Tác động của biến thể vi rút SARS-CoV-2: Thử thách liều thuốc miễn dịch của nhân loại

Hàng loạt quốc gia trên thế giới đang tích cực triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 với hy vọng giành lại ưu thế trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Tuy nhiên, việc liên tục phát hiện biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 đã khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại về tác động của chúng đối với nỗ lực phát triển liều thuốc miễn dịch cho nhân loại.


 

Hàng loạt quốc gia trên thế giới đang tích cực triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 với hy vọng giành lại ưu thế trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Tuy nhiên, việc liên tục phát hiện biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 đã khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại về tác động của chúng đối với nỗ lực phát triển liều thuốc miễn dịch cho nhân loại.

Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục đánh giá ảnh hưởng của biến thể mới đối với vắc xin ngừa Covid-19.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể VUI-202012/01 của vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh hồi giữa tháng 12-2020 khiến gia tăng nhanh chóng số ca bệnh tại nước này và hiện đã lây lan ra 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Biến thể tương tự tại Nam Phi được đặt tên là 501Y.V2, liên quan đến làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này, cũng đã xuất hiện tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong khi đó, một biến thể Covid-19 khác mà WHO nhận định là “đáng lo ngại” đã được phát hiện tại Nhật Bản. Ở điểm nóng dịch Covid-19 hàng đầu hiện nay là Mỹ, ngày 13-1, các nhà khoa học từ Đại học bang Ohio cho biết đã phát hiện 2 biến thể vi rút hoàn toàn mới có khả năng lây nhiễm cao hơn. Một trong số đó được cho là đã trở thành chủng lây nhiễm chính tại thành phố Columbus trong khoảng thời gian cuối tháng 12 năm ngoái đến đầu tháng 1 năm nay.

Các biến thể của vi rút không phải là điều bất thường hay hiếm gặp. Tuy nhiên, điều đáng nói là những biến thể được phát hiện gần đây có xu hướng lây lan nhanh hơn và có nhiều biến đổi khó lường. Theo truyền thông quốc tế, các nhà khoa học đã xác định được “đột biến trốn thoát” E484K trong một biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 tại Nam Phi. Sở dĩ gọi E484K là “đột biến trốn thoát” bởi nó có khả năng thoát khỏi một số kháng thể mà vắc xin tạo ra. Chuyên gia Penny Moore thuộc Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia của Nam Phi lo ngại, đột biến này có thể gây ảnh hưởng nhất định, song chưa biết rõ mức độ thế nào.

Dựa trên những gì quan sát được, các nhà nghiên cứu không cho rằng E484K có thể vô hiệu hóa vắc xin, nhưng không loại trừ khả năng đột biến này hoặc tổ hợp đột biến này với một số đột biến khác có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin. Dù hoạt động độc lập hay kết hợp, E484K cũng không thể thoát khỏi tất cả kháng thể mà vắc xin tạo ra. Tuy nhiên, đột biến này cho thấy khả năng thay đổi và thích nghi của vi rút SARS-CoV-2, bởi mỗi lần lây từ người này sang người khác, vi rút lại có một cơ hội để biến đổi. Theo WHO, vi rút càng lây lan nhiều càng có nhiều cơ hội biến đổi, đồng nghĩa với việc càng có khả năng xuất hiện thêm nhiều biến thể mới.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy bất kỳ biến thể vi rút SARS-CoV-2 mới nào tác động đến vắc xin ngừa Covid-19, song cần cập nhật các loại vắc xin nhắm vào những biến thể vi rút mới. Bên cạnh đó, các nhà khoa học của WHO cảnh báo, diện bao phủ của vắc xin vẫn chưa đủ rộng để tạo khả năng miễn dịch cộng đồng trong năm nay, mặc dù các chiến dịch tiêm chủng đang được ráo riết triển khai.

Theo nhận định của Cơ quan Y tế Nga, tất cả biến thể của Covid-19 chỉ liên quan đến 0,1% bộ gen của vi rút. Do đó, chúng sẽ không làm ảnh hưởng đến việc chẩn đoán hay tiêm chủng, bởi hệ thống miễn dịch vẫn có thể nhận ra mầm bệnh để bảo vệ người tiếp nhận vắc xin. Các hãng dược có sản phẩm vắc xin đang được đưa vào sử dụng hiện nay như Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức), Moderna (Mỹ), AstraZeneca (Anh) đều tin tưởng vắc xin phát huy hiệu quả với biến thể mới xuất hiện. Mặc dù vậy, nhà dịch tễ học Arnaud Fontanet tại Viện Pasteur (Pháp) cho rằng, các biện pháp phòng, chống dịch cần được điều chỉnh để tránh nguy cơ bị chậm chân trước vi rút.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục