Tăng cường toàn diện liên minh Mỹ - Hàn Quốc

“Mối quan hệ đồng hành Hàn Quốc - Mỹ sẽ được nâng lên một tầm cao mới”, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định như vậy sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Yoon Suk Yeol ngày 21-5 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của nhà lãnh đạo Mỹ. Tổng thống J.Biden đã dành 3 ngày công du tới quốc gia Đông Bắc Á này để tăng cường toàn diện liên minh Mỹ - Hàn, đồng thời đối phó với các thách thức của khu vực và toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong cuộc họp báo tại Seoul (Hàn Quốc).

Đây là chuyến công du đầu tiên của ông chủ Nhà Trắng đến châu Á với tư cách Tổng thống Mỹ và cũng là lần đầu tiếp xúc với tân Tổng thống Hàn Quốc Y.S.Yeol. Cuộc gặp gỡ giữa hai vị lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh có thông tin tình báo rằng Triều Tiên có khả năng phóng thử tên lửa. Do đó, trong Hội nghị Thượng đỉnh, hai tổng thống đã thảo luận sâu rộng nhiều vấn đề chiến lược song phương và quốc tế, bao gồm việc đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế và công nghệ cao, bảo đảm chuỗi cung ứng toàn cầu, vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như thách thức an ninh sau các vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, Tổng thống J.Biden tái khẳng định cam kết chung đối với việc bảo vệ Hàn Quốc theo Hiệp ước Phòng thủ chung của Hàn Quốc - Mỹ và thế trận phòng thủ kết hợp của Hàn Quốc và Mỹ, mở rộng khả năng răn đe bằng cách sử dụng đầy đủ các khả năng phòng thủ hiện có, bao gồm cả năng lực phòng thủ hạt nhân, vũ khí thông thường và tên lửa.

Hai nhà lãnh đạo cũng tuyên bố rằng mục tiêu chung của họ là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên - cam kết mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2018. Cho đến nay, triển vọng về ngoại giao hạt nhân đang rất mỏng manh vì Triều Tiên không mặn mà với lời đề nghị hỗ trợ của Hàn Quốc và Mỹ dù Bình Nhưỡng phải đang đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 bùng phát. Tổng thống Y.S.Yeol từng cam kết sẽ thực hiện một đường lối cứng rắn hơn đối với Triều Tiên so với người tiền nhiệm. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhấn mạnh, cánh cửa đối thoại vẫn rộng mở nếu Triều Tiên thực hiện các bước đi thực sự hướng tới phi hạt nhân hóa.

Vấn đề thương mại là một lĩnh vực quan trọng khác được hai nhà lãnh đạo thảo luận. Tổng thống Y.S.Yeol thông báo rằng quốc gia của ông sẽ là thành viên sáng lập của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Mỹ đề xuất, một liên minh các đối tác khu vực được thiết kế để tăng cường chuỗi cung ứng, cải thiện cơ sở hạ tầng và các hỗ trợ hướng tới năng lượng sạch, khử carbon và thương mại công bằng. “Tương lai của thế giới sẽ được viết ở đây, ở Ấn Độ Dương, trong vài thập kỷ tới. Theo quan điểm của tôi, đây là thời điểm cùng hợp tác đầu tư để làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh doanh, để mang mọi người đến gần nhau hơn”, Tổng thống J.Biden nói.

Đáng chú ý, Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc sắp tới sẽ đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD để xây dựng cơ sở sản xuất ô tô và pin chuyên dụng tại Mỹ. Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã tham quan nhà máy sản xuất chíp của Tập đoàn Samsung. Trên thực tế, thời gian qua, chính quyền Tổng thống J.Biden đã nỗ lực để giảm bớt tình trạng thiếu chất bán dẫn gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất của Mỹ. Vì vậy, thông điệp của nhà lãnh đạo Mỹ hướng tới lời hứa về một ngày mai tốt đẹp hơn, nhưng cũng nhằm vào các cử tri Mỹ trong bối cảnh đời sống của người dân bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát.

Tổng thống Y.S.Yeol mới chỉ nhậm chức chưa đầy hai tuần, nhưng hành trình băng qua Thái Bình Dương của người đồng cấp J.Biden để gặp ông cho thấy Washington coi trọng mối quan hệ với Seoul đến mức nào và nhận thấy tiềm năng rộng mở của liên minh này.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục