Quan hệ Ba Lan - EU: Thêm dấu hiệu rạn nứt

Quan hệ giữa Ba Lan và Liên minh châu Âu (EU) ngày càng xuất hiện những tín hiệu “lạc nhịp” khi thời gian gần đây, Ba Lan liên tục đưa ra động thái cho thấy sự bất đồng với nhiều quyết định của “ngôi nhà chung” 27 thành viên này. Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế lo ngại, những dấu hiệu rạn nứt giữa Ba Lan và EU sẽ thúc đẩy xu hướng bài liên minh, nhất là khi Anh đã từ bỏ tư cách thành viên của tổ chức này.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng Ba Lan chưa đáp ứng được tất cả các yêu cầu cải cách.

Tranh cãi lần này liên quan tới việc EU quyết định phong tỏa các khoản tiền từ Quỹ phục hồi (RRF) trị giá 35,4 tỷ euro sau đại dịch Covid-19 dành cho Ba Lan. Thực tế, Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp cao nhất của EU, đã phê duyệt kế hoạch phục hồi của Ba Lan vào tháng 5-2022, song cơ quan này vẫn chưa giải ngân đợt đầu tiên do lo ngại liên quan đến vấn đề độc lập tư pháp ở Ba Lan.

Mới đây, phát biểu tại Đại học Princeton của Mỹ, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhắc lại quan điểm cho rằng, Ba Lan vẫn chưa đáp ứng tất cả các yêu cầu tiếp tục cải cách. Bà nhấn mạnh: “EC là cơ quan bảo vệ các hiệp ước của EU và sở hữu các công cụ của mình để bảo vệ chúng. Vấn đề là EU tin rằng không còn độc lập tư pháp ở Ba Lan nữa”. Điều này cho thấy, những bất đồng bấy lâu giữa EU và Ba Lan liên quan tới lĩnh vực này chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Trên thực tế, cuộc tranh luận bắt nguồn từ nỗ lực thay đổi các thể chế nhà nước của đảng Pháp luật và Công lý (PiS) Ba Lan sau khi lên nắm quyền vào năm 2015. Theo EU, những cải cách mà Ba Lan thực hiện đã vi phạm nguyên tắc tư pháp độc lập và công bằng, một nghĩa vụ quan trọng đối với bất kỳ quốc gia thành viên nào. EU đã tiến hành các cuộc đối thoại với Ba Lan để giải quyết tranh cãi, song EC cho rằng, Ba Lan vẫn chưa có nhiều tiến bộ, buộc Ủy ban phải có hành động cần thiết.

Trong khi đó, Ba Lan tuyên bố đã đáp ứng các nghĩa vụ của mình. Trong một bài phỏng vấn báo chí mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Marcin Przydacz cho biết, nước này sẽ thực hiện các khoản đầu tư và cải cách trong kế hoạch phục hồi bất kể EC có giải ngân đợt đầu tiên từ nguồn vốn trên hay không. Tuy nhiên, sau đó Chính phủ Ba Lan sẽ gửi cho EC các hóa đơn. Nếu cơ quan điều hành EU vẫn từ chối cấp các khoản thanh toán, Ba Lan sẽ đưa vụ việc ra trước Tòa án Công lý của EU.

Gia nhập EU từ năm 2004, quan hệ giữa Ba Lan với “ngôi nhà chung” EU không mấy khi thuận buồm xuôi gió. Càng ngày, những dấu hiệu rạn nứt càng xuất hiện với tần suất dày đặc hơn. Cuối tháng 9 vừa qua, EU đã cảnh báo Ba Lan "trốn" điều tra về phần mềm gián điệp khi một phái đoàn gồm các thành viên của Nghị viện châu Âu (EP) có ý định gặp gỡ các quan chức của Quốc hội Ba Lan nhưng phái đoàn đã bị Chính phủ Ba Lan từ chối.

Người đứng đầu phái đoàn và là nghị sĩ người Hà Lan Jeroen Lenaers cho biết, động thái của Chính phủ Ba Lan là một dấu hiệu cho thấy sự thiếu coi trọng đối với việc kiểm tra và công bằng, đối với sự giám sát dân chủ và đối thoại với các đại diện được bầu vào nghị viện.

Trước đó, Ba Lan đã phản đối biện pháp do EU đề xuất về việc áp dụng chung mức thuế bổ sung đối với lợi nhuận tăng thêm mà các công ty năng lượng thu được. Ba Lan cho rằng, hệ thống năng lượng của các quốc gia thành viên trong khối khác nhau và việc áp dụng một mức thuế chung cho tất cả là không phù hợp...

Những mâu thuẫn ngày một khoét sâu khiến mối hoài nghi về mục đích vào EU đang lớn dần trong lòng các cử tri Ba Lan. Không ít người lo ngại, Ba Lan sẽ chọn đi theo con đường của Anh, tạo nên một cuộc rời khỏi EU hay còn gọi là "Polexit",  gây chấn động Cựu lục địa.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục