Phát hiện ngoại hành tinh mới mát mẻ như Trái đất

Các nhà khoa học phát hiện ngoại hành tinh mới với bầu khí quyển đã chín muồi cho việc nghiên cứu.


Minh họa ngoại hành tinh quay quanh một ngôi sao giống Mặt trời. Ảnh: Đài thiên văn phía Nam của Châu Âu

Nhóm các nhà khoa học quốc tế trong đó có thành viên từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA và Đại học New Mexico, Mỹ, phát hiện ra một ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt trời) mới có kích cỡ tiểu sao Hải Vương, nhiệt độ dễ chịu với chu kỳ quỹ đạo 24 ngày quay quanh một ngôi sao lùn đỏ.

Nghiên cứu về ngoại hành tinh TOI-1231b quay quanh sao lùn đỏ M3 NLTT 24399 sắp xuất bản trên tạp chí The Astronomical Journal.

Ngoại hành tinh TOI-1231b được phát hiện qua dữ liệu từ Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh Chuyển tiếp (TESS) và được theo dõi qua thiết bị trên kính thiên văn Magellan Clay tại Đài quan sát Las Campanas ở Chile.

Nhà khoa học NASA JPL Jennifer Burt, tác giả chính của bài báo đã đo cả bán kính và khối lượng của ngoại hành tinh vừa phát hiện.

Diana Dragomir - giáo sư trợ lý tại khoa Vật lý và Thiên văn của Đại học New Mexico cho hay: "Dù TOI 1231b gần ngôi sao của nó hơn 8 lần so với khoảng cách của Trái đất và Mặt trời, nhưng nhiệt độ của nó tương tự như Trái đất nhờ ngôi sao chủ mát hơn và ít sáng hơn". Tuy nhiên, hành tinh này có kích thước lớn hơn Trái đất và nhỏ hơn một chút so với sao Hải Vương nên được gọi là tiểu sao Hải Vương.

Với nhiệt độ khoảng 60 độ C, TOI-1231b là một trong những ngoại hành tinh nhỏ, mát nhất có thể tiếp cận được để nghiên cứu khí quyển.

Theo giáo sư trợ lý Diana Dragomir, những quan sát trong tương lai về hành tinh mới này sẽ giúp các nhà khoa học xác định mức độ phổ biến (hoặc hiếm có) của các đám mây nước hình thành xung quanh kiểu hành tinh nhỏ và mát mẻ như TOI-1231b hoặc một hành tinh tương tự trước đó là K2-18b.

Nhóm nghiên cứu nhận định, mật độ thấp của TOI- 1231b cho thấy hành tinh này có bầu khí quyển bao quanh đáng kể, có thể là hydro hoặc hydro-heli hoặc một bầu khí quyển hơi nước dày đặc hơn.

Mỗi thành phần trong bầu khí quyển tìm được ở ngoại hành tinh này sẽ hướng đến một nguồn gốc khác nhau. Qua đó, các nhà thiên văn học có thể hiểu cách các hành tinh hình thành quanh các sao lùn đỏ khác nhau như thế nào và so sánh với các hành tinh xoay quanh Mặt trời.

"Hành tinh mới phát hiện này vẫn còn kỳ lạ nhưng là một bước gần hơn với cấp độ nào đó giống các hành tinh lân cận của chúng ta. So với hầu hết các hành tinh chuyển tiếp được phát hiện từ trước đến nay thường có nhiệt độ thiêu đốt hàng trăm hoặc hàng nghìn độ, TOI-1231b thực sự rất lạnh" - tác giả Jennifer Burt nói.

Theo Lao Động

Tin cùng chuyên mục