Số ca mắc Covid-19 toàn cầu gần chạm mốc 100 triệu người

Tính đến 6h sáng 25-1, toàn thế giới có 99.724.794 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.137.784 trường hợp tử vong và 71.701.247 bệnh nhân đã hồi phục.


 Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân mắc Covid-19 từ xe cấp cứu tại Bệnh viện Scorff
ở vùng Lorient (Pháp). Ảnh: Reuters.

Châu Âu

Ngày 24-1, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ buộc các hãng dược phẩm tôn trọng những hợp đồng đã ký trong việc cung ứng vắc xin ngừa Covid-19.

Ông C.Michel khẳng định, EU có kế hoạch khiến các hãng dược phẩm tôn trọng hợp đồng bằng cách sử dụng các công cụ pháp lý sẵn có, đồng thời đòi hỏi tính minh bạch về nguyên nhân của sự chậm trễ.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh hãng dược Pfizer (Mỹ) tuần trước cho biết tạm thời giảm lượng cung vắc xin ngừa Covid-19 cho châu Âu để thực hiện một số thay đổi nhằm tăng năng lực sản xuất.

Trong khi đó, hãng dược AstraZeneca (Anh) thông báo sẽ không cung cấp đủ lượng vắc xin trong các lô hàng đầu tiên được bàn giao do khâu sản xuất gặp trục trặc.

Ngày 24-1, Bộ trưởng Ngoại giao Italia Luigi Di Maio cho biết, nước này sẽ có các hành động pháp lý trước sự chậm trễ của Pfizer và AstraZeneca trong việc cung cấp vắc xin ngừa Covid-19 như đã thỏa thuận. Giới chức nước này cũng đang nỗ lực hành động để không làm thay đổi kế hoạch tiêm chủng vắc xin.

Ngày 24-1, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết, nước này đã phát hiện 77 trường hợp nhiễm biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 từ Nam Phi và 9 trường hợp nhiễm biến thể mới từ Brazil. Giới chức y tế Anh đang theo dõi chặt chẽ các ca nhiễm này để ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới.

Châu Á - châu Đại Dương

Ngày 24-1, Ai Cập đã bắt đầu tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho đội ngũ nhân viên y tế trên toàn quốc. Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed cho biết, nước này đã đạt được thỏa thuận mua hơn 100 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 và sẽ ưu tiên cho các nhân viên y tế tuyến đầu, sau đó là người có bệnh nền như bệnh nhân suy thận, ung thư và tiếp đó là người cao tuổi.

Trong giai đoạn đầu, Ai Cập sử dụng vắc xin của Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm). Các loại vắc xin của Nga và Anh cũng sẽ được nhập khẩu trong thời gian tới.

Từ 22h ngày 25-1, Israel sẽ cấm các chuyến bay chở khách đến và đi từ nước này trong vòng 1 tuần nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Covid-19 mới. Phát biểu trước công chúng trước khi bắt đầu cuộc họp nội các, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết: “Ngoài những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, chúng tôi sẽ ngừng các chuyến bay để ngăn chặn sự xâm nhập của các biến thể mới của vi rút và cũng để bảo đảm thúc đẩy nhanh chóng chiến dịch tiêm chủng”.

Ấn Độ sẽ tiếp tục cung cấp vắc xin ngừa Covid-19 do nước này tự sản xuất có tên COVAXIN ở 7 bang nữa kể từ ngày 25-1, trong bối cảnh quốc gia Nam Á đang nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm chủng cho 30 triệu nhân viên y tế trên khắp cả nước. Cơ quan Quản lý dược phẩm của Ấn Độ đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp hai loại vắc xin ngừa Covid-19, một loại do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển và một loại do công ty địa phương Bharat Biotech phát triển.

Ngày 24-1, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri xác nhận, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã cho phép khu vực tư nhân nước này nhập khẩu vắc xin ngừa Covid-19. Trước tiên, các công ty phải đăng ký vắc xin với Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm. Cơ quan này đã triệu tập các chuyên gia để đẩy nhanh việc phê duyệt vắc xin ngừa Covid-19.

Ngày 25-1, các quan chức y tế New Zealand thông báo đang điều tra về một trường hợp được cho là ca lây nhiễm Covid-19 cộng đồng đầu tiên ở nước này trong nhiều tháng qua, là một phụ nữ mới trở về từ nước ngoài. Người phụ nữ 56 tuổi này về nước vào ngày 30-12-2020 và đã có kết quả xét nghiệm dương tính vài ngày sau khi rời khỏi khu vực cách ly bắt buộc. Trước đó, bệnh nhân đã cách ly trong vòng 2 tuần và có 2 lần xét nghiệm âm tính.

Vì người phụ nữ này có kết quả dương tính vài ngày sau khi rời khu cách ly nên các nhà chức trách coi đây là một trường hợp có thể do lây nhiễm cộng đồng. Theo trang web của Bộ Y tế New Zealand, lần cuối cùng nước này ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng là vào ngày 18-11-2020.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục