Sen đồng ý cho phép tạm ngừng hoạt động tất cả các trường công lập và trường tư thục tại thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal (giáp ranh) trong thời gian 2 tuần để ngăn ngừa tốc độ lây lan của đại dịch.

Chính phủ Thái Lan cũng đã gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp cho đến cuối tháng 3, đồng thời cho phép nới lỏng một số biện pháp kiềm chế sự lây lan của Covid-19. Dự kiến, việc nới lỏng các biện pháp kiềm chế Covid-19 sẽ được áp dụng cho tất cả các tỉnh ngoại trừ Samut Sakhon - tâm điểm của đợt bùng phát thứ hai dịch Covid-19 của Thái Lan. 

Tại Ấn Độ, chính quyền thành phố Mumbai đã phải áp đặt các biện pháp hạn chế mới do số ca nhiễm mới nơi đây gia tăng. Theo đó, toàn bộ các cuộc tụ họp tôn giáo, xã hội và chính trị đều bị cấm ở Mumbai cũng như tại các địa phương của bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ, nơi sinh sống của khoảng 110 triệu người, sau khi các ca nhiễm ở đây lên cao bằng mức hồi tháng 10-2020. 

Thủ hiến bang Maharashtra, ông Uddhav Thackeray, quan ngại nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai dịch Covid-19 tại bang này, vốn đã cướp đi sinh mạng của gần 52.000 người kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Do đó, ông đề nghị người dân tuân thủ việc đeo khẩu trang và tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch. Chính quyền bang sẽ xem xét lại tình hình sau 8 ngày nữa và sẽ quyết định về việc có phong tỏa hay không.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục