Số ca mắc Covid-19 trên thế giới đã vượt mức 180 triệu người

Tính đến 6h ngày 24-6, thế giới đã có 180.332.876 ca mắc Covid-19, trong đó 3.906.308 trường hợp tử vong.

Châu Á - châu Đại Dương

Chính phủ Israel đã cho phép giới chức y tế nước này tiến hành cách ly bất kỳ ai được cho là tiếp xúc gần với những người nhiễm biến chủng Delta, ngay cả khi họ đã được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh.

Quyết định này được đưa ra sau khi Thủ tướng Israel Naftali Bennett nêu nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát dịch mới ở Israel là do biến chủng Delta. Số ca nhiễm mới theo ngày tại Israel đang gia tăng sau nhiều tuần ở mức thấp nhờ chiến dịch tiêm chủng hiệu quả của nước này.

Theo chỉ thị cập nhật của Bộ Y tế Israel, những người đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh trước đó có thể được yêu cầu cách ly lên đến 14 ngày nếu họ có tiếp xúc gần với ca nhiễm biến chủng nguy hiểm trên. Bộ này cho biết, những hành khách trên cùng một chuyến bay có thể được coi là các trường hợp tiếp xúc gần. Điều này có thể khiến kế hoạch của Israel dần dần mở cửa biên giới cho những du khách đã tiêm vắc xin bị chậm lại.

Tại Đông Nam Á, tốc độ gia tăng số bệnh nhân mắc Covid-19 ở Thái Lan vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong 24 giờ qua, nước này thêm 3.174 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 228.539 ca. Các nhà chức trách Thái Lan cho biết, giường bệnh được chỉ định dành cho những bệnh nhân nguy kịch tại tất cả bệnh viện nhà nước ở Bangkok đã gần như kín chỗ vì bệnh nhân Covid-19. Hiện chỉ còn 20 giường cuối cùng dành riêng cho các trường hợp cấp cứu.

Trong khi đó, Bộ Y tế Singapore cho biết,  tất cả người nhập cảnh đến từ các quốc gia và khu vực có nguy cơ cao sẽ chỉ phải cách ly 14 ngày, thay vì 21 ngày như hiện nay, tại các cơ sở cách ly tập trung. Tuy nhiên, người nhập cảnh sẽ phải làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên bằng bộ dụng cụ tự kiểm tra vào ngày thứ 3, thứ 7 và thứ 11 sau khi đến Singapore.

Tại Australia, chính quyền bang New South Wales đã siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập ở thành phố thủ phủ Sydney nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Delta. Theo đó, cư dân tại 7 khu vực ở phía Đông và phía Tây Sydney chỉ được phép ra ngoài vì mục đích thiết yếu. Mỗi gia đình được tiếp tối đa 5 khách cùng lúc.

Các biện pháp này có hiệu lực trong một tuần. Các bang giáp với New South Wales như Victoria và Queensland đã đóng cửa biên giới đối với những người đến từ thành phố Sydney và các vùng lân cận, trong khi bang South Australia đóng cửa biên giới toàn bộ.

New Zealand đã nâng mức cảnh báo dịch Covid-19 ở thủ đô Wellington lên mức 2 sau khi một du khách đến từ Sydney có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2 khi về nước. Các biện pháp phòng dịch mạnh mẽ gần ngang với một lệnh phong tỏa được áp dụng đến hết ngày 27-6.

Trong thời gian này, các cơ quan, công sở, trường học và doanh nghiệp được phép mở cửa nhưng phải tuân thủ quy định giãn cách, các hoạt động thể thao và vui chơi, giải trí vẫn được phép diễn ra. Tuy nhiên, các sự kiện như đám cưới và tang lễ phải giới hạn tối đa 100 người tham dự.

Châu Âu

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã đưa ra cảnh báo, biến chủng Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ có thể chiếm tới 90% ca mắc Covid-19 mới tại Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 8-2021 và hiện là biến chủng lây lan chính tại khu vực này.

ECDC hối thúc các nước cẩn trọng khi thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng dịch để hạn chế dịch bệnh tái bùng phát và lây lan. ECDC khuyến cáo, việc nới lỏng vào mùa hè này trong thời gian đầu tháng 6 có thể làm gia tăng đáng kể số ca nhiễm mới hằng ngày ở mọi độ tuổi. Điều này đồng nghĩa với số ca nhập viện, tử vong do Covid-19 có thể tăng lên như mức ghi nhận trong mùa thu năm ngoái.

Để khống chế dịch bệnh lây lan, ECDC khuyến cáo cần đạt được tiến bộ trong chương trình tiêm chủng với tốc độ rất nhanh. Hiện có khoảng 30% số người trong độ tuổi 80 và khoảng 40% số người trong độ tuổi 60 tại EU vẫn chưa được tiêm chủng đủ hai mũi.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhận định, đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc vì các ca bệnh nhiễm biến chủng Delta đang gia tăng. Do vậy, các chuyên gia nước này cần đánh giá chính xác và thận trọng tình hình để không mạo hiểm với những kết quả chống dịch đã đạt được.

Bồ Đào Nha cũng đang lo ngại nguy cơ bùng phát làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 khi 60% số ca mắc mới tại thủ đô Lisbon nhiễm biến chủng Delta. Thống kê của hãng tin AFP (Pháp) cho thấy, với số ca mắc mới hằng ngày tăng 54%, Bồ Đào Nha đã vượt Anh trở thành nước có tỷ lệ lây bệnh Covid-19 cao nhất tại châu Âu.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục